Văn hóa Bahnar – Ba Na: Dân ca Bahnar – Ba Na
Dân ca nhạc Việt Nam – Dân ca Bahnar – Ba Na
Việt Nam chúng ta có một diện tích trải dài trên ngàn cây số dọc theo biển Đông với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những âm điệu, lời ca đặc thù riêng biệt. Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nền dân ca dân nhạc của 54 dân tộc anh em chúng ta. Trước tiên mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Bahnar – Ba Na của Dân tộc Bahnar – Ba Na.
Tộc Bahnar – Ba Na (các tên gọi khác: Ba Na Trên Núi, Ba Na Dưới Núi, Ba Na Đông, Ba Na Tây, Tơ Lộ, Bơ Nâm, Glơ Lâng, Rơ Ngao, Krem, Roh, Con Kde, A la công, Krăng, Bơ Môn, Kpăng Công, Y Lăng) có dân số khoảng 227.716 người. Họ có nhiều tên gọi khác nhau như thế bởi theo nơi cư trú hay phong tục tập quán của mỗi vùng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Dân tộc Bahnar/Ba Na cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các tỉnh:
Gia Lai (150.416 người, chiếm 11,8% dân số toàn tỉnh và 66,1% tổng số người Ba Na tại Việt Nam)
Kon Tum (53.997 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 23,7% tổng số người Ba Na tại Việt Nam)
Phú Yên (4.145 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 23,7% tổng số người Ba Na tại Việt Nam)
Bình Định (18.175 người, chiếm 8,0% tổng số người Ba Na tại Việt Nam)
Đắk Lắk (301 người)
Bình Thuận (133 người)
Người Bahnar/Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
Ở mỗi làng có một nhà công cộng là nhà Rông to, đẹp ở giữa làng. Nhà rông cao lớn và đẹp đứng nổi bật giữa làng, đó là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi trai chưa vợ và góa vợ ngủ đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách lạ vào làng.
Nhà ở của người Bahnar – Ba Na thuộc loại hình nhà sàn. Trước đây khi chế độ gia đình lớn còn thịnh hành, ở vùng người Ba Na sinh sống thường có những căn nhà dài hàng trăm mét, tuy nhiên hiện nay chế độ gia đình lớn không còn nữa, mô hình các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn gọn gàng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà sàn ngắn của các gia đình nhỏ là phổ biến. Nhà sàn thường dài từ 7m đến 15m, rộng từ 3m-4m, cao từ 4m-5m, sàn cách mặt đất khoảng 1m đến 1,5m.
Mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tìm được ở nhiều địa phương khác nhau những ngôi nhà Ba Na với những đặc điểm đặc trưng của nhà cổ truyền Ba Na là nhà nóc hình mai rùa hoặc chỉ còn là hai mái chính với hai mái phụ hình khum – dấu vết của nóc hình mai rùa. Chỏm đầu dốc có “sừng” trang trí (với các kiểu khác nhau tùy theo địa phương). Vách che nghiêng theo thế “thượng thu hạ thách”. Có nhà, cột xung quanh nhà cũng chôn nghiêng như thế vách. Thang đặt vào một sàn lộ thiên trước cửa nhà. Trên sàn này người ta đặt cối giã gạo (cối chày tay). Điểm đáng chú ý là dưới đáy cối có một cái “ngõng”. Khi giã gạo người ta cắm cái ngõng ấy vào một cái lỗ đục trên một thanh gỗ đặt trên sàn. Nhà tre vách nhưng có thêm lớp đố, bên ngoài buộc rất cầu kỳ như là một lớp trang trí. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản. Có làm vì kèo nhưng vẫn trên cơ sở của vì cột. Tổ chức mặt bằng đơn giản.
Người Bahnar/Ba Na cho phép tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình hai bên, sau khi sinh con đầu lòng mới làm nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu quý. Dân làng không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên gặp nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh-em, cha-con, mẹ-con. Các con được thừa kế gia tài như nhau. Trong gia đình, mọi người sống hòa thuận bình đẳng. Người Ba Na thờ cúng nhiều thần linh.
Trước đây, trai gái Bahnar/Ba Na khi đến tuổi trưởng thành (20 tuổi đối với nam; 18 tuổi đối với nữ), được tự do yêu thương, tìm hiểu lẫn nhau, nhưng quyền quyết định đi đến hôn nhân không phải không có ảnh hưởng của cha mẹ. Trong thực tế, nhiều khi cha mẹ can thiệp rất nhiều vào chuyện hôn nhân của con cái. Thậm chí, trong một số trưởng hợp, quyết định gả cưới của cha mẹ hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của các con. Chính vì vậy, trong ngôn ngữ của người dân ở đây tồn tại hai thuật ngữ hôn nhân. Trong tường hợp trai gái tự do yêu đương và tìm người bạn đời tiến tới hôn nhân, người dân gọi là chărơihkơ ding (hôn nhân tự chọn); trường hợp cha mẹ quyết định gả bán con theo ý kiến riềng của mình, người dân gọi là mẽ bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán).
Nam giới Bahnar/Ba Na mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng. Nam mang khố hình chữ T theo lối quấn ngang dưới bụng, luồn qua háng rồi che một phần mông. Ngày rét, họ mang theo tấm choàng. Ngày trước nam giới búi tóc giữa đỉnh đầu hoặc để xõa. Nếu có mang khăn thì thường chít theo kiểu đầu rìu. Trong dịp lễ bỏ mả, họ thường búi tóc sau gáy và cắm một lông chim công. Nam cũng thường mang vòng tay bằng đồng.
Phụ nữ Bahnar – Ba Na ưa để tóc ngang vai, có khi búi và cài lược hoặc lông chim, hoặc trâm bằng đồng, thiếc. Có nhóm không chít khăn mà chỉ quấn bằng chiếc dây vải hay vòng cườm. Có nhóm như ở An Khê, Mang Giang hoặc một số nơi khác họ chít khăn trùm kín đầu, khăn chàm quấn gọn trên đầu. Trước đây, họ đội nón hình vuông hoặc tròn trên có thoa sáp ong để khỏi ngấm nước, đôi khi có áo tơi vừa mặc vừa che đầu. Họ thường đeo chuỗi hạt cườm ở cổ và vòng tay bằng đồng xoắn ốc dài từ cổ đến khủy tay (theo kiểu hình nón cụt). Nhẫn được dùng phổ biến và thường được đeo ở hai, ba ngón tay.
Tục xả tai phổ biến vừa mang ý nghĩa trang sức vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng của cộng đồng. Hoa tai có thể là kim loại, có thể là tre, gỗ. Tục cà răng mang theo quan niệm của cộng đồng hơn là trang sức. Phụ nữ Bahnar/Ba Na mặc áo chủ yếu là loại chui đầu, ngắn thân và váy. Áo có thể cộc tay hay dài tay. Váy là loại váy hở, thường là ngắn hơn váy của người Ê Đê, ngày nay thì dài như nhau. Quanh bụng còn đeo những vòng đồng và cài tẩu hút thọc vào đó.
Về tạo hình áo váy, người Bahnar – Ba Na không có gì khác biệt mấy so với dân tộc Gia-rai hoặc Ê-đê. Tuy nhiên, nó khác nhau ở phong cách mỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục trên áo váy của người Ba Na. Theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang thân người, dân tộc Bahnar/Ba Na dành phần chính ở giữa thân áo và váy với diện tích hơn một nửa áo, váy cũng như hai ống tay để trang trí hoa văn (chủ yếu là hoa văn với các màu trắng đỏ), nền chàm còn lại của áo váy không đáng kể so với diện tích hoa văn. Thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu, được thắt và buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông.
Kho tàng văn nghệ dân gian, dân tộc Bahnar – Ba Na
Trong kho tàng văn nghệ dân gian, dân tộc Bahnar/Ba Na có các làn điệu dân ca, các điệu múa trong những ngày hội hay các nghi lễ tôn giáo. Nhạc cụ của họ đa dạng với:
Bộ gõ: cồng, chiêng, kết cấu đa dạng.
Đàn: t’rưng, brọ, khinh khung, gôông, klông pút, kơni
Kèn: tơ nốt, arơng, tơ tiếp…
Về Sử thi, dân tộc Bahnar/Ba Na có 30 bài:
1. Ghiông, Giơ mồ côi từ nhỏ
2. Ghiông làm nhà mồ
3. Anh em Giang Nam
4. Chàng Kơ Tam Gring Mah
5. Dăm Noi
6. Ghiông cứu đói dân làng mọi nơi
7. Ghiông cứu nàng Rang Hu
8. Ghiông đánh quỷ Bung Lung
9. Ghiông đạp đổ núi đá cao ngất
10. Ghiông đi tìm vợ
11. Ghiông, Giơ đi săn chém cọp của Dăm Hơ Dang
12. Ghiông lấy khiên đao bok Kei Dei
13. Ghiông lấy nàng Bia Phu
14. Ghiông leo mía thần
15. Ghiông Trong Yuăn
16. Giơ hao jrang
17. Atâu So Hle, Kơne Gơseng
18. Bia Phu bỏ Ghiông
19. Cọp bắt cóc Ghiông thuở bé
20. Ghiông bọc trứng gà
21. Ghiông cưới nàng Khỉ
22. Ghiông dẫn các cô gái đi xúc cá
23. Ghiông đánh hạ nguồn cứu dân làng
24. Ghiông đi đòi nợ
25. Ghiông giết sư tử cứu làng Set
26. Ghiông kết bạn với Glaih Phang
27. Ghiông ngủ ở nhà rông của làng bỏ hoang
28. Ghiông nhờ ơn thần núi làm cho giàu có
29. Ghiông sắn trâu rừng
30. Set xuống đồng bằng thăm bạn
Dân ca Bahnar – Ba Na:
CHIỀU VỀ
Ơ đồi ơi
Nắng chiều đã xuống rồi
Ơ đồi ơi!
Chiều xuống dần núi đồi
Ơ đồi ơi!
Đàn chim về tổ rồi.
BẠN ƠI LẮNG NGHE
Hỡi bạn ơi cùng nhau lắng nghe
Tiếng dòng suối ngoài xa thì thào
Tiếng đàn cá vui đùa đáy cát
Tiếng làn sóng trôi, suối ào ào.
Dưới đây mình có các bài:
– Hoa trong thơ ca dân gian của người Bahnar Kriêm
– Vẻ đẹp của sử thi Bahnar
– “Nghệ nhân đa tài” của đại ngàn Tây Nguyên
– Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia
– Dân ca Bana
– Tìm hiểu một số giai điệu đặc trưng của dân ca Tây Nguyên
– Tết Dúi của người Ba Na Jơ Lưng ở Kon Tum
– Lễ Hội Đâm Trâu của người Bana
– Ấm cúng Tết Nguyên đán của người Ba Na, Kon Tum
– Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai
– Lễ hội ăn cốm mới của người Bana ở Bình Định
– Lễ tạ ơn cha mẹ của người Ba Na ở Kon Tum
– Trang phục Ba Na – Hơi thở đại ngàn
– “Nhà dài” – Kiến trúc độc đáo của người Ba na
– Nhà thờ gỗ – kiến trúc độc đáo, đậm chất dân tộc Ba Na
Cùng với 8 clips tổng thể văn hóa dân tộc Bahnar/Ba Na để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng | Theo Wikipedia