Đăng nhập

Lớp học giữa rừng

Lớp học giữa rừng

Từ ngày có trường lớp, con em của công nhân cao su ở vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia, thuộc huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) không phải sống xa bố mẹ nữa. Ở điểm trường này, các cháu được cô giáo chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ…

Chị Vi Thị Huyền (dân tộc Thái), công nhân cao su ở Đội 14, Công ty TNHH MTV 78 (Công ty 78) thuộc Binh đoàn 15 cho biết, thật hạnh phúc khi được đón đứa con gái nhỏ Vi Thị Nguyệt ở tận ngoài huyện Nghi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vào sống cùng. Ngày trước, vì nơi làm việc xa, không có trường lớp mà phải gửi con về quê đi học.

Cuối những năm 1990, do cuộc sống khó khăn, nhiều người từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… khăn gói vào xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) lập nghiệp, trong đó có chị Vi Thị Huyền. Ở miền đất mới này, chị được Công ty 78 nhận vào làm công nhân. Cũng tại đây, chị tìm được “một nửa” cuộc đời với anh công nhân cùng đội sản xuất, và hai bé lần lượt chào đời, đó là bé trai Vi Anh Tú (SN 1999) và bé gái Vi Thị Nguyệt (SN 2003). Ngày đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó nhất là chuyện học hành của con cái. Do đơn vị đóng quân ở địa bàn rừng núi, trường lớp không có, nên muốn cho con đi học, các gia đình công nhân phải đưa con ra tận điểm trường của xã, cách mấy chục cây số.

Không đành nhìn con bị thất học, nhiều gia đình công nhân đành chọn “giải pháp” gửi con về quê ở tận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…, nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc và cho đi học. Thấu hiểu nỗi khổ của công nhân, cách đây mấy năm, Công ty 78 đã xây dựng điểm trường tiểu học cho con em công nhân cao su. Nhờ vậy, không những các bậc phụ huynh mà các cháu nhỏ cũng vui không kém, bởi lẽ không còn phải xa cha mẹ nữa.

Cháu Quách Ngọc Thương, học sinh lớp 5A cho biết: “Hồi nhỏ con sống với ông bà ngoại ở ngoài Nghệ An, được ông bà thương, được đi học, nhưng con nhớ cha mẹ lắm. Năm học lớp 2, con được cha mẹ đón vào học ở trường này. Vì cha mẹ bận công việc nên con ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần mới được đón về. Mặc dù vậy, con cũng rất vui vì tuần nào cũng được ở bên cạnh cha mẹ”.

Ngôi trường mơ ước

Nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao su xanh ngắt, Điểm trường Công ty 78, như một “điểm nhấn” ở miền biên viễn với những phòng học khang trang, sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Ở đó có những đứa trẻ kháu khỉnh dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Ja Rai… Chiều, trước cổng trường thấp thoáng bóng áo công nhân màu xanh, nhấp nhổm đứng ngồi chờ đón con tan học.

Trống trường vừa điểm, những đứa trẻ ào ra quấn lấy cha mẹ và ríu rít kể chuyện. Nếu như ở thành thị, những hình ảnh này hoàn toàn bình thường thì ở nơi miền biên giới xa xôi này, khung cảnh đó đã gây cho chúng tôi những cảm xúc thật khó tả.

Thiếu tá Trần Đức Niên, Giám đốc Công ty 78, nhớ lại: “Cách đây hơn 15 năm, cơ sở vật chất ở xã vùng sâu, vùng xa này rất thiếu thốn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều trẻ em, kể cả người Kinh và người dân tộc thiểu số sinh ra nơi vùng biên giới này phải chịu mù chữ vì trường lớp quá xa và kinh tế khó khăn. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ là con em của lao động trong đơn vị và người dân trong vùng nheo nhóc, mù chữ vì không có điều kiện đến trường”.

Từ thực tế đó, các cán bộ, chiến sĩ Công ty 78 bắt đầu có ý tưởng lập trường lớp cho các em học tập. Năm 2009, điểm trường Công ty 78 ra đời từ nguồn quỹ phúc lợi của công ty với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, và đơn vị mời giáo viên từ Phòng Giáo dục huyện Sa Thầy về giảng dạy. Đến nay, điểm trường này có 6 lớp, trong đó có 2 lớp 1 và 4 lớp từ lớp 2 đến lớp 5, đáp ứng chỗ học cho gần 150 học sinh.

Điểm trường có hẳn một phòng hàng chục máy vi tính hiện đại, cùng nhiều trang thiết bị dạy và học khác. Ngoài một số ít học sinh được cha mẹ đón hàng ngày, còn lại phần lớn đều ở nội trú trong trường. Phục vụ cho các em là 5 cô bảo mẫu do Công ty 78 ký hợp đồng lao động, với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, các cô chăm sóc cho các em từ miếng ăn giấc ngủ, kể cả khi các em đau ốm.

Như vậy, ước mơ hàng chục năm trời về một điểm trường tại vùng biên giới cho con em công nhân cao su đã thành hiện thực. Trong một thời gian ngắn nữa thôi, dưới những tán rừng này sẽ tiếp tục mọc lên điểm trường THCS để nối liền con đường đi học của các em học sinh vùng biên giới Mô Rai.

ĐỨC TRUNG | SGGP

Để lại một bình luận