Đăng nhập

Đội cồng chiêng nữ bên dòng Đăk Bla

Đội cồng chiêng nữ bên dòng Đăk Bla

Cứ đến chập tối, trong căn nhà nhỏ của già làng A Wer bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, các thiếu nữ dân tộc Ba Na lại nhịp nhàng hòa quyện vào tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng. Đó là chuyện chưa từng có ở vùng đất Kon Tum này.

Trong bóng tối đại ngàn

Mỗi dịp đi qua làng Kon Rờ Bàng 1, tôi như bị hút hồn bởi tiếng đàn T’rưng ngân vang trầm bổng, nghe tiếng cồng chiêng khiến tôi không khỏi tò mò và muốn tận mắt xem. Khi tôi tìm đến ngôi nhà già làng A Wer (79 tuổi) ở làng Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, TP.Kon Tum – nơi phát ra âm thanh của tiếng cồng chiêng rộn ràng, trước mắt tôi, trong bóng tối đại ngàn, khoảng sân nhỏ như một sân khấu với sự tham gia biểu diễn của một “dàn hợp xướng nhỏ”.

Các thiếu nữ Ba Na đứng hình vòng cung, đang thả hồn vào tiếng đàn T’rưng, cồng chiêng với tất cả niềm đam mê say đắm, già làng A Wer đứng giữa, miệng làm nhạc, cùng với các thiếu nữ đánh từng nhịp chiêng đều đặn, hài hòa. Bên góc sân, một số em khác cũng hăng hái đánh đàn T’rưng, nhiều em đứng quanh nhún nhảy, hát theo tiếng đàn…

chon
Già làng A Wer tập cồng chiêng cho các thiếu nữ người Ba Na.

Hăng hái tập luyện, các em cũng như già làng không hề biết có xuất hiện của người lạ, tiếng vỗ tay của tôi làm tất cả giật mình. Sau phút tay bắt mặt mừng, già làng A Wer vui vẻ nói: “Các em nữ ở đây đánh đàn T’rưng và cồng chiêng rất hay, đến nay tôi đã lập được 7 đội chiêng nữ rồi đó”.

Ba năm trở lại đây, tối nào căn nhà nhỏ của già làng A Wer cũng đông đúc, tiếng cười nói của các thiếu nữ hòa quyện với tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng làm cho không khí trở nên nhộp nhịp vui vẻ. Em Y Lê Thị Thu Hiền (16 tuổi) nói: “Bố em là người Kinh nhưng em rất thích cồng chiêng và đàn T’rưng, khi nghe mẹ em nói già làng mở lớp tập cồng chiêng, em đã đăng ký tham gia ngay. Ngày đầu em không đánh được, nhưng bây giờ em đã đánh thành thạo đàn T’rưng, chiêng treo và cả chiêng cầm nữa”.

Vì số lượng học viên quá đông (7 đội nữ, 2 đội người lớn tuổi và 2 đội dành cho các bà mẹ), già làng A Wer phải sắp xếp thời gian tập thành từng tuần. Ông cho biết, đối với đội người già và các bà mẹ đã thành thục nên khi gần có lễ hội mới tập luyện lại, còn các đội nhỏ thì mỗi đội tập một tuần, hết đội này đến đội khác nên tối nào nhà ông cũng rộn ràng.

“Mình giúp làng thôi!”

Để có được lớp học nhạc cụ truyền thống đông đúc như ngày hôm nay, già làng A Wer đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Ông nhớ lại: “Hồi đó mình sợ người già trong làng khi chết đi thì các nhạc cụ truyền thống sẽ không còn nữa, nên mình phải tự làm đàn T’rưng, rồi đi mượn cồng chiêng của làng để tập đàn, tập chiêng cho các cháu trong buôn làng.

Chờ đến bữa có cuộc họp toàn dân làng, mình nói ra nguyện vọng thì nhiều người đều ưng cái bụng lắm! Ai ai cũng đồng lòng sau buổi họp mỗi người đều về vận động con cháu mình đăng ký học cồng chiêng”. Nói rồi già khoát tay: “Mình giúp mọi người trong làng thôi! Mình không hề nghĩ gì đến công cán đâu”.

Sau 2 tuần kể từ ngày họp làng hôm đó, danh sách đăng ký học cồng chiêng lên tới gần 100 người, nhưng chỉ có 2 em nam là A Sơn và A Nhưk. Cái bụng thấy lo lắm. Già Wer lại đến từng nhà động viên các em nam nhưng không ai chịu học.

“Lúc đó sợ các em nữ không học được, đầu mình đã có ý nghĩ là bỏ công việc truyền dạy cồng chiêng thôi! Nhưng thấy các em quyết tâm quá nên mình cũng dạy thử, không ngờ các em rất chăm chỉ, tiếp thu rất nhanh nữa” – già A Wer chia sẻ.
Qua thực tế các buổi truyền dạy, già A Wer thấy các em nữ học đàn T’rưng tiếp thu rất nhanh, chỉ mất 2 buổi tối đã có thể hiểu được nhịp và tập được các nốt đầu tiên, ngược lại việc học cồng chiêng lại rất khó khăn.

Những ngày đầu, già phải mất rất nhiều thời gian và công sức, đánh chậm rãi, làm đi làm lại từng nhịp các em mới nhớ được. “Nhiều lúc mình mệt rồi mà có đứa cứ quên nhịp làm mình bực mình lắm, nhưng sợ các cháu tự ái bỏ học thì… nguy to. Thế nên mình phải giữ bình tĩnh, kiên trì chỉ bảo ân cần thì mọi người mới nhớ được” – già A Wer kể.

Sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, giờ đây các thiếu nữ của làng Kon Rờ Bàng 1 đã có thể biểu diễn thành thạo các bài chiêng: “Mừng lúa mới”, “Ơn Đảng ơn Bác Hồ”… và đánh nhịp nhàng tất cả các bài hát bằng đàn T’rưng.

Em Y Trang (16 tuổi) phấn khởi tâm sự: “Tham gia học cồng chiêng, đàn T’rưng vui lắm! Từ lúc học cồng chiêng em được đi tham gia rất nhiều chương trình như kỷ niệm 5 năm ngày thành lập thành phố Kon Tum, chương trình “Âm vang biên giới” ở huyện biên giới Ngọc Hồi…

Mỗi lần đi thi về chúng em thấy rất đoàn kết, chúng em càng quyết tập luyện thật tốt để cồng chiêng không bị mai một và còn có hội được đi biểu diễn, thi tài với các buôn làng trong tỉnh”.

Nguyễn Thị Hoài Tiến | Dân Việt

Để lại một bình luận