Đăng nhập

Huyện Ia H’Drai

Huyện Ia H'Drai. Tỉnh Kon Tum

Giới thiệu khái quát huyện Ia H’Drai

Huyện Ia H’Drai là huyện biên giới, nằm ở phía Tây nam của tỉnh Kon Tum, cách trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum khoảng 150 km. Huyện được thành lập theo Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH13 ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có diện tích tự nhiên 98.021,81 ha, dân số 11.644 người, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường, Sán Chỉ…được các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tuyển vào làm công nhân.

Bản đồ du lịch huyện Ia H’Drai
Bản đồ du lịch huyện Ia H’Drai

Phía Đông giáp huyện Chư Pảh và huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; phía Tây giáp 02 huyện Tà Veng và Đun Mia thuộc tỉnh Ratanakiri Vương quốc Campuchia với chiều dài biên giới khoảng 76,4 km; phía Nam giáp huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; phía Bắc giáp xã Mô Rai huyện Sa Thầy. Huyện có 03 xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal, dân số 11.644 người, sinh sống tại 28 điểm dân của 21 thôn thuộc 03 xã; Trên địa bàn huyện có 03 nhà máy thủy điện hoạt động Sê San 3A-108 MW, Sê San 4-360 MW, Sê San 4A-63 MW, đã phát điện hoà lưới quốc gia. Có 06 doanh nghiệp trồng cao su với diện tích khoảng 24.566,66 ngàn ha. Lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới có 05 Đồn biên phòng gồm: Hồ Le , Mô Rai, Suối Cát, Sa Thầy, Sê San.

Huyện Ia H’Drai được thành lập năm 2015 trên cơ sở chia tách một phần địa giới hành chính của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mo Ray nên có thể nói, khoảng hơn chục năm trở về trước, nơi đây chỉ có núi, rừng, sông, suối và những người lính Biên phòng. Đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi những cánh rừng đại ngàn biên giới phải “nhường chỗ” cho con người, cây cao su và trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhưng cuộc sống của người lính BP thì vẫn vậy: Khó khăn, thử thách vẫn luôn là “người bạn đồng hành”…

Ốc đảo” giữa miền biên giới

Đến trung tâm huyện Ia H’Drai hôm nay chắc chắn không nhiều người hình dung ra đây từng là nơi được ví như một “ốc đảo” giữa miền biên giới. Cách đó chừng vài cây số là vị trí đóng quân trước đây của Đồn BP Suối Cát. Hơn 10 năm trở về trước, toàn bộ khu vực này là xứ “khỉ ho, cò gáy” hễ ra trước cổng đồn là gặp…thú rừng, lính BP phải đào giao thông hào quanh vườn tăng gia để ngăn không cho heo rừng vào phá hoại cây trồng.

Nhiều người nói lính BP là “công dân đầu tiên” của huyện Ia H’Drai. Điều này quả không sai, bởi họ đã hiện diện trên mảnh đất này từ hơn 40 năm về trước. Giờ đây, khi huyện mới thành lập, cư dân phát triển, cứ ngỡ được sống gần dân, nhưng rồi các đồn BP lại phải “trở về chốn xưa” di chuyển ra sát đường biên giới để tiếp tục “làm bạn” với sông, suối, núi, rừng.

Trung tá Nguyễn Quang Thành, Đồn trưởng Đồn BP Sa Thầy tâm sự: “Sống xa khu dân cư cũng có nhiều cái bất tiện. Thế mạnh của đơn vị là tăng gia sản xuất, nhưng có những sản phẩm làm ra mà gọi mãi chẳng thấy người lên mua vì manh mún, chi phí vận chuyển bị đội lên rất lớn. Hiện tại, đơn vị có hơn một ha chuối, chín vàng cả vườn nhưng cũng chỉ để phục vụ một phần rất nhỏ nhu cầu trong đơn vị. Giá như đường sá thuận tiện, nguồn thu từ tăng gia sản xuất của đơn vị sẽ được cải thiện rất nhiều từ loại cây dễ trồng này…”.

Đường vào huyện Ia H’Drai
Đường vào huyện Ia H’Drai

Dẫu biết rằng, cây chuối ở đồn BP từ trước đến nay được xem là loại cây “đa mục tiêu” phục vụ được nhiều việc khác nhau, trong đó đáng kể nhất là tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm và nuôi cá. Tuy nhiên, nếu bảo đảm được “đầu ra” tốt, thì đây là nguồn thu không nhỏ. Cái khó chung của các đồn BP trên tuyến biên giới huyện Ia H’Drai vẫn là giao thông cách trở, sống xa khu dân cư nên không thể liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm với bà con nhân dân.

Đồn BP Sa Thầy hiện tại được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 4 thôn thuộc 2 xã Ia Tơl và Ia Đal (Ia H’Drai) với dân số trên 1.200 nhân khẩu. Mặc dù vậy, nếu so với thời chưa thành lập huyện mới, địa bàn còn trắng dân cư thì chẳng khác nhau là bao, bởi nơi gần dân nhất cũng cách hàng chục cây số.

Bài toán “đầu ra” cho cây chuối thậm chí còn “khó giải” hơn nhiều đối với Đồn BP Mo Ray, đơn vị nằm cách trung tâm huyện Ia H’Drai khoảng 50 cây số theo đường tuần tra biên giới. Hơn 2ha chuối ở đây đã đến kỳ thu hoạch cũng chỉ để phục vụ chăn nuôi. Lãng phí đấy, nhưng không thể không trồng, vì còn phải giải quyết nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng mấy trăm con cùng hơn 2.000m2 ao thả cá.

Một người lính trẻ nói vui với tôi: “Ngày nào cũng nhìn thấy chuối chín vàng cả vườn, cháu vừa ngán, vừa tiếc, chú ạ. Giá như ở nhà có nhiều chuối thế này để bán thì lợi đủ đường. Bình thường ở đồn BP, rau, củ, quả ăn không hết, giờ lại thêm chuối nữa. Nếu được gần dân, mình có thể mang những thứ này ra chia sẻ cho bà con…”

Ia H’Drai vốn là tên gọi địa phương của sông Sa Thầy, con sông chảy ở vùng thung lũng nằm giữa hai dãy núi lớn chạy song song theo chiều Bắc – Nam của huyện này. Trước đây, con sông còn có một số tên gọi khác như Đăk Hơdrai, Nam Sathay (của người Lào) hoặc Nậm Sa Thầy (đã được Việt hóa). Ghi chép sớm nhất về vùng đất này là trong tác phẩm Les Jungles moïs (Rừng Mọi) xuất bản năm 1912 của nhà thám hiểm Henri Maitre, trong đó ông mô tả một số làng của người Gia Rai, Rơ Măm mà ông đã gặp khi đi dọc theo thung lũng sông Sa Thầy. – Wikipedia

Nhiều chính sách thu hút người dân đến vùng đất mới

Là người gắn bó với vùng đất Ia H’Drai từ đầu, chứng kiến sự đổi thay sau 5 năm thành lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Chư Mom Ray Trương Ly cho biết: Ban đầu vùng đất này gần như không có dân, chỉ có lực lượng Công an, Biên phòng; giao thông đi lại rất khó, nhất là vào mùa mưa… Nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhận định đây là vùng đất tiềm năng để phát triển cây cao su.

Trước thực tế trên, tỉnh Kon Tum đã quyết định chuyển đổi hàng chục nghìn ha diện tích rừng nghèo nơi đây để phát triển kinh tế vùng biên giới. Các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các đơn vị quân đội của Binh đoàn 15, làng Thanh niên lập nghiệp và doanh nghiệp khác của tỉnh được cấp phép cho thuê đất để cùng chính quyền phát triển kinh tế. Từ những cánh rừng nghèo, sau 10 năm khai hoang, trồng trọt đến nay mảnh đất này đã được phủ xanh bởi 24.000 ha cây cao su.

“Nơi đây có thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình phù hợp nhất với cây cao su. Hiện vườn cây cao su mới cạo mủ được năm 3-4 nhưng năng suất đạt 1,7-1,8 tấn/ha. Đây là năng suất rất cao so với vùng Tây Nguyên. Sau hơn 10 năm bám rễ, cây cao su đã có chỗ đứng vững chắc nơi vùng biên này”, ông Trương Ly khẳng định.

Từ ngày đầu thành lập, huyện Ia H’Drai cũng có những bước đi phù hợp để cùng doanh nghiệp thu hút lao động đến vùng đất mới. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương còn khó khăn, huyện Ia H’Drai đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tạo nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút công dân của huyện làm công nhân cho các công ty cao su cũng được tỉnh triển khai đồng bộ. Khi đến định cư, người dân được tạo việc làm ổn định với mức thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng, mỗi lao động còn được cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà để tăng thu nhập. “Tôi vào đây, được chính quyền cấp đất ở cả nghìn mét vuông, hỗ trợ 50 triệu xây dựng nhà và cấp đất sản xuất để trồng cây công nghiệp. Điều này dần dần giúp cuộc sống của tôi và người dân nơi đây ổn định. Chúng tôi mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất vùng biên này”, anh Nguyễn Công Bắc, công nhân Công ty Chư Mom Ray chia sẻ.

Cùng với đó, các công trình thủy lợi, khai hoang đồng ruộng cũng đã góp phần phá thế độc canh cây cao su nơi đây. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 28.000 ha, tổng đàn gia súc tăng mạnh. Các diện tích ao hồ, nuôi trồng thủy sản được người dân tận dụng tối đa để tăng gia phát triển kinh tế với các loại cá có giá trị kinh tế như cá lăng, cá chình bông… với sản lượng thủy sản đạt hơn 200 tấn.

Theo ông Nguyễn Hữu Thạch, trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều chủ trương để thu hút người dân như: cấp đất thổ cư cho dân ở các điểm quy hoạch khu dân cư; ngoài tạo công ăn, việc làm, người dân còn được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (diện tích gần 60.000 ha rừng tự nhiên). Trong đó, người dân có thể sử dụng 30% diện tích đất trống trong khu vực nhận khoán để phát triển sản xuất. “Việc làm trên giúp bảo vệ rừng, tạo sinh kế giúp dân gắn bó với rừng” ông Nguyễn Hữu Thạch nhấn mạnh.

Trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên

Huyện Ia H’Drai giáp biên với các huyện Đun Mia và Tà Veng tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Hiện tại huyện có 3 xã là Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi. Ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện có 3 chi bộ, với 65 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện. Sau 5 năm thành lập, huyện có 23 tổ chức cơ sở đảng, gồm 16 chi bộ và 7 đảng bộ. Toàn huyện không còn thôn, làng “trắng” cơ sở đảng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chư Mom Ray nhấn mạnh: Là huyện vùng biên, tình hình an ninh – trật tự, đảm bảo an sinh xã hội được các cấp chính quyền và doanh nghiệp ở đây đặt ưu tiên hàng đầu. Bởi an ninh quốc phòng có đảm bảo thì các công ty mới an tâm phát triển kinh tế, góp phần giúp Ia H’Drai ngày một phát triển.

Mục tiêu đã xác định nên ngay từ những ngày đầu, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh trong từng đơn vị. Theo đó, công nhân của các công ty cao su khi vào đều được bồi dưỡng, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện để trở thành những “chiến sỹ không chuyên” nơi vùng biên. Anh Tống Quang Thuận, Phòng Thanh tra bảo vệ Công ty Chư Mom Ray, cho biết, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, công nhân còn phối hợp cùng lực lượng chức năng tuần tra dọc vùng biên, tham gia dọn dẹp, bảo vệ cột mốc, trực gác vùng biên.

Theo ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện, địa bàn Ia H’Drai rộng, đường biên dài nên công tác bảo đảm an ninh vùng biên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi huyện được thành lập, người dân ở các nơi trong và ngoài tỉnh vào đã giúp Ia H’Drai bảo vệ tốt cột mốc, đường biên. Hàng năm, chính quyền các cấp đều tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ cột mốc, đường biên. Mỗi thôn, làng đều nhận khoán bảo vệ từng kilômét đường biên cụ thể. Ngoài ra, chính quyền và các doanh nghiệp đều chủ động sắp xếp, xây dựng các điểm dân cư ở sát vành đai, gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của công nhân với việc bảo vệ an ninh quốc phòng. Đồng thời, công nhân cũng tham gia ký cam kết bảo vệ an ninh trật tự, cột mốc, đường biên theo cá nhân, hộ, tập thể.

Nhờ những biện pháp trên, nhiều vụ việc vi phạm an ninh đường biên, cột mốc đã được người dân, những “chiến sỹ không chuyên” vùng biên nơi đây phát hiện và thông báo nhanh, kịp thời cho lực lượng chức năng xử lý, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Tiềm năng và lợi thế ở Ia H’Drai đang được chính quyền, doanh nghiệp và người dân khơi dậy để mang lại sức sống mới nơi đây. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều với Ia H’Drai. “Trong thời gian tới, huyện Ia H’Drai sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện ngày một vững mạnh; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Chính quyền kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu chế biến sâu mủ cao su để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, góp phần tăng thu cho doanh nghiệp, người lao động. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, tôi tin tưởng huyện Ia H’Drai sẽ phát triển bền vững và trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên giới”, ông Nguyễn Hữu Thạch khẳng định.