Đăng nhập

Báo động tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh

Báo động tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh

Huyện Đăk Tô (Kon Tum), nằm giữa TP Kon Tum và đỉnh Ngọc Linh huyền thoại, là địa bàn nóng về nạn mua bán sâm Ngọc Linh giả. Với giá trị kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng/kg, các thương lái bất chấp tất cả, tìm mọi cách giả mạo các sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh nhằm thu lợi bất chính. Điều này đã và đang gây thiệt hại nặng nề đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Thủ đoạn tinh vi làm giả Sâm Ngọc Linh

Lâu nay, trên thị trường “râm ran” tình trạng độn, trộn lẫn, giả mạo thương hiệu sâm Ngọc Linh để bán kiếm lời nhưng rất ít vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Liên tiếp vào những tháng đầu năm 2021, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum) đã bắt được rượu và sâm giả nhãn hiệu sâm Ngọc Linh.

Đội phát hiện bảy thùng rượu với 112 chai rượu lá sâm Ngọc Linh tại khối phố 8, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô sử dụng lô-gô, nhãn mác có dấu hiệu vi phạm bản quyền thương hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Địa chỉ sản xuất của lô hàng tại số 426/31, đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Mở rộng điều tra vụ việc, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam tiếp tục kiểm tra cơ sở nêu trên đã phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lực lượng hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã lập biên bản tạm giữ số rượu nêu trên và tiếp tục điều tra, xử lý.

Tiếp đó, kết hợp thông tin tố giác từ quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng chủ động nắm nguồn tin một số đối tượng mua củ rất giống sâm Ngọc Linh từ các tỉnh phía bắc mang vào huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum để giả mạo sâm Ngọc Linh bán kiếm lời. Sau gần hai tháng bố trí theo dõi, 4 giờ sáng 1-3, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Công an huyện Đăk Tô mật phục, vây bắt một vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh từ các tỉnh phía bắc đưa vào huyện Đăk Tô tiêu thụ. Tang vật thu được gồm ba thùng xốp bên ngoài ghi là hoa lan, vận chuyển đến Đăk Tô. Kiểm tra các thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện 2 kg củ và 12 kg lá rất giống sâm Ngọc Linh. Trong đó, hai củ lớn (kèm lá) nặng gần 300 g/củ. Còn lại là các củ nhỏ, “để tư thương lừa người mua khi nói đây là sâm Ngọc Linh gãy do dân mót được trên rừng”, một thành viên tổ công tác cho biết.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 Ngụy Đình Phúc cho biết: Đây là vụ bắt giữ sâm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh đầu tiên của Đội. Các đối tượng lợi dụng trời tối đã bỏ hàng để tẩu thoát. Các loại củ  này thật ra là tam thất hoang, điền trúc.

Ông Trần Văn Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vingin, đơn vị đang sở hữu thương hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, khẳng định: Công ty không ủy quyền cho bất cứ đơn vị hay cá nhân nào khác sử dụng lô-gô hình lá sâm theo giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.  Lô rượu bị lực lượng quản lý thị trường tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam phát hiện, tạm giữ đã sử dụng lô-gô nhãn mác có dấu hiệu giống sản phẩm của công ty là vi phạm quyền tác giả cũng như quyền bảo hộ thương hiệu sản phẩm mà Công ty Vingin đã đăng ký. Điều đáng nói là hành vi giả mạo này đã gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Cần nhiều giải pháp gìn giữ “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao cho nên nhiều đối tượng lợi dụng thương hiệu này để làm nhái, làm giả. Thủ đoạn quen thuộc là làm giả lô-gô, nhãn hiệu các đơn vị cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh uy tín trên thị trường. Tìm kiếm những loại củ có hình dáng gần giống với sâm Ngọc Linh từ miền núi phía bắc… rồi vận chuyển ngược lên “thủ phủ” sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum. “Chiêu trò” này được các đối tượng sử dụng nhằm đánh vào lòng tin người tiêu dùng là số hàng này có nguồn gốc từ tỉnh Kon Tum. Một thủ đoạn nữa cũng thường được áp dụng là chọn những củ giống sâm Ngọc Linh rồi để lẫn với hàng thật khi bán cho người tiêu dùng. Nếu thực hiện trót lọt hành vi phạm tội thì số tiền thu lợi bất chính sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sâm ngọc linh giả
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum) kiểm đếm tang vật giả sâm Ngọc Linh.

Có thể dễ dàng nhận thấy là hiện nay chỉ cần lên mạng và gõ tìm kiếm sâm Ngọc Linh sẽ hiện ra rất nhiều trang web, tài khoản facebook, zalo… rao bán sâm Ngọc Linh với “giá nào cũng có”. Trong vai người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối cần mua sâm Ngọc Linh về điều trị để kéo dài sự sống, phóng viên tìm đến một tài khoản facebook có tên “Mua bán sâm Ngọc Linh”. Sau một hồi thỏa thuận, người này cho số điện thoại 093752XXXX để liên hệ  và báo giá: “Em tên M ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Sâm em bán là sâm Ngọc Linh tự nhiên do người dân tộc thiểu số gần nhà em đào trên rừng cho nên giá khoảng 10 triệu đồng/kg loại 20 củ. Cũng hàng này em mang xuống TP Kon Tum thì bán giá khoảng 30 đến 40 triệu đồng/kg. Thấy anh kể mua về điều trị bệnh ung thư cho nên em lấy giá 10 triệu đồng/kg…”. Khi đề nghị muốn gặp trực tiếp nhận hàng, trả tiền thì M nói bận đóng hàng giao cho khách, đề nghị giao dịch  qua tài khoản ngân hàng… Trong khi đó, theo những chuyên gia nhiều năm trồng, khai thác sâm Ngọc Linh thì hiện nay trong tự nhiên loài sâm này rất hiếm và hầu như không có. Hơn nữa thời điểm này sâm Ngọc Linh đang bước vào thời kỳ “ngủ đông” (mọc mầm, ra lá mới) cho nên không thể có củ sâm kèm cả lá như các loại cây mà lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt giữ.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô Nguyễn Thành Chung nói: “Tôi hết sức bức xúc với tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh. Lo thứ nhất là người tiêu dùng bị lừa, mất tiền oan, thứ hai là sự sụt giảm, mai một niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu sâm Ngọc Linh. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thể mời các nhà khoa học, doanh nghiệp lên quan sát trực quan từ đó mô tả, phân tích về sâm thật. Sau đó xác định được chuẩn trực quan sâm thật thì rễ, củ, thân, lá, thời gian sinh trưởng như thế nào. Phổ biến rộng rãi cho người tiêu dùng biết, bước đầu có thể tự phân biệt được thật hay giả nếu đi mua sâm”.

Về vấn đề này, đồng chí Ngụy Đình Phúc khuyến cáo: Hiện tại trên thị trường hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã xuất hiện một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu và uy tín của cây sâm Ngọc Linh để trà trộn hàng giả, hàng nhái nhằm trục lợi bất chính. Việc làm nêu trên không những ảnh hưởng sức khỏe, tiền bạc của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng chất lượng, uy tín của sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ, chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, khi mua các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Cục Bản quyền tác giả và Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký và bảo hộ, được cơ quan nhà nước cấp phép sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum Trần Kiều Hưng chia sẻ: Hiện tại lãnh đạo tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho ba đơn vị đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô trồng gần 20 ha, Công ty cổ phần Vingin trồng khoảng 200 ha và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng khoảng 600 ha…

Sâm Ngọc Linh được biết đến là loại sâm tốt bởi có chứa 52 loại sapopin. Do loại sâm này được đông y sử dụng điều trị nhiều loại bệnh cho nên được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều đối tượng đã thu mua các loại củ tam thất hoang, sâm Vũ Diệp… có hình dáng gần giống sâm Ngọc Linh với giá rẻ rồi bán lại với giá cao. Để mua các sản phẩm sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nên tìm đến các công ty, đơn vị uy tín đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.

 

Hành vi sản xuất và mua bán các sản phẩm giả nhãn hiệu sâm Ngọc Linh là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, tùy theo mức độ vi phạm, giá trị và số lượng hàng giả mà xử lý tổ chức, cá nhân theo quy định. Nếu số lượng hàng giả ít thì căn cứ theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý. Nếu đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội có thể bị xử phạt đến 15 năm tù.

Luật sư LÃ THỊ ÁNH (Công ty Luật Ánh Trọng Tín, Hà Nội)

Trả lời