Kỳ thú rừng tượng gỗ Măng Đen
Khách tham quan đến với “Tuần văn hóa – du lịch Măng Đen” (huyện Kon Plông, Kon Tum) không thể bỏ qua rừng tượng gỗ ở thác Pa Sỹ với hàng trăm tượng gỗ độc đáo.
Các nghệ nhân đã thổi hồn vào mỗi tác phẩm tượng một hồn phách riêng, mang đậm bản sắc dân tộc bản địa Kon Tum.
Đến thác Pa Sỹ, nhìn vào cánh rừng bên trái có thể thấy thấp thoáng trong rừng xanh mênh mang là dãy tượng gỗ im lìm.
Trưởng ban giám khảo liên hoan tạc tượng Măng Đen năm 2014, ông Trương Công Thức, cho biết: tượng gỗ ở đây có đủ mọi sắc thái, khi thì tượng người phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông đi săn, cả nhà đi rẫy, đang chơi nhạc cụ, già làng, uống rượu cần, lễ ăn trâu, lễ bỏ mả, có cả tượng anh bộ đội cụ Hồ…
Các loài thú nuôi và thú rừng có quan hệ đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng Tây Nguyên cũng hiện diện trong rừng tượng gỗ.
Đâu đó thấp thoáng trong rừng xanh là các nhà sàn được các nghệ nhân dùng đục, rìu dựng lên trên một khúc gỗ tròn. Thế nhưng, tất cả đều mang âm hưởng buồn. Phải chăng đó là tiếng nói của sự chịu đựng, nhẫn nại trước cuộc sống khắc nghiệt của rừng xanh?
Nghệ nhân A Bình, người làng Sê Đăng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô (Kon Tum), tham gia liên hoan tạc tượng dân gian lần này, cho biết anh sẽ tạo một tác phẩm tượng người đàn bà trên đường đi rẫy, cao đến 1,7 m.
“Anh học nghề này ở đâu?”, chúng tôi hỏi. A Bình bảo: “Ô, mình tự học thôi. Thấy người già làm, mình làm theo nhưng đã tham gia tạc được dân gian 4 lần rồi đấy, có một lần ở Hà Nội”, A Bình khoe.
Bài và ảnh: Phạm Anh