Đăng nhập

Những miền đất huyền sử – Kỳ 2: Những hòn đá linh thiêng

Những miền đất huyền sử – Kỳ 2: Những hòn đá linh thiêng

Ở Kon Tum có ba hòn đá mà đồng bào bản xứ xem đó là vật linh thiêng của làng, được thêu dệt bằng những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn.

honda1
Hòn đá thiêng ở làng Kon Rế – Ảnh: Phạm Anh

Hòn đá “may mắn”

Làng Kon Rế (xã Ngọc Wang, H.Đăk Hà) có hòn đá được đồng bào Xê Đăng ở địa phương xem là vật thiêng. Theo già làng A Hé, hòn đá được cất dưới một gốc cây lớn nằm phía đông nam nhà rông của làng, có hàng rào tre, lồ ô bao bọc xung quanh. Dẫn chúng tôi đến gốc cây, già làng A Hé kính cẩn, nhẹ nhàng lật lớp rào nhỏ để lộ ra hòn đá cao gần nửa mét, hình lưỡi mác. “Hòn đá thiêng này, chỉ có già làng A De (nay gần 90 tuổi) rõ nhất, sau đó đến tao. Chỉ già làng mới truyền nhau việc này”, A Hé tự hào.

Già A Hé kể, ngày xưa, người Xê Đăng có tục vào cuối năm khi thu hoạch nương rẫy xong là dân làng tổ chức đi săn. Hôm đó, làng Kon Rế ra quân rầm rộ, thanh niên trai tráng tay cầm nỏ, giáo, mác dẫn bầy chó săn tiến vào rừng. Nhưng bầy chó săn ra khỏi làng giáp với bìa rừng là không chịu đi nữa, mà vây quanh một hòn đá sủa lên om sòm. Dân làng cho là “điềm xấu” nên kéo nhau về.

Lần thứ hai tổ chức đi săn, bầy chó đến nơi có hòn đá lại xúm vào sủa và không đi tiếp. Lại gặp điềm xấu, đám thanh niên tiu nghỉu đi về. Lần thứ ba, thanh niên làng Kon Rế thống nhất rằng có gặp điềm xấu cũng bất chấp. Khi lũ chó săn không chịu đi qua hòn đá, nhóm thợ săn khiêng luôn hòn đá đi cùng và bầy chó cũng đi theo.

May mắn đến bất ngờ, chuyến đi săn được quá nhiều thú rừng so với các lần trước, người làng lại không ai bị trầy xước, bị thương hay bị thú tấn công. Ai cũng cho là hòn đá đem lại điều may mắn nên những lần đi săn sau đó đều khiêng theo và lần nào cũng săn được rất nhiều thú. Để cả làng được gặp may mắn, dân làng Kon Rế rước hòn đá về nhà rông, thờ cúng cẩn thận. “Kon Rế đã 4 lần dời làng nhưng hòn đá luôn được mang đi theo, vì đó là vật thiêng mang lại nhiều may mắn. Hơn 10 năm nay, đá thiêng được đưa ra dưới gốc cây hban”, già A Hé thổ lộ.

Từ khi có đá thiêng, mỗi năm làng Kon Rế cúng một lần vào tháng 4, do đích thân già làng đứng ra khấn vái. Tiếp nhận việc cúng 20 năm nay, già làng A Hé cho hay lễ cúng đá thiêng thường năm nay con gà thì sang năm con heo. Nhà nào cũng phải mang rượu cần đến nhà rông để sau khi cúng xong là dân làng quây quần ăn thịt, uống rượu hết cả ngày. Khi cúng, người làng phải đứng ra xa, chỉ có già làng đứng khấn vái, lấy máu vật cúng bôi lên xung quanh hòn đá thiêng rồi khấn. Hỏi lời khấn thế nào, già A Hé nghiêm mặt: “Không được! Chỉ đứa nào được già làng chọn mới được truyền đạt lời khấn này. Làng này tao đã chọn rồi, người lạ không nên nghe”.

Hòn đá biết… đẻ

Tại làng Le của tộc người Rơ Mâm (ở xã Mô Rai, H.Sa Thầy) cũng có một hòn đá kỳ dị, được đồng bào địa phương kể là biết… đẻ con và dẫn con đi chơi! Đó là hòn đá to bằng chiếc rổ, màu nâu xám, đầu đá hình tròn, dài chừng gang tay. Hiện hòn đá này được đặt trang trọng ở căn chòi cao chừng 1,5 m giữa làng và người dân Rơ Mâm sùng kính bái là “Yang”.

honda2
Nơi thờ cúng hòn đá biết đẻ – Ảnh: Phạm Anh

Những người già trong làng kể lại rằng, “Yang Ngà” (hay cụ tổ) người Rơ Mâm một lần đưa dân làng đi săn, nhưng thất vọng vì cả ngày không săn được con thú nào. Cuối chiều hôm đó, bầy chó săn quây vào một bụi cây sủa ầm ĩ. Vạch bụi cây, dân làng Le phát hiện hòn đá nên mang về. Đêm ấy, thợ săn quây quần uống rượu giải sầu thì Yang Ngà hét lớn, tay chỉ vào hòn đá: “Ô, đá biết đẻ”. Mọi người nhìn vào thì thấy cạnh hòn đá ban chiều có một hòn đá to bằng nắm tay vừa… ra đời từ đá mẹ. Nghe lời Yang Ngà, dân làng đâm trâu đực lấy máu tắm cho “hai mẹ con” hòn đá. Từ đó về sau, cứ vài ba mùa rẫy, mẹ đá lại… đẻ thêm con và có đến 9 đứa con ra đời như thế.

Theo già làng A Giỏi, mỗi năm dân làng đều cúng và phải lấy máu trâu tắm cho đá mẹ và đàn đá con. Làm như vậy, điều may mắn sẽ được đưa về cho người Rơ Mâm ở đây.

Hòn đá phát sáng

Ông A Kay, Phó phòng Văn hóa – Thông tin H.Đăk Hà (Kon Tum), kể: Tại làng Kon Stiu 1 (xã Ngọc Réo) còn có hòn đá tự phát sáng vào ban đêm.

Chủ nhân là A Hyat, năm 1986 đi đãi vàng, một đêm ngang qua suối phát hiện đá phát sáng màu xanh biếc nên mang về để trên bàn giữa nhà. Cứ đến đêm, đá lại phát sáng hơn ngọn đèn dầu và trăng rằm, tỏa ra cả nhà mát dịu. Bao nhiêu con buôn vào mua nhưng A Hyat không bán.

Trong làng có một pa jâu (thầy cúng) đến gạ đổi heo, trâu nhưng A Hyat cũng không chịu. Thế là pa jâu cho tiền người ta ăn trộm hòn đá. A Hyat phát hiện kẻ trộm và đòi về. Lần thứ hai, pa jâu nọ ăn cắp được đá nhưng biết sẽ bị phát hiện nên đập hòn đá ra để lấy một nửa. Thế nhưng khi đá bị vỡ ra thì không còn phát sáng nữa.

Phạm Anh | Thanh Niên

Trả lời