Đăng nhập

Mô Rai, vành đai xanh

Mô Rai, vành đai xanh

Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum) nằm trên hành lang đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Trước đây, Mô Rai được ví như “ốc đảo”, khó khăn và nghèo đói. Vậy mà hôm nay, mầu xanh của bạt ngàn cao-su, cà-phê đã ngút ngát bản làng đồng bào dân tộc thiểu số.

1a57df9b1e3d76652424e35015f4b59b_XL

1. Xã Mô Rai là khu căn cứ cách mạng, hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng, có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia, chiều dài hơn 90 km. Giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, cách trở, nhất là vào mùa mưa, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Mô Rai như bị cô lập. Người dân ở đây đều hiểu, lương thực, thực phẩm, tất cả đều phải chuẩn bị ngay từ tháng 5, để khi mùa mưa dầm tháng 6 trở đi vẫn đủ ăn cho đến hết năm.
Trên đường từ Gia Lai sang huyện Sa Thầy, câu chuyện của đồng chí Văn Thiềng, cán bộ Phòng Tuyên huấn Binh đoàn 15 giúp chúng tôi hiểu thêm về Mô Rai, về những người lính Bộ đội Cụ Hồ với những vất vả, gian truân, nhất là những ngày đầu đến đây “lập nghiệp”. Trước đây muốn vào được Mô Rai, phải vượt qua thung lũng Ya Bốc đầy hiểm trở, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì trơn trượt. Nhìn những con đường lầy lội, đất đai khô cằn, nhiều người ngao ngán. “Chẳng nhẽ bó tay? Chẳng nhẽ cứ để đất hoang phí và nghèo đói bám riết bà con…?”. Những câu hỏi ấy xoáy vào tâm trí. Và người trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất lúc đó là Thiếu tướng Tư lệnh Binh đoàn 15 Nguyễn Xuân Sang. “Phải chinh phục được Mô Rai. Phải giúp bà con dân tộc thiểu số ở đây thoát nghèo bằng cách đưa cây cao-su lên trồng trên đất Mô Rai”- quyết tâm của người Tư lệnh đầy duyên nợ với Tây Nguyên đã trở thành quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ binh đoàn.

Vào một ngày tháng 6 cách đây 16 năm, một đoàn cán bộ khảo sát của Binh đoàn 15 đã đến thung lũng Mô Rai. Tràn vào tầm mắt các anh chỉ có đồi núi, rừng nghèo đầy cỏ cây rậm rạp. Ðặt chân đến vùng đất “thẳm”, những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Công ty 78 đã “ba cùng” với dân. Sau hơn một năm vật lộn với mưa rừng, gió núi và nắng lửa, hơn 379 ha đất hoang hóa, cằn cỗi đã phải chịu khuất phục trước những mầm cây cao-su mơn mở đâm chồi, vươn lên.
Trồng được cây cao-su ở Mô Rai khi đó là một điều kỳ tích. Thiếu vốn, thiếu cả nguồn nhân lực là những trở ngại lớn nhất. Với chủ trương “đất mở đến đâu, công nhân có mặt ở đó”, từ ban giám đốc đến các cán bộ đầu ngành quyết tâm vừa phát triển kinh tế, vừa tuyển quân, vận động đưa các hộ kinh tế mới từ các tỉnh miền núi phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… vào lập nghiệp. Sau thời gian miệt mài, đất rừng Mô Rai không phụ công người, đến năm 2005, hàng chục ha cao-su đã cho thu hoạch những dòng “vàng trắng” đầu tiên. Niềm vui nối tiếp niềm vui, đến nay, sau hơn 15 năm “bám đất”, Công ty 78 đã trồng, chăm sóc được hơn 4.500 ha cao-su, hình thành nên một hành lang xanh gần 3.000 ha trên vùng biên giới, tạo công ăn, việc làm cho hơn 1.600 lao động, thu nhập bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng…

mot canh(1)Cán bộ Công ty 78 trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân Mô Rai.

“Bám trụ mảnh đất đầy gian khó này, chúng tôi luôn động viên nhau vượt khó, bởi khi cây cao-su bén rễ rồi cho ra dòng nhựa trắng sẽ là niềm tin để những ngôi làng đồng bào Ja Rai, Rơ Mâm dọc biên giới Mô Rai chuyển mình vươn lên…”, Thiếu tá Trần Ðức Niên, Giám đốc Công ty 78, nhớ lại.

2. Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng bào Kinh, Tày, Mường, Ja Rai, Rơ Mâm… ở Mô Rai luôn bên nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn. Với chủ trương phát triển mô hình “Gắn kết hộ” đến từng hộ gia đình đã từng bước hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất, hướng đến xóa nghèo bền vững. Theo đó, công ty gắn kết với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Việt gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ðến nay, Công ty 78 đã hình thành nhiều cụm dân, gắn kết các thôn làng với chín đội sản xuất kết nghĩa với bảy thôn làng, có 464 cặp hộ người Việt gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giúp nhau sản xuất, tăng cường khối đoàn kết dân tộc.
Có mặt tại nhà ông Rơ Châm Hlen (dân tộc Rơ Mâm) ở làng Le, xã Mô Rai mới thấy hết tình quân dân. Khoảng sân trước nhà vốn rộng rãi, giờ dường như chật chội hơn bởi sự xuất hiện của hàng chục đoàn viên thanh niên của Công ty 78 đến giúp đỡ gia đình Hlen “mở miệng” (cạo mủ) hơn 3 ha cao-su cho những dòng nhựa trắng đầu tiên. Cũng như những người Rơ Mâm khác trong vùng, trước đây gia đình ông Rơ Châm Hlen chủ yếu đốt nương làm rẫy, chọc tỉa… Nay không những đủ ăn, mà gia đình ông là một trong những hộ có của ăn của để với mấy ha điều, mì, heo, bò và 3 ha cao-su đang cho thu hoạch. “Hơn 10 năm trước, mặc dù được chính quyền các cấp quan tâm, nhưng do giao thông cách trở, cái đầu chưa thông nên cái con, cái cây do các cán bộ mang đến, cũng chẳng “ở lại” được lâu. Vậy mà, từ ngày được Công ty 78 giúp, bà con làng Le của mình đã trồng hàng trăm ha cao-su và lúa nước…, ông Hlen phấn khởi nói.

Ðể tạo “cần câu” cho bà con các dân tộc thiểu số, Công ty 78 cử cán bộ trẻ “ba cùng” với dân, hướng dẫn thâm canh lúa nước, đầu tư phân bón, cây giống, kỹ thuật, ngày công, giúp dân trồng được hàng trăm ha cao-su, mang lại mầu xanh no ấm. Những hình ảnh đẹp mà chúng tôi được chứng kiến trong những ngày trên biên giới Mô Rai, đó là những bữa cơm đoàn kết trong gia đình người Rơ Mâm, Kinh, Thái, Mường, Tày…

Ðồng chí Ah Lao, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: Mô hình gắn kết hộ của Công ty 78 đã thật sự mang lại luồng sinh khí mới trong cộng đồng dân cư ở các buôn, làng mà đơn vị đứng chân. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Thế trận Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, tạo điều kiện cho đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.

3. Trên đường về làng Le, xã Mô Rai, đồng chí Phong, cán bộ Công ty 78 hồ hởi “khoe” chúng tôi về một điểm trường “Thiếu sinh quân 78” (trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lý Thường Kiệt), được Công ty 78 đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở vật chất.

Vượt qua hơn 2 km, một khu nhà ngói mầu xanh nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng cao-su xanh ngắt, điểm trường của Công ty 78, như một “điểm nhấn” ở miền biên viễn. Xe dừng trước cổng, tiếng trẻ thơ đọc bài vòng vọng giữa thung lũng Mô Rai nghe sao trào dâng, thân thương đến thế. Nơi đó có những đứa trẻ kháu khỉnh người dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Ja Rai… với những phòng học khang trang, sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị. Chúng tôi đứng giữa sân trường, đợi các cháu học xong mới vào lớp. “Chúng con chào các chú bộ đội”.

Thiếu tá Trần Ðức Niên nhớ lại: “Cách đây hơn 15 năm, cơ sở vật chất ở xã vùng sâu, vùng xa này rất thiếu thốn, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều trẻ em, kể cả người Kinh và người dân tộc thiểu số sinh ra nơi vùng biên giới này không được đi học vì trường lớp quá xa và kinh tế khó khăn. Nhiều con em của cán bộ công nhân trong đơn vị phải gửi nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc và cho đi học…”.

Năm 2009, điểm trường công ty 78 ra đời từ nguồn quỹ phúc lợi của công ty với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, và đơn vị mời giáo viên từ phòng giáo dục huyện Sa Thầy về giảng dạy. Ðến nay, điểm trường này có sáu lớp, đáp ứng chỗ học cho gần 150 học sinh. Trường có một phòng với hàng chục máy vi tính hiện đại, cùng nhiều trang thiết bị dạy và học khác. “Ðây là mô hình điểm trường đầu tiên của Binh đoàn và của địa phương, phát huy hiệu quả về các mặt giáo dục, xã hội, chính trị, nhất là giúp cho cán bộ, công nhân của công ty yên tâm sản xuất” – Thiếu tá Trần Ðức Niên tâm sự.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoạt, tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Kon Tum, quê tận Thái Bình tình nguyện lên Mô Rai vừa tròn hai năm, giới thiệu: “100% học sinh là con em công nhân của Công ty 78. Mặc dù giao thông đi lại xa xôi, cách trở nhưng cô trò đều say mê với dạy và học để mong sao bổ sung kiến thức cho các em.

Cháu Bùi Thanh Bình, con công nhân Bùi Văn Ba, dân tộc Mường, học sinh lớp 5A cho biết: “Ngày trước con sống với ông bà ngoại ở Thanh Hóa, được ông bà thương, cho đi học, nhưng nhớ cha mẹ lắm. Lên lớp 2, con được cha mẹ đón vào đây. Vì cha mẹ bận công việc nên con ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần mới được đón về, con rất vui vì được ở bên cạnh cha mẹ”.

Vậy là, ước mơ hàng chục năm trời về một điểm trường tại vùng biên giới cho con em công nhân cao-su đã thành hiện thực. Chỉ thời gian ngắn nữa, dưới những tán rừng này sẽ tiếp tục mọc lên những điểm trường THCS, THPT nối liền con đường đi học của các em học sinh vùng biên giới Mô Rai.

Chiều xuống. Trước cổng trường “Thiếu sinh quân” thấp thoáng mầu áo công nhân chờ con tan học. Trống trường vừa điểm, những đứa trẻ ào ra quấn lấy cha mẹ và ríu rít kể chuyện. Những ánh mắt trong veo, những nụ cười thơ trẻ chúm chím như những nụ hoa cúc quỳ vàng rực ven rừng. Ở nơi biên giới xa xôi này, khung cảnh đó đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc khó quên.
TRÀ HÒA, CHUNG TẠO

Để lại một bình luận