Đăng nhập

Tháng 3 Tây Nguyên – Những sắc màu văn hóa

Từ ngày 25-27/3 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 – Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn.”

“Tháng Ba – Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn” sẽ góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đậm chất Tây Nguyên. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có buổi trình diễn nghệ thuật kể khan (hát kể, diễn xướng sử thi) độc đáo của đồng bào Êđê do nghệ nhân Y Wang ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) thể hiện.

 

Pano Chương trình “Tháng Ba –  Mùa con ong đi lấy mật – Tây Nguyên đại ngàn”

Theo Ban tổ chức, hai khu vực chính là không gian làng dân tộc Ê Đê và khu làng các dân tộc, đồng bào Thái (Nghệ An), Mường (Hòa Bình), Giẻ Triêng (Kon Tum), Ê Đê (Đắk Lắk).

Tại không gian làng dân tộc Ê Đê, đồng bào sẽ trưng bày đồ dùng, hiện vật, trang phục dân tộc, nhạc cụ, công cụ lao động sản xuất… của các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm ảnh “Tây Nguyên đại ngàn” với khoảng 50 bức ảnh giới thiệu về đất và người Tây Nguyên. Đồng thời giới thiệu những sản phẩm được chế tác từ núi rừng Tây Nguyên như mật ong, sáp ong, rượu, ẩm thực đặc trưng…

Còn tại khu làng các dân tộc, đồng bào Thái, Mường, Giẻ Triêng, Ê Đê sẽ tổ chức các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm và tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều…

Một số hoạt động hấp dẫn khác: Ngày văn hóa “Tây Nguyên đại ngàn”; chương trình đạp xe “Vì tình yêu Tây Nguyên”; diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; ngày hội bắn nỏ; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của núi rừng Tây Nguyên; lễ hội, tri thức dân gian; dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian…

Các lễ hội của người Tây Nguyên cũng được tái hiện lại tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, như: Lễ cúng cổng bon (buôn) làng dân tộc M’Nông; lễ mừng nhà rông mới dân tộc Giẻ Triêng; lễ cầu mưa và mừng mùa dân tộc Ê​đê; lễ tạ ơn Yang đất Yang rừng dân tộc Mạ; đám cưới của dân tộc Gia Rai; lễ mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng…

Chương trình có sự tham gia của 135 đồng bào dân tộc của 8 dân tộc đến từ 7 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh vùng Tây Nguyên: M’Nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê​​đê (Đắk Lắk) và dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An).

T.Dung-CN (Tổng hợp)

Trả lời