Kon Tum: Có một mùa đông ở Măng Đen
Trong những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, khung cảnh chen chúc nơi phố thị khiến nhiều người cảm giác ngột ngạt, nóng bức. Vì vậy, hành trình tìm đến mùa đông ở Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 đang được nhiều du khách và giới trẻ ưa thích.
Mùa đông ở Măng Đen: Điểm “săn mây” và sống ảo
Đến với Măng Đen là để trải nghiệm cảm giác thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ. Những ngày này, thời tiết Măng Đen se lạnh về đêm, cảm giác như đang ở mùa đông. Quanh năm, khí hậu ở Măng Đen đều như vậy, bởi Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, nằm trong hệ thống dãy núi cao cùng với dãy núi Ngọc Linh được ví là nóc nhà miền Trung.
Anh Trần Bảo Hà (35 tuổi, một du khách ở tỉnh Bình Định) cho biết, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra nên mọi người hầu hết dành thời gian ở nhà, ai cũng trong tình trạng lo lắng, căng thẳng. Tranh thủ thời gian, anh lái xe chở gia đình lên Măng Đen du lịch.
“Măng Đen cách không xa các tỉnh thành miền Trung, hành trình vượt đường núi rừng lên đây cũng mang lại cảm giác trải nghiệm lái xe đường đèo thú vị”, anh Hà chia sẻ. Anh Hà lưu ý du khách đến Măng Đen thời điểm này cần mang theo áo ấm, khăn quàng cổ cho cả người lớn và trẻ nhỏ để đảm bảo sức khỏe khi đi thăm quan các địa điểm.
Thú vị nhất ở Măng Đen có lẽ là buổi sáng sớm, vừa thưởng thức ly cà phê vừa ngắm cảnh mây trôi lững lờ dọc theo các ngọn núi. Ánh nắng mặt trời rạng đông xiên qua lớp mây mờ ảo khiến khung cảnh bình yên lạ thường.
Ngoài việc săn mây, chụp ảnh sống ảo buổi sáng, du khách còn đến thăm quan nhà thời Đức mẹ Măng Đen. Nhà thờ nằm ở gần chợ Kon Plông có nhiều đặc sản, hương vị núi rừng.
Nhiều du khách đánh giá, các dịch vụ ăn uống, giải trí ở Măng Đen còn hạn chế, ít thông tin, chưa phát triển nhưng người dân địa phương thân thiện, hiếu khách. Du khách có thể tìm về các làng du lịch cộng đồng ở huyện Kon Plông để khám phá văn hóa bản địa người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Trải nghiệm làng du lịch cộng đồng
Tại làng văn hóa cộng đồng Kon Pring, xã Đăk Long du khách có thể ăn cùng, ở cùng và sinh hoạt như một người dân địa phương thực thụ. Ở đây, nhiều nhà dân trồng hoa thơm ngát phía đầu ngõ, đầu làng có nhà Rông lớn là nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.
Anh Hoàng Hải, một du khách cho biết, tới đây được bà con dạy cách đan chiếu từ lá cây rừng, cách làm cung nỏ săn bắn và cách nấu rượu cần khiến ai cũng thấy thú vị. Có lẽ, đặc biệt nhất là dùng tên để bắn cá ngoài suối, sau đó nướng cá bên bờ suối, tìm hái loại lá rau rừng dùng để chấm muối.
Ở vùng núi, có những loại lá cây rừng có thể hái về giã mịn ra, khi ăn vào có vị mặn mà như muối. Đó là một nét ẩm thực mang hương vị núi rừng Tây Nguyên ở Măng Đen.
Có thể nói, Măng Đen, huyện Kon Plông là trái tim du lịch của tỉnh Kon Tum. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp về Nông nghiệp công nghệ cao đã tìm đến để đầu tư các vườn rau quả sạch, hữu cơ, chăn nuôi cừu, dê, bò với quy mô lớn.
Đại diện UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, mặc dù trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, du lịch. Nhưng ở Măng Đen, lượng du khách vẫn duy trì đều đặn.
Điều đó cho thấy sức hút đặc biệt hấp dẫn của du lịch Măng Đen. Thời gian tới, UBND huyện Kon Plông sẽ tập trung thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, mở thêm nhiều tour du lịch Măng Đen, tuyến để lôi kéo du khách. Việc liên kết du lịch các tỉnh thành ở miền Trung như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… sẽ thúc đẩy du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch.