Đăng nhập

Nối giữ hồn chiêng

Nối giữ hồn chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, vinh dự là di sản thứ hai của Việt Nam sau nhã nhạc cung đình Huế. Nhưng những năm gần đây một bộ phận thanh niên ở các dân tộc vùng Tây Nguyên cũng đã bắt đầu tỏ ra thờ ơ, thậm chí tự ti với các nhạc cụ dân tộc của mình. Những giá trị văn hóa rất tự hào đang đứng trước nguy cơ phai nhạt và ngày càng mất dần bởi mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Trăn trở trong vấn đề gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình, một số người tâm huyết đã tìm cách duy trì không gian văn hóa ấy.

Gửi “hồn” cho thế hệ trẻ

Tại làng Kontum Kpơng (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum), tiếng chiêng vẫn đều đều ngân xa vào mỗi buổi chiều khi mặt trời đã khuất và người trên nương rẫy đã về. Và đó cũng là lúc đội cồng chiêng nhí do bà Y Blưh trực tiếp giảng dạy rộn rã cả lên.

Chúng tôi gặp Y Blưh khi bà đang say sưa bên những đứa trẻ, dạy từng nhịp điệu múa xoang và bẻ nắn từng âm thanh của tiếng chiêng cồng. Mặc dù năm nay đã 64 tuổi nhưng niềm say mê với âm nhạc truyền thống của dân tộc đã thôi thúc bà đứng lên trực tiếp giảng dạy với mong muốn bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tiếp theo. Bà chia sẻ: “Đội cồng chiêng được thành lập từ năm 1988 bởi ông A Ngơ, năm nay ông A Ngơ đã ngoài 80 tuổi, không còn đủ sức truyền dạy cho các em nên tôi tiếp nối công việc”.

images502535_D6c

Các thế hệ cùng lưu giữ hồn chiêng. Ảnh: BẢO HƯNG

Hàng ngày những đứa trẻ sau giờ tan học hay những buổi chiều lên nương rẫy cùng cha mẹ, chúng lại tụ họp và trở về sân nhà bà Y Blưh để học đánh chiêng. Dạy cồng chiêng cho lứa tuổi nhí này rất khó, một phần vì các em còn chưa ý thức được việc gìn giữ và bảo tồn, phần vì các em còn ham chơi. Có nhiều em tập được một, hai buổi thấy khó bắt đầu nản. Những em không mang nổi chiếc cồng trên người đi loạng choạng vì nặng. Hay những em phải bỏ tập luyện để phụ mẹ lên rẫy, lên nương khiến việc duy trì tập luyện gặp khó khăn. Thế nhưng để thanh thiếu niên trong làng không rời xa những âm thanh truyền thống trong cuộc sống hiện đại, ông A Ngơ, bà Y Blưh và các giáo viên phụ trách của trường tiểu học trong phường đến nhà vận động các em và phụ huynh. Lúc đầu chỉ một vài em, sau đó nhờ sự động viên khuyến khích của cha mẹ, các em đã theo học ngày một nhiều. Bà Y Blưh kể: “Mình phải kiên nhẫn động viên để các cháu hiểu và yêu thích cồng chiêng. Phải tập cho các em nam biết các giai điệu khi đánh cồng, tập cho các em nữ múa xoang phải ăn khớp nhịp điệu, tiết tấu với bài cồng chiêng”.

Tình yêu với cồng chiêng và các điệu múa của dân tộc mình luôn thôi thúc bà tìm cách duy trì và bảo tồn, cho nên bà đã mời các em nhỏ ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu – nơi bà công tác giảng dạy trước đây về nhà để tập luyện. Chồng bà cũng hết mực ủng hộ nên đã mua 2 bộ, 1 bộ nhỏ tiếng vang, thanh, bổng gọi là Chêng Chrang; 1 bộ to tiếng trầm gọi là Chêng Brông. Không thể mang cồng chiêng đến trường để các em tập luyện được vì khá nặng và cồng kềnh nên bà đưa các em nhỏ về nhà tập vào mỗi buổi chiều tối hàng ngày. Ngày đó đội cồng chiêng rất nổi tiếng đi tham dự các cuộc liên hoan, giao lưu với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Bây giờ các em đó đã lớn và có gia đình. Tiêu biểu trong số đội cồng chiêng ấy là Kali Chan. Hiện tại Kali Chan đang theo học đánh đàn T’rưng hiện đại ở TPHCM.

Đến nay đội cồng chiêng nhí trong làng đã có hơn 30 em, tự tin trình diễn trong các dịp lễ hội của làng như: Phục sinh, Giáng sinh, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ hội gùi nhỏ (ca ngợi chiếc gùi có ích cho đời sống của bà con dân tộc), Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, các hội thi, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số do thành phố tổ chức hay các cuộc giao lưu ở các trường… và là niềm tự hào cho cả làng mỗi khi có dịp đi biểu diễn.

Lan rộng mô hình

Cồng chiêng không chỉ được bảo tồn ở làng Kontum Kpơng, cách thành phố Kon Tum hơn 20km về phía Tây, khi nhắc đến cồng chiêng người ta còn nhắc đến đội cồng chiêng nhí ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Nơi lớp học đánh chiêng được mở vào mỗi buổi chiều và các thanh niên dân tộc Ja Rai đang hòa quyện say sưa cùng tiếng chiêng với tất cả niềm đam mê, say đắm.

Ông A Kiuh, già làng trực tiếp giảng dạy với sự hợp tác của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Văn Tám, lớp học đánh cồng chiêng được tập luyện vào mỗi buổi chiều. Thời gian đầu các em còn rất ngỡ ngàng, đánh chưa đúng vị trí và sai giai điệu, người truyền dạy phải kiên nhẫn, hướng dẫn từng động tác chậm rãi, làm lại từng điệu để các em dễ hiểu, dễ nhớ. Còn đội múa xoang thì được các bà, các mẹ trong làng chỉ dạy nhiệt tình, các em nữ đã nhanh chóng múa dẻo, nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng.

Nhớ lại khó khăn ban đầu vận động các em tập luyện, ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình không quên nhắc lại: “Lúc đầu những đứa trẻ không thích nối nghiệp của ông cha, bởi thời buổi này có nhiều loại hình âm nhạc khiến trẻ thích hơn. Nhưng sau quá trình thuyết phục các em nếu không nối nghiệp thì loại hình văn hóa của dân tộc mình sẽ mất. Sau đó, các em tỏ ra rất thích thú với loại hình này. Đến tháng 9 năm nay, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình cồng chiêng nhí ra hai làng nữa là làng Kà Bây và làng Khúc Nar”.

Đội cồng chiêng nhí của làng đã đi vào nề nếp, cứ mỗi buổi chiều trước giờ tập các em lại rủ nhau đến đông đủ trước nhà già làng. Trẻ em háo hức, người già thì phấn khởi bởi họ tin một điều rằng loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc mình sẽ không bị thất truyền vì rất nhiều người trẻ còn nhiệt huyết và đam mê với cồng chiêng Tây Nguyên. Và đã bao lần trở lại với đại ngàn, đã bao chiều tôi lang thang đi tìm nữ thần Mặt trời và mỗi khi đứng chân trên mảnh đất này phóng xa tầm mắt, tôi lại thấy: Ôi! Tây Nguyên của mình sao hùng vĩ quá.

THÀNH SƠN | SGGP

Trả lời