Lãng du Kon Tum
Nhiều người hỏi: “Đến Kon Tum đi chơi ở đâu?”, tôi bảo chỉ lo không đủ sức. Nhưng nếu thời gian hạn hẹp thì ngay trong TP.Kon Tum có nhiều điểm tham quan thú vị và cũng đầy giá trị lịch sử.
Vài chốn thường được nhắc đến như Măng Đen, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai ở Tây nguyên; lên Ngọc Hồi ra cửa khẩu quốc tế Bờ Y; hoặc vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu các tục mừng sinh, lễ ăn lúa mới của người Ba Na, lễ Tạ ơn của người Xê Đăng…
Nếu ít thời gian thì thăm thú nội ô cũng có nhiều thú vị. Đầu tiên có lẽ phải đến cầu treo Kon Klor bắc qua dòng sông Đak Bla. Nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đây được xem là cầu treo lớn và đẹp nhất Tây nguyên. Nhớ lần đầu tôi đến đây, lúc ấy mặt trời còn lưng lửng, ánh nắng rọi thẳng xuống mặt sông Đak Bla, phản chiếu lên thành cầu, nên nhìn từ xa toàn cảnh lung linh như tranh vẽ. Ngồi ở một góc sàn cầu, tựa lưng vào thanh sắt vững chãi, nhìn dòng người chầm chậm lướt qua, tôi mường tượng hình ảnh những chuyến đò độc mộc vượt sông Đak Bla vào những năm 80 về trước…
Nhà rông Kon Kkor ngay cạnh dòng Đak Bla
Nhà thờ gỗ Kon Tum sắp tròn 100 tuổi
Tháng 10, Đak Bla hiền hòa, ngắm dòng nước êm ả ấy mấy ai biết nó đang chảy rồi hợp với hai sông Krong Poco và Sa Thầy để trở thành dòng sông hùng vĩ Sê San. Điều thú vị là dòng Sê San không chảy ra biển đông như các sông khác mà chảy sang Campuchia và nhập với sông Sêrêpôk. Cùng với dòng Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, đây là những “con sông chảy ngược” hiếm hoi ở Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà dòng sông này là nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn thi sĩ: “Dịu dàng sao là cái gió Kon Tum/Thổi dọc Đak Bla nâng tà áo lụa/Bắp trổ cờ hoa, phấn hương mở cửa/Một chút gió khuya mát lạnh tâm hồn” (Lê Thành Văn)…
Đứng trên cầu Kon Klor có thể nhìn thấy ngôi nhà rông cùng tên. Sau lần tái xây dựng năm 2011, nhà rông Kon Klor cũng đã trở thành ngôi nhà rông lớn nhất Tây nguyên. Đây là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của cả buôn làng.
Đến Kon Tum đừng quên thưởng thức đặc sản núi rừng
Cách đó không xa là tòa giám mục Kon Tum được xây dựng với lối kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và nét truyền thống dân tộc bản địa. Một điểm làm nơi đây mềm mại hơn cả là hai hàng hoa sữa phủ kín lối đi vào. Trước cổng tòa giám mục, đi thẳng đường Nguyễn Văn Trỗi khoảng 500 m sẽ bắt gặp nhà thờ gỗ nổi tiếng ở Kon Tum. Từ khuôn viên, kiến trúc đến lịch sử, văn hóa… đã làm nơi đây thành điểm đến không thể bỏ qua với bất kỳ du khách nào.
Từ đây ra đến đường Hồ Chí Minh, du khách có thể ghé thăm di tích ngục và Bảo tàng Kon Tum. Dù Bảo tàng Kon Tum chỉ mới được khánh thành vài tháng nhưng tại đây ngoài những hiện vật, tư liệu đặc thù, còn có một khu riêng dành cho bộ sưu tập di chỉ khảo cổ thời kỳ đồ đá cũ được khai quật ở Lung Leng (xã Sa Bình, H.Sa Thầy) các năm 1999, 2001 có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng.
Dạo một vòng quanh thành phố chính, bản thân tôi cũng được trải nghiệm khá nhiều cung bậc cảm xúc. Sang năm 2013, Kon Tum sẽ tròn 100 tuổi, có thể mảnh đất này non về “tuổi đời” nhưng chắc chắn có nhiều điều còn chưa được thể hiện hết ở cái số tuổi đó.
Minh Úc