Theo truyền thuyết của dân tộc Bahnar vùng này được lưu lại rằng: Kon Tum ban đầu chỉ là tên gọi của một làng người Bahnar. Khoảng trước năm 1800 thì không có tên gọi Kon Tum, vì làng Kon Tum chưa xuất hiện. Thuở ấy, trong vùng người Bahnar (thuộc thành phố Kon Tum ngày nay) có làng người địa phương ở gần sông Đăk Bla tên gọi là Kon Trangor (về sau gọi là ChưH’reng). Lúc ấy làng Kon Trangor rất thịnh vượng, với dân số khá đông. Bấy giờ giữa các làng luôn có sự gây chiến đánh nhau. Vì thế những người đồng bào làng Kon Trangor cũng thường đem dân làng mình đi đánh phá các làng khác để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Trong số những người đồng bào làng Kon Trangor có một người tên là Jaxi, có 2 con trai là Jơ Rông và Uông; hai người này không thích cảnh những người đồng bào vùng này luôn gây chiến đánh nhau với các làng khác, nên đã ra đi làm Nhà ở mới riêng gần chỗ có hồ nước cạnh sông Đăk Bla. Vùng đất này rất tốt và có nhiều thuận lợi cho việc định cư sinh sống nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành một làng mới với tên gọi Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập ra của người Bahnar sát bên bờ sông Đăk Bla, nơi có nhiều hồ nước trũng.
Dịch từ tiếng Bahnar ra tiếng Việt, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước…) và tên gọi Kon Tum gắn liền với địa danh như đã đề cập ở trên. Đến năm 1913, tỉnh Kon Tum chính thức thành lập, bao gồm cả địa giới hành chính của 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ngày nay. Ngay từ thưở ấy, thành phố Kom Tum đã được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ, còn Buôn Ma Thuột và Plei Ku chỉ là hai đại lý hành chính trực thuộc… Bởi đây chính là vùng đất địa đầu phía Bắc, nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải miền Trung, có vị trí cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược…
Cũng bởi mang trên mình vị trí quan trọng như vậy, nên trong tiến trình lịch sử, Kon Tum luôn bị các thế lực thù địch và ngoại xâm đặt vào tầm ngắm. Thời kỳ đầu của Cách mạng, Kon Tum được biết đến với khu ngục tù nổi tiếng do thực dân Pháp thành lập, là nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng khu vực miền Trung – Tây nguyên những năm 1930 – 1931….Năm 1945, Kon Tum được giải phóng và thành lập chính quyền Việt Minh… Năm 1946, trong dã tâm thôn tính nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp đã bằng mọi giá đánh chiếm lại Kon Tum… Đến năm 1954, Kon tum là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được giải phóng, chính quyền cách mạng thị xã được thành lập…Và trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh ở Bắc Kon Tum đã mở màng cho chiến dịch giải phóng Tây nguyên, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Với những đóng góp, hy sinh to lớn trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Kon Tum đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình phát triển mới của đất nước và Tây nguyên nói chung, năm 1991, tỉnh Kon Tum đã được tái thành lập theo Nghị quyết Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ IX. Thành phố Kon Tum trở lại với vai trò vốn có, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Kon Tum…
Có thể xem đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng đồng bào các dân tộc trên địa bàn Kon Tum, đánh dấu và khơi dậy một thời kỳ phát triển mới cho vùng đất trọng điểm nằm về địa đầu phía Bắc Tây nguyên này… Thời kỳ của công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách toàn diện trên nền tảng của một đô thị có truyền thống lâu đời, giàu bản sắc văn hoá, có an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hôi luôn đảm bảo, để tạo tiền đề cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư, xây dựng Kon Tum thành đô thị ngày càng phát triển một cách toàn diện…
Trong xu thế ấy, thành phố Kon Tum, nơi có 43.298,15 ha diện tích tự nhiên và tổng dân số hiện có 143.467 người (DTTS 41.990 người, chiếm 29,26 % dân số toàn thành phố), 21 đơn vị hành chính: 10 phường (Quyết Thắng, Thắng Lợi, Quang Trung, Thống Nhất, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Ngô Mây, Trường Chinh, Lê Lợi và Duy Tân), 11xã (Hoà Bình, Ia Chim, Đoàn Kết, Vinh Quang, Ngọc Bay, Kroong, Đăk Cấm, Đăk Blà, ChưH’reng, Đăk Năng, ĐăkRơWa), gồm 179 thôn, tổ dân phố, trong đó có 94 thôn (61 thôn đồng bào DTTS) và 85 tổ dân phố. Thành phố Kon Tum bé nhỏ và thơ mộng có dòng sông Đăk Bla chảy qua. SôngĐăkBla là một nhánh của sông Pô Cô chảy theo hướng từ Đông sang Tây và đổ vào hồ Yaly.
Có thể nói, về mặt địa lý, Kon Tum có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vừa là cơ hội mà cũng là trách nhiệm to lớn trong xu thế hội nhập, phát triển của cả vùng đất TâyNguyên rộng lớn…
Trong những năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, thành phố Kon Tum đã bước đầu tạo dựng cho mình một vóc dáng đô thị đầy tiềm năng, với sự phát triển đồng bộ trên mọi lĩnh vực… Trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm (2005-2010) đạt 16,29%. Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, tăng từ 44,64% lên 46,25%; tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ tăng từ 35,36% lên 36,34%; tỷ trọng ngành Nông-lâm-thủy sản giảm từ 20% xuống còn 17,41%.Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,158 triệu đồng lên 15,042 triệu đồng. Theo đó, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cũng có tỷ lệ xấp xỉ 85% trong tổng nguồn nhân lực xã hội…
Kinh tế phát triển khá mạnh và toàn diện chính là động lực thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá xã hội ngày càng được nâng cao. Hệ thống trường học trên địa bàn thành phố, từ mầm non đến các trường đào tạo chuyên nghiệp ngày càng được hoàn thiện và chuẩn hoá. Hiện nay, ngoài trường phổ thông các cấp, thành phố đã có hai trường cao đẳng, hai trường trung cấp và một phân hiệu đại học của đại học Đà Nẵng. Có thể xem đây như một trong những trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng không chỉ cho địa phương, mà có thể nói là cho cả tỉnh nói chung, và về lâu dài là cả khu vực tam giác kinh tế giàu tiềm năng như chúng ta đã biết…
Song song với giáo dục, hệ thống y tế – chăm sóc sức khoẻ cũng từng bước được kiện toàn. Thành phố Kon Tum hiện có 01 Bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện phục hồi chức năng, 01 trung tâm y tế dự phòng, cùng hệ thống các trạm y tế xã, phường đang được đầu tư đảm bảo đạt chuẩn quốc gia… Tất cả đều không ngoài mục đích phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng tốt hơn..
Cùng với quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách khá toàn diện, các giá trị văn hoá truyền thống cũng đã được chú trọng gìn giữ. Giữa nhịp sống đô thị, trong lòng Kon Tum vẫn còn những không gian mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Bahnar, Giarai, những ngôi làng truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người, những nhà rông, cầu treo, những sản phẩm văn hoá truyền thống độc đáo, chỉ có ở Tây nguyên, những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới… Tất cả hoà chung thành một khối, tạo nên một đô thị Kon tum vừa trẻ trung hiện đại, lại vừa ẩn chứa những nét văn hoá đặc trưng khu biệt…
Comments (1)
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.
Pingback: Khách sạn Đông Dương Kon Tum (Indochine Kon Tum hotel)