Đăng nhập

Giữ gìn sự bình yên nơi biên giới

Giữ gìn sự bình yên nơi biên giới

KTO – Từ trung tâm TP Kon Tum, chỉ mất hơn một giờ, chúng tôi đã có mặt tại huyện Ngọc Hồi, một huyện có 47 km đường biên giới giáp hai nước bạn Lào và Cam-puchia. Thị trấn Plei Kần nhà cửa san sát, ta-xi sẵn sàng phục vụ khách 24/24 giờ, có cả in-tơ-nét tốc độ cao, nhà hàng, khách sạn… như các đô thị lớn. Có được sự phát triển như bây giờ, huyện biên giới Ngọc Hồi đã thực hiện tốt công tác chăm lo xây dựng địa bàn và lực lượng vũ trang.

f289e08dafc394550ff91803c598149f_XL

Lực lượng dân quân thường trực xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) phối hợp tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Thượng tá Trần Đức Sơn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Ngọc Hồi (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) hào hứng kể kinh nghiệm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Những năm qua, gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh, Huyện ủy, UBND huyện luôn chăm lo xây dựng địa bàn và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh, nhất là lực lượng dân quân.

Chúng tôi về thăm Tiểu đội dân quân thường trực của xã Bờ Y – một xã giáp hai huyện Phu Vông (Lào) và Tà Veng (Cam-pu-chia), với 10 cán bộ, chiến sĩ đều là người dân tộc thiểu số. Năm 2013, đơn vị được các cấp quan tâm đầu tư xây nhà làm việc mới, trị giá 460 triệu đồng từ kinh phí quốc phòng và ngân sách địa phương. Tiểu đội trưởng A Tuồng (dân tộc Ka Dong) và Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bờ Y Trương Văn Chính, tâm huyết khi kể về các hoạt động phối hợp của lực lượng quân sự với công an trong giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn; phối hợp cùng Đồn Biên phòng 677 tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc…

Mỗi chuyến đi phối hợp của cán bộ, chiến sĩ thường kéo dài từ ba đến bảy ngày. Trung bình mỗi năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ sải bước hơn 500 km vượt đèo, băng rừng, lội suối. Trạm dừng chân của các anh không chỉ là những chốt biên phòng, mà nhiều khi ở giữa rừng. Mùa nắng nước hiếm, anh em phải đi rất xa mới tìm ra khe nước. Mùa mưa, núi rừng biên giới có muỗi, vắt. Tiểu đội trưởng A Tuồng bảo: “Chúng tôi quen rồi. Nếu chống vắt bám vào người thì cứ lấy thuốc rê trộn với xà bông rịt vào. Đi nhiều, đường sá anh em cán bộ, chiến sĩ thuộc như lòng bàn tay, chưa bao giờ bị lạc. Gạo, cá khô anh em mang theo nấu cùng các loại rau rừng: tai voi, măng đắng, rau dớn… hái trên đường, ăn rất ngon. Có bữa, anh em còn tìm được gà rừng, cá suối nữa”. Chia nhau từng ngụm nước, viên thuốc, chén cơm, những giấc ngủ chập chờn trên tăng võng dưới những cánh rừng, cán bộ, chiến sĩ thương nhau như anh em một nhà. Có chuyến đi phối hợp tuần tra, do trời mưa, đường trơn, có cán bộ, chiến sĩ không may bị trượt chân ngã bong gân, anh em trong đơn vị thay nhau khiêng, cõng.

Trao đổi với cán bộ, chiến sĩ, được biết, từ năm 2009 đến nay, Tiểu đội dân quân thường trực của xã Bờ Y đã phối hợp cùng các lực lượng tham gia phát hiện và đưa 23 người vượt biên trái phép trở về địa phương làm ăn sinh sống; ngăn chặn nhiều vụ phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản trái phép, kiểm tra thu giữ ba khẩu súng tự chế… Cùng với đó, dân quân thường trực của xã còn làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng gia sản xuất (trồng rau, chăn nuôi bò, heo, gà vịt), được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua quyết thắng của LLVT tỉnh Kon Tum. Từ mô hình hiệu quả trong phối hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội của xã Bờ Y và Sa Loong, vừa qua, huyện Ngọc Hồi đã ra quyết định thành lập ba tiểu đội dân quân thường trực tại ba xã biên giới còn lại là Đắk Xú, Đắk Nông và Đắk Dục.

Rời huyện vùng biên giới Ngọc Hồi trong tiết trời se lạnh, nhìn mầu xanh của những cánh rừng cao-su, cà-phê vùng biên ải, chúng tôi cảm phục những cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương đang ngày đêm thầm lặng phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng giữ gìn sự bình yên của vùng đất biên cương, phên giậu của Tổ quốc.

BÀI VÀ ẢNH: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP (ĐÀ NẴNG)

Trả lời