Đăng nhập

Cung đường xuyên Việt đẹp mê ly, rất ít dấu chân phượt thủ

Cung đường xuyên Việt đẹp mê ly, rất ít dấu chân phượt thủ

Tôi ví con đường xuyên Việt mới như chiếc bánh kẹp giữa quốc lộ 1 và tuyến đường Hồ Chí Minh, cho chúng ta cơ hội khám phá rất nhiều địa danh còn lạ lẫm.

Hai tuyến đường xuyên Việt phổ biến xưa nay là quốc lộ 1 ven biển, hoặc đường Hồ Chí Minh, nên các tỉnh, huyện ở vùng trung du tiếp giáp giữa vùng núi và vùng biển bị bỏ qua. Nếu đi thêm đường này, chúng ta sẽ khám phá được thêm rất nhiều địa danh, vùng đất, các bản làng người đồng bào thiểu số và các con đường nằm giữa Hà Nội và TP.HCM.

Cung đường xuyên Việt đẹp mê ly
Cung này đi xe đạp, xe máy, ôtô đều đẹp, và tương đối lạ lẫm với nhiều người. Tôi tạm gọi là con đường xuyên Việt thứ ba. Trong ảnh là đồ dùng cần thiết cho một người đi xe máy đường dài mà tôi chuẩn bị.

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (15)

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (3)
Tôi vẽ một tuyến đường tạm thời, mô phỏng cung đường và các điểm nhấn, đi đèo dốc khá nhiều, và điểm thú vị là do nằm ở giữa các tỉnh đồng bằng và miền núi nên sẽ đi qua tất cả các tỉnh miền Trung.
cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (4)
Từ TP.HCM, tôi đi theo QL20 qua Đồng Nai, lên Đà Lạt, Lâm Đồng, qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, rồi Prenn hoặc Mimosa. Có thể đi chặng này theo con đường 500 km trước đây tôi từng giới thiệu.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (5)
Tiếp theo, đổ đèo Omega về Khánh Hòa, nhưng tôi không ra QL1 mà tới thị trấn Khánh Vĩnh thì rẽ trái theo DT8. Lưu ý, cầu trên DT8B đang bị hỏng, không qua được, nên phải đi xuống tới Diên Khánh rồi mới rẽ trái để đi Dục Mỹ).

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (6)
Tôi đi ngược QL26, leo đèo Phượng Hoàng lên tới huyện Mdrak, tỉnh Đắk Lắk, rẽ phải theo QL19C (đoạn này tương đối xấu) đi qua địa phận Phú Yên tới Sông Hinh, đi thẳng gặp QL25 rẽ trái qua đèo Tô Na lên Ayunpa là địa phận Gia Lai.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (7)
Tôi rẽ phải ở Ayunpa vào đoạn đẹp nhất của Trường Sơn Đông. Đây là một trong những đoạn đường đẹp và yêu thích nhất ở Việt Nam của tôi. Đi hoài theo đường này, bạn sẽ tới huyện K’bang, tỉnh Gia Lai (có thể rẽ vào thăm nhà anh hùng Núp và Tây Sơn Thượng Đạo).

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (16)
Từ K’bang, bạn nhớ đổ đầy bình rồi bắt đầu đi tiếp gặp ngã ba rẽ phải băng rừng Kon Chư Răng. Đây là đoạn rất ma mị và hấp dẫn. Khi tôi đi có gặp đoạn sạt lở rất nặng, nhưng vẫn xoay sở qua được và ngủ nhờ trạm kiểm lâm. Trong ảnh là con đường giữa rừng.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (8)
Qua khỏi rừng là địa phận Kon Tum. Tôi rẽ phải QL24 đi Măng Đen (đi thẳng về Ngok Tem đang bị hư cầu không đi được) đổ đèo Violac xuống địa phận Quảng Ngãi, rồi đi thẳng miết về thị trấn Di Lăng, có thể ghé núi Thạch Bích ở Quảng Ngãi ngắm cảnh tà dương, nhưng hơi xa.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (9)
Đoạn thị trấn Di Lăng – sông Tang (Quảng Ngãi) có đường cong, lượn liên tục, nhưng cảnh rất đẹp và mới mẻ nhất trong cả hành trình, chính là đoạn đường DT626 ít người đi. Tôi đánh giá cảnh đẹp rất giống đường từ Y Tý qua Bát Xát về Lào Cai. Đi mãi, không qua tiếp DT622, tôi rẽ trái về huyện Tây Trà hùng vĩ, và đi tiếp lên Bắc Trà My là địa phận Quảng Nam. Vùng núi của Quảng Nam và Quảng Ngãi thật sự rất mê ly.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (10)
Tới Bắc Trà My, tôi rẽ phải về Tiên Phước, ghé làng cổ Lộc Yên chơi, rồi đi tiếp DT614 lên Việt An (đoạn này khá giống đường ở Ubud, Bali với ruộng bậc thang, cau, dừa đồi thấp thấp và sông suối uốn lượn). Trên đường DT611, tôi đi dọc sông Thu Bồn. Bạn có thể ghé thánh địa Mỹ Sơn chơi

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (11)
Từ đây, không có lựa chọn khác đi giữa QL1 và đường Hồ Chí Minh, nên tôi rẽ trái theo QL14B đi Thạnh Mỹ, rẽ phải lên Prao. Bắt đầu từ Thạnh Mỹ ra tận Dakrong (Quảng Trị) lại là đèo dốc liên tục rất dài và mệt mỏi cho những bạn chưa đi đường này bao giờ. Đi tiếp 100 km, qua hai hầm chui A Rooang lên A Lưới (Huế) và qua đèo Pê Ke đi 100 km nên Dakrong, Quảng Trị. Qua cầu treo huyền thoại, hành trình tiếp tục rẽ phải đi về Cam Lộ, rẽ trái QL15 là đường HCM nhánh Đông, đi qua nghĩa trang Trường Sơn về Đồng Hới, Quảng Bình.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (12)
Theo tiếp DT2B về thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), bắt đầu rẽ vào QL12A đi mạn Nam rừng Kẻ Gỗ, nhập lại đường Hồ Chí Minh một chút ở Hà Tĩnh, rồi rẽ phải vào hướng ngã ba Đồng Lộc, đi tiếp QL15 qua Tân Kỳ chỗ mốc 0 đường Hồ Chí Minh rồi tới thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Hoặc bạn có thể len lỏi trong các con đường nhỏ nằm giữa đường Hồ Chí Minh và đường QL1A qua Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam về Hà Nội, kết thúc “con đường bánh kẹp” nằm giữa đường Hồ Chí Minh và QL1.

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (13)
Nụ cười trong veo của những cô cậu bé tôi gặp trên đường khám phá con đường…

 

cung-duong-xuyen-viet-dep-me-ly-rat-it-dau-chan-phuot-thu (14)
Tracklog vẽ trước khi đi kèm các điểm nhấn, lịch trình chính có thay đổi chút.

Một số lưu ý khi đi xuyên Việt trên cung đường này:

  1. Đèo dốc cực kỳ nhiều, gần như suốt chuyến tới Nghệ An mới giảm mật độ, nên đi vài ngày sẽ bắt đầu thấy ngán.
  2. Mùa mưa, vài đoạn sạt lở khá nặng. Đường cũng rất vắng, nhất là khúc đường HCM, miền núi xứ Quảng.
  3. Nhiều gia súc, gia cầm, chó chạy rông trên đường, rất mệt mỏi khi phải để ý và né.
  4. Mưa gió và sương mù khá nhiều. Nhiệt độ khá thấp vào ban đêm, nhất là vùng A Lưới, đường HCM. Ban ngày vẫn có thể xuống 17, 18 độ kèm mưa dông.
  5. Tôi đi 7 ngày cho cung đường này từ TP.HCM ra Hà Nội, do khá hạn hẹp thời gian. Nếu được, các bạn đi 2 tuần (mỗi ngày đi 150 km) cho thoải mái, có nhiều thời gian ghé thăm nhiều nơi rất thú vị trên đường từ cảnh thiên nhiên đến di tích văn hóa.

Để lại một bình luận