Du lịch Tây Nguyên đi đâu, chơi gì, ăn món nào ngon?
Chuyến du lịch Tết này nếu bạn đang có dự định lên Tây Nguyên thì hãy đến với vùng đất hiền hòa Gia Lai, Kon Tum. Ngoài nổi tiếng với những con thác hùng vĩ thì Kon Tum Gia Lai còn có vô vàn điều hấp dẫn đấy. Vậy thì còn chần chờ gì mà không đọc ngay bài viết này để biết thêm thông tin giúp cho chuyến du lịch Tây Nguyên sắp tới của mình trọn vẹn hơn.
Hai địa điểm du lịch Kon Tum và Gia Lai chỉ cách nhau tầm 50km, thế nên sẽ rất thuận tiện để kết hợp cả 2 địa danh này trong cùng một chuyến đi. Nơi đây để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, người dân thân thiện và mến khách mà còn là vì nền ẩm thực vô cùng độc đáo.
Gia Lai Kon Tum có gì chơi?
Trong các địa điểm rất thu hút khách du lịch Tây Nguyên thì Gia Lai chính là nơi lưu giữ lại nhiều nét hoang sơ, mộc mạc của núi rừng nhất mà thật khó để cảm nhận ở một nơi khác.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Ảnh: Tiêu Thị Thủy
Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu, có vẻ đẹp bình yên cùng với khung cảnh thơ mộng đầy quyến rũ làm cho rất nhiều người cảm thấy nơi này thực sự đã níu kéo họ bằng chính vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng.
Mỗi mùa Chư Đăng Ya lại thay cho mình một vẻ đẹp mới. Chư Đăng Ya sẽ mang một màu xanh mát bởi bạt ngàn những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng phát triển tươi tốt vào mùa mưa. Và khi mùa khô đến, bạn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng cỏ lau và hoa dã quỳ bung nở khắp sườn núi tạo thành một Chư Đăng Ya kiêu sa, quyến rũ.
Hồ T’Nưng
Là một trong những hồ đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, hồ T’Nưng hay còn gọi là Biển Hồ, hồ Ea Nueng được mệnh danh là “đôi mắt của phố núi” với nước làn nước trong xanh như ngọc. Địa điểm này thực chất là miệng của ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm về trước. Bờ hồ cũng chính là phần miệng núi nhô cao nên đứng từ đây có thể nhìn được bao quát khung cảnh tuyệt đẹp này.
Chùa Minh Thành
Ảnh: @cuongkhii
Với nhiều bạn trẻ có niềm đam mê sống ảo thì chùa Minh Thành chính là lời đáp hay nhất cho câu hỏi “Gia Lai có gì?”. Là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên, Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn của Pleiku. Không giống như những ngôi chùa khác, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Mỗi góc tại chùa đều là một background hoàn hảo dành cho các tín đồ sống ảo.
Giống như Gia Lai, du lịch Kon Tum cũng có nhiều điểm đến khá hoang sơ và đậm dấu ấn truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Nhà thờ gỗ
Ảnh: @mymie96
Nhà thờ gỗ là điểm hẹn mà bất cứ du khách nào cũng không nên bỏ lỡ cơ hội ghé đến mỗi khi có dịp làm chuyến du lịch Kon Tum. Ngôi nhà thờ này đã có tuổi đời hơn 100 năm, sở hữu vẻ đẹp kiến trúc ấn tượng và được làm hoàn toàn bằng chất liệu gỗ.
Cầu treo Kon Klor
Ảnh: @hoon___3103
Cầu treo Kon Klor là niềm tự hào của ngành du lịch Kon Tum. Cây cầu nối liền hai bờ sông Đăk Bla huyền thoại. Có tuổi đời rất lâu nhưng cây cầu treo Kon Klor vẫn mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà ai đặt chân đến đây đều không thể quên. Từ trên cây cầu, ngắm tầm mắt nhìn ra xa là cả một không gian rộng lớn, bạn có thể thấy những cánh đồng lúa xanh thơm ngát, những bãi mía, ruộng ngô xung quanh, thấp thoáng là những con thuyền lững lờ trôi.
Thác Pa Sỹ
Ảnh: @kim.huog
Nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát, khí hậu trong lành, mát mẻ thác Pa Sỹ đang là điểm đến không thể chối từ của du lịch Tây Nguyên. Đến đây, bạn sẽ thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng kon Tum và cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Đặc biệt, từng ngóc ngách tại thác Pa Sỹ đều giúp bạn thỏa mãn tâm hồn sống ảo, tậu về cho mình nhiều tấm hình đẹp lung linh.
Du lịch Tây Nguyên ăn món gì ngon?
Góp phần làm nên sức hút của du lịch Tây Nguyên là những món ăn hấp dẫn này:
Phở khô
Mỗi khi nhắc đến các món ngon của Tây Nguyên không thể nào không nhắc đến món phở khô Gia Lai. Đặc trưng của món phở khô Gia Lai là sợi phở khô mảnh và dai, tạo cảm giác sần sật trong khoang miệng mỗi khi cắn từng sợi phở. Món này thường được phục vụ trong 2 tô, một đựng phở, một đựng nước lèo. Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước lèo. Nước dùng được hầm từ gà, bò, xương heo có vị ngọt thanh, ăn kèm với thịt băm, rau sống và một chút tương đen đặc biệt, được chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán.
Bún đỏ
Bún đỏ là sự pha trộn của bánh canh Huế và món bún riêu Hà Nội. Đặc điểm của món bún này chính là màu đỏ của bún pha vàng của nước và sợi bún, làm cho tô bún ánh lên màu thật bắt mắt và hấp dẫn. Một tô bún đỏ Kon Tum đầy đủ sẽ là bao gồm: trứng cút, một ít top mỡ, thêm một chút mắm tôm, ớt xanh và rau cần.
Gỏi lá
Nhìn vào mâm gỏi lá bạn sẽ “choáng ngợp” bởi một mâm lá siêu to với hơn 20 loại rau rừng. Món ăn này xuất phát khi cuộc sống của con người ở Tây Nguyên gặp khó khăn, thiếu gạo thiếu muối, chỉ có núi rừng làm bạn nên họ mới nghĩ ra cách ăn thật nhiều rau để chống đói. Gỏi lá Kon Tum là sự kết hợp độc đáo của các hương vị rau đặc trưng của núi rừng với thịt ba chỉ, tôm đất, bì heo với điểm nhấn là thứ nước chấm đặc biệt được pha theo công thức riêng làm thực khách “1 lần ăn, nhiều lần nhớ”.
Cá chua
Cá chua là một món ăn được dự trữ của người dân ở vùng núi Kon Tum. Nguyên liệu để làm món cá chua này đó chính là cá niệng – cá này thuộc giống cá trôi và có rất nhiều ở sông suối Tây Nguyên. Cá niệng sau khi bắt lên sẽ được làm sạch, ướp cùng muối, lá bép, ớt, thính ngô. Sau đó, đưa cá vào từng ống lồ ô khô và sạch, rồi bịt chặt 2 đầu thật kín rồi gác lên bếp, đợi ít ngày rồi lấy ra ăn.