Đăng nhập

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia

Ngày 4 tháng 1 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao Quyết định công nhận Sử thi Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Cùng với các hình thức sử thi khác ở Tây Nguyên như Khan của người Ê Đê ở Đăk Lăk, Ot N’drông của người Mơ Nông ở Đăk Nông, Hơmon của người Ba Na Rơ Ngao ở Kon Tum đã trở thành di sản quốc gia.

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia

Nếu tính từ năm 1927 – mốc thời gian mà nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp L. Sabatier công bố Khan Đăm xăn và sau đó được dịch ra tiếng Pháp khiến thế giới phương Tây biết tới kiệt tác văn học truyền miệng của các dân tộc thiểu số Đông Dương – đến năm 1955, nhà nghiên cứu Antomarchi tiếp tục công bố Khan Đăm Di. Năm 1963, Nhà xuất bản Văn học tại Hà Nội công bố sách Trường ca Tây Nguyên do Y Điêng, Y Yung, Kơxo Bêu, Ngọc Anh biên dịch, trong đó có năm tác phẩm sử thi là: Xinh Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơroan, Y Bơrao nâng số sử thi được biết đến những năm 1960 là bảy tác phẩm, chủ yếu là của dân tộc Ê Đê – đến nay đã là 88 năm, một quãng thời gian khá dài, hàng trăm bộ sử thi Tây Nguyên của nhiều dân tộc thiểu số tồn tại và lưu hành trong dân gian ở các cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số để bây giờ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với Kon Tum, có một chi tiết cũng cần phải được nhắc đến là: Ngay từ năm 1933-1934, dưới thời Pháp thuộc, khi được bổ lên làm việc ở Kon Tum, hai anh em học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sưu tầm tổng hợp về dân tộc Ba Na ở Kon Tum và viết thành cuốn sách nổi tiếng về người Ba Na ở Kon Tum xuất bản tại Huế vào năm 1937. Trong cuốn sách này, phần viết về “Phong tục – Chuyện đời xưa Bahnar”, các học giả đã ghi lại một câu chuyện của người Ba Na Kon Tum có tên là”Chuyện ông Bră Rơmu kén rể” có nội dung và nhân vật tương tự với một số tác phẩm sử thi-Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao được phát hiện và thể hiện lại về sau này. Có lẽ, các học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã phát hiện và tiếp cận trực tiếp với loại hình sử thi-Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum ngay từ những năm ấy và viết lại trong cuốn sách của mình.

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia

Sử thi Ba Na – Kon Tum (Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum) đã được sưu tầm từ một dự án lớn cấp quốc gia do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành từ năm 2000-2001 điều tra sưu tầm về sử thi các dân tộc thiểu số. Từ đây, hệ thống sử thi liên hoàn quí hiếm của dân tộc Ba Na nhóm Rơ ngao ở Kon Tum đã được các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu văn hóa tái hiện lại nguyên bản, tổ chức biên dịch một cách công phu, tỷ mỷ và xuất bản các tác phẩm sử thi này vào năm 2007 để phát hành. Đóng góp công sức vào kết quả to lớn này, ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian trước đây (đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Quang Trọng) và cán bộ ngành văn hóa tỉnh Kon Tum khi ấy, phải kể đến vai trò của các nghệ nhân dân tộc Ba Na nhóm Rơ Ngao trong tỉnh và một số trí thức người dân tộc thiểu số – những người đã trực tiếp thể hiện Hơmon Ba Na Rơ ngao và dày công góp sức biên dịch bộ sử thi liên hoàn này một cách đầy trách nhiệm với cộng đồng.

Sử thi là thể loại văn học dân gian rất độc đáo của các dân tộc thiểu số, trước đây thường hay gọi là Trường ca, anh hùng ca – một loại hình ngữ văn tự sự dân gian truyền miệng xuất hiện sớm trong lịch sử, phản ánh những sự kiện quan trọng của cộng đồng buổi sơ khai, ca ngợi những người anh hùng trong các chiến trận để bảo vệ cộng đồng dân làng, chống lại các thế lực áp bức, ca ngợi những con người tiêu biểu giúp cộng đồng xây dựng buôn làng, khai phá đất đai, bày cho dân biết làm nương rẫy, chống đỡ sự tàn phá của thiên nhiên kỳ bí, của muông thú hung bạo… cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của đồng bào và thường được diễn xướng trong các sinh hoạt tại cộng đồng.

Bằng thể loại văn vần xen lẫn văn xuôi dài hàng ngàn câu, với những tuyến nhân vật đan xen nhau thể hiện những giai đoạn lịch sử tiêu biểu của từng dân tộc thiểu số. Có vùng thì chỉ hát kể, có vùng thì vừa hát kể vừa kèm theo diễn xuất rất linh hoạt và thu hút. Cùng với diễn xướng và hát kể, còn có cả nghệ thuật thể hiện nhân vật, nghệ thuật miêu tả và kể chuyện, những chi tiết hào hùng, kỳ vĩ về đại ngàn Tây Nguyên, về thiên nhiên tươi đẹp và hoang dã của núi rừng. Thông qua đó, người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tâm linh tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục tập quán, những hình thức sinh hoạt mang tính cộng đồng, cộng cảm, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội…được trình diễn một cách rất hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, có chương có đoạn, có mở có kết rất tài tình. Là sự thể hiện về khát vọng của đồng bào về một xã hội tươi đẹp, một cuộc sống đủ đầy, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác…

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia
Nghe hát kể Hơmon – sử thi ở làng.

Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum bao gồm một hệ thống các tác phẩm liên hoàn với nhau, tập trung kể về nhân vật trung tâm- người anh hùng có tên gọi là Giông. Đó là chàng trai dũng cảm, có sức mạnh và tài năng xuất chúng. Mỗi câu chuyện trong hệ thống sử thi liên hoàn này của người Ba Na Rơ Ngao kể về một chiến công nổi bật của người anh hùng Giông và bạn bè, anh em của chàng. Do đó, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm có tính độc lập tương đối, có thể tồn tại như những tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn, chẳng hạn như các tác phẩm : Giông, Giỡ mồ côi từ nhỏ, Giông đánh hạ nguồn cứu xứ sở, Giông cứu nàng Rang Hu, Giông đi tìm vợ, Giông cưới nàng Khỉ, Giông làm nhà mồ, Giông cứu đói dân làng mọi nơi… đặt trong chuỗi sử thi-hơmon liên hoàn, mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm trở thành một mắt xích, một “hạt” trong toàn bộ hệ thống và có quan hệ với nhau về mặt trình tự cũng như nội dung ý nghĩa. Giá trị của Hơmon Ba Na Rơ Ngao nằm ở tính hệ thống, tính đồ sộ của nó – hệ thống sử thi liên hoàn, một thành tựu đầy ý nghĩa của dân tộc Ba Na trong quá trình xây dựng, phát triển, kế thừa và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của mình.

Hình thức hát kể Hơmon của người Ba Na nhóm Rơ Ngao được diễn xướng rất thoải mái, tự nhiên trong những sinh hoạt thường ngày. Các tác phẩm Hơmon được kể bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn hát kể bằng văn vần với phong cách ngôn từ hồn nhiên, chất phác. Nghệ thuật hát kể Hơmon thu hút rất đông người nghe, đặc biệt trong dịp nông nhàn, lễ hội, mùa mưa… trong không gian nhà rông hoặc nhà sàn, bên cạnh bếp lửa lung linh, huyền ảo và kỳ bí, Hơmon được thể hiện một cách đầy sống động và lôi cuốn người nghe. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện được Hơmon, số người Hơmon được ở Kon Tum hiện nay cũng chỉ còn tính trên đầu ngón tay và cũng đang trông chờ chính sách mới của Nhà nước về xem xét công nhận Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú để các Nghệ nhân này có điều kiện tốt hơn và có thể trao truyền lại được loại hình văn hóa cổ truyền dân gian này cho lớp trẻ.

Tết đến, Xuân về lại càng thêm nồng đượm, khi mà Hơmon – Sử thi của người Ba Na nhóm Rơ Ngao ở Kon Tum nói riêng và Sử thi Tây Nguyên nói chung – những di sản văn hóa có giá trị tư tưởng to lớn được sáng tạo từ ngàn đời nay, niềm tự hào của các dân tộc thiểu số đã trở thành Di sản của quốc gia.

Hơmon – Sử thi Kon Tum đã thành Di sản văn hóa quốc gia

Để lại một bình luận