Bí ẩn rừng mộ ché
Người M’nông ở Lắk nói chung, ở buôn cổ M’liêng nói riêng không thể sống xa rừng, ai ai cũng rành rẽ từng lối nhỏ của rừng già, điều ấy miễn bàn cãi. Nhưng có một cánh rừng không quá xa làng, một cánh rừng không có vực sâu, không có thú dữ, không có bẫy chông… nhưng chẳng mấy người dám bước vào. Cánh rừng ấy, nói như ông Y Thon Ênuôl, Trưởng buôn M’Liêng, là rừng ma, địa bàn của những hồn ma bóng quế, nơi từng một thuở là chốn bất khả xâm phạm của người làng!
Cụ H’măng không dám bước vào rừng ma ở làng.
Là chủ nhân của những cánh rừng thâm u bất tận, người M’nông Rlâm ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) thuộc từng ngõ ngách, vách núi, vùng rừng như lòng bàn tay. Sống giữa rừng, sống nhờ rừng và sống không thể xa rừng nên với người M’nông, rừng là nhà, rừng là đất mẹ.
Thế nên nếu một ngày phải xa rừng, một ngày không nghe tiếng chim lảnh lót, tiếng suối róc rách hay tiếng của nhịp chày giã gạo, tiếng kêu răng rắc của thú rừng giẫm trên cành lá mục…, những người con của rừng quay quắt, bần thần, cảm giác trống vắng, sợ hãi mơ hồ cứ thế… xâm chiếm.
Những tâm sự này, tôi ghi được từ chia sẻ của nhiều già làng sống ở buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk), một buôn cổ nằm ven hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên từng lưu dấu bước chân của Vua Bảo Đại cùng người tình Mộng Điệp trong những năm đầu của thập niên 50 khi ông mê mải lên rừng săn thú.
Người M’nông ở Lắk nói chung, ở buôn cổ M’liêng nói riêng không thể sống xa rừng, ai ai cũng rành rẽ từng lối nhỏ của rừng già, điều ấy miễn bàn cãi. Nhưng có một cánh rừng không quá xa làng, một cánh rừng không có vực sâu, không có thú dữ, không có bẫy chông… nhưng chẳng mấy người dám bước vào. Cánh rừng ấy, nói như ông Y Thon Ênuôl, Trưởng buôn M’Liêng, là rừng ma, địa bàn của những hồn ma bóng quế, nơi từng một thuở là chốn bất khả xâm phạm của người làng!
Chuyện ly kỳ quanh vùng đất của những hồn ma
Trước khi thám hiểm rừng ma buôn M’Liêng, tôi đã ghé thăm một số cụ già ở làng để tìm hiểu những tục lệ lạ của một thuở buôn làng hoang sơ, cái thuở mà bao quanh buôn làng là những cánh rừng bất tận họa hoằn lắm mới có bóng dáng của người đồng bằng. Những tục lệ lạ ấy không chỉ lạ kỳ mà có phần bí hiểm, rùng rợn như tục bôi máu, tục ăn thề, tục nhổ nước bọt, tục chặt đầu vịt trừ tà, tục giết chó đuổi bệnh… (một số tục lệ ấy đến nay vẫn được người bản xứ duy trì, chúng tôi sẽ nói rõ ở bài viết khác).
Trước những gì cần hiểu rõ về luật tục xưa của khách đường xa, trả lời cùng hồi ức của các cụ già đã khiến chúng tôi thỏa mãn, nổi bật là những ký ức, quan niệm, luật tục của các cụ liên quan đến… người đã khuất.
Một góc buôn cổ M’liêng.
Sống trong ngôi nhà dài cổ truyền úa màu thời gian, cụ H’măng ở giữa làng không nhớ năm nay mình bao nhiêu tuổi. Cụ chỉ biết rằng mình nhiều tuổi lắm rồi, nhiều đến không thể nhớ được. Cụ H’măng như nhiều người M’nông mà tôi gặp, cả già lẫn trẻ, chẳng có gì là kiêng cữ, sợ hãi khi được hỏi thăm về sự sống và cái chết. Cụ nói con người như lá cây, lá già, lá vàng thì rụng, lá rụng thì chồi non đâm cành, đời người, đâu ai thoát được quy luật đó.
Cụ H’măng không sợ cái chết cho chính mình bởi theo suy nghĩ của cụ và bao người con M’nông khác, chết không phải là dấu chấm hết của một đời người, mà là lúc được sống trong một thế giới khác, một thế giới mà ở đó cụ có thể được gặp lại những người thân đã mất từ lâu. Như người Jrai ở Gia Lai và người Bahnar ở Kon Tum, cụ Y Lan nói làng ma mà mai này cụ chết đi và linh hồn cụ trở thành thành viên ở làng, đó là nơi trái ngược với thực tại. Nơi đó màn đêm là ban ngày, người ta đi lại bằng cách đầu chúi xuống đất và chân đưa lên trời… Và những con suối, chúng tuôn dòng chảy không phải từ trên núi cao mà chảy theo hướng ngược lại.
Chẳng riêng gì cụ H’măng và người M’nông mà các tộc người ở Tây Nguyên, chẳng ai sợ cái chết cho chính mình nếu đó là cái chết tự nhiên như chết do già yếu, đau bệnh. Người M’nông tin một người chết như thế, xác sẽ được những phù thủy ở rừng ma ăn xác và đó là lúc linh hồn họ sẽ được đi về phía âm phủ gặp những hồn cha, hồn mẹ, hồn anh em, người thân đã chết trước đó.
Không sợ chết, đón cái chết nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi nhưng người M’nông sợ chết xấu, những cái chết bất bình thường trái với tự nhiên mà cụ H’măng liệt kê như chết do hổ vồ, do sét đánh, do cây đổ, do đá đè… hay do những ác ma hãm hại.
Một người chết xấu như thế sẽ mang lại nhiều điều kinh khủng, mang lại dịch bệnh, cái chết cho người thân của mình và cả dân làng. Như cụ H’măng, một cụ già khác là Y Prông cho biết khi làng có người chết xấu như thế, nếu nhẹ thì phải kiêng cữ uống nguồn nước, cấm người lạ vào làng trong suốt 7 ngày và ngược lại, không được giã gạo bởi âm thanh đó sẽ thu hút các ác ma về làng hại người. Nếu tình hình nghiêm trọng, cả làng phải rời đi nơi khác. Rồi phải làm các nghi lễ hiến sinh, phải giết dê, lợn, gà, vịt, chó, mèo để cúng tế cho các ác ma và những linh thần.
Lẽ dĩ nhiên, những chuyện kiêng cữ, cúng tế quanh một người chết xấu như thế là hình ảnh, câu chuyện của một thời quá vãng, có chăng chỉ tồn tại trong hồi ức và nếp nghĩ của những người già. Nhưng quanh cái chết của một người, có thể không sợ những điềm xui điềm báo kinh khiếp quanh một người chết xấu nhưng ở một chừng mực nào đó, chẳng riêng gì những cụ già, ngay cả những người trẻ tuổi ngày nay cũng sợ người chết.
Với người M’nông, sợ người chết là nỗi sợ chẳng phải mơ hồ mà có cội nguồn, có căn nguyên hẳn hoi. Điều này được linh mục người Pháp là Jacques Dournes với bút hiệu Dam Bo, lý giải trong công trình nghiên cứu Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương hơn 60 năm trước.
Theo ông, người M’nông sợ người chết, những người chết quay trở về: “Chỉ cần nghĩ đến điều đó đã khiến họ bị tác động một cách kỳ lạ. Có thể hiểu được điều đó. Họ sợ tất cả những gì vượt qua họ, đặc biệt là các thần linh, ngay cả các thần thiện. Người đã chết dường như bây giờ tồn tại một cách tâm linh hơn, quả là linh hồn họ ở chốn địa ngục được hóa kiếp vào một lốt mới; nhưng nó không còn là đối tượng của các giác quan của chúng ta, nó đã trở nên huyền bí. Người chết có quan hệ trực tiếp hơn với các thế lực tâm linh trú ngụ ở cõi bên dưới đất; họ tiếp xúc nhiều hơn với các Caa (ác quỷ) đáng sợ”.
T. Phúc Trinh – Báo CAND