Nghệ thuật Tạc tượng gỗ dân gian ở Kon Tum – Di sản văn hóa độc đáo của Tây Nguyên
Tỉnh Kon Tum có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, người dân tộc thiểu số chiếm 54% tổng dân số toàn tỉnh. Trong kho tàng văn hóa đời sống của nhân dân các dân tộc Kon Tum, chúng ta không thể không kể đến một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là tạc tượng gỗ dân gian. Khi nhắc đến tượng gỗ dân gian ở Kon Tum, đó là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và khá là độc đáo, được nhân dân thể hiện qua những qua kiến trúc nhà rông, nhà ở, những hình ảnh đời sống của con người lao động, gần gũi với thiên nhiên, những con vật nuôi trong gia đình… tượng gỗ dân gian không chỉ được trưng bày, tô điểm cho nhà rông các điểm giao lưu văn hóa… mà đặc biệt đối với các dân tộc như Ba Nar, Gia Rai tượng gỗ dân gian còn bày tỏ ý niệm tâm linh giữa những người trong gia đình đang sống và với những người thân trong gia đình đã mất.
Vườn tượng gỗ ở Khu du lịch Măng Đen – Kon Plông
Đã bao đời nay vẫn vậy, những pho tượng gỗ dân gian được tạc đẽo thô mộc, dãi dầu mưa nắng nhưng luôn mang đến cho người xem cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng, tây nguyên… Những dân tộc anh em của núi rừng Kon Tum có chung một niềm đam mê trong cuộc sống tinh thần là tạc tượng gỗ dân gian, họ yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu sông, yêu suối, yêu đời sống văn hóa lễ hội.
Mặc dù không qua trường lớp nào, nhưng những nghệ nhân tạc tượng được sinh ra và lớn lên đã thấm đậm trong mình nền văn hóa truyền thống đặc thù của Tây Nguyên, đã tạo ra những đứa con tinh thần tô đẹp thêm cho đời và cho con người. Với lối tư duy và thủ pháp tạo hình mang tính biểu trưng, ước lệ và thô sơ, với đôi bàn tay khéo léo, khi đã định hình trong đầu, người nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, thả hồn vào những tác phẩm của mình, những bức tượng qua những cái phát rìu, những đường phát khỏe khoắn, thoạt nhìn có vẻ thô mộc, nhưng càng ngắm, càng thưởng ngoạn người xem mới cảm thấy mình như hòa vào chính đời sống của người nghệ nhân, hay cảm nhận về nét bản sắc văn hóa đời sống đậm chất truyền thống của người Kon Tum, cảm nhận nắng gió vời vợi của đại ngàn. Qua những thân gỗ do chính nghệ nhân lưạ chọn, những khối gỗ hình tròn, chỉ qua sự đẽo gọt bằng rìu, qua bàn tay của các nghệ nhân đã tạo ra những khối hình với những đường nét, góc cạnh đơn giản, mộc mạc mà phác họa hết tình yêu thương con ngươì, đời sống tâm linh… Nét độc đáo nhất của các bức tượng là các nghệ nhân không đi theo khuôn mẫu hay đường nét chung nào có sẵn mà tự suy nghĩ mà làm ra.
Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, theo đời sống tập quán dân tộc khi tạo ra các tác phẩm thường thiên về các chủ đề khác nhau, có vô vàn những cảnh sống, cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân, muông thú và cỏ cây đã được sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật qua bức tượng gỗ. Như các nghệ nhân thuộc huyện Đăk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên thì các nghệ nhân thuộc huyện Sa Thầy thường tạc tượng về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng hay các nghệ nhân thuộc huyện Đăk Glei thường tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau…
Trong sáng tạo nghệ thuật tạc tượng ở Kon Tum, phải nói đến nghệ thuật tạc tượng của người Ba Nar với những nét đặc sắc được các nhà nghiên cứu, cũng khư khách tham quan đặc biệt quan tâm, trong đó nổi bật là tượng nhà mồ. Trang trí tượng nhà mồ rất đa dạng về kiểu loại, đó là những hình khối, những hình trang trí và tượng gỗ. Chẳng hạn những hình trai gái khỏa thân biểu hiện cho sự phồn thực và sự sinh sôi phát triển, tượng người ôm mặt khóc… Các bức tượng thể hiện sắc thái, thẩm mỹ nghệ thuật hồn nhiên trong sáng và nguyên chất.
Mẹ và con bên dòng suối
Nhân dịp tỉnh Kon Tum tròn 100 năm tuổi, liên hoan tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc thiểu số đã được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen – Huyện
Kon Plông từ ngày 5/3 – 18/3/2013, liên hoan đã thu hút được 33 nghệ nhân tham gia, thực hiện hoàn thành 100 tác phẩm tương ứng với Kon Tum 100 năm tuổi. Các bức tượng miêu tả thực từ chính con ngươì trong sản xuất, đời sống hàng ngày diễn ra, về lễ hôị, tâm linh như: Tượng người phụ nữ giã gạo, dệt vải; ngươì đàn ông đi săn; gia đình đi lên rẫy, người chơi nhạc cụ; già làng; anh bộ đôị cụ Hồ, múa xoang; uống rượu cần; lễ ăn trâu; lễ bỏ mả… Bên cạnh đó là những con vật gần gũi trong đời sống với người dân và trong đại ngàn của núi rừng Tây Nguyên cũng được phác họa, mỗi con vật được thể hiện phản ánh nội dung hết sức súc tích và mang nhiều ý nghĩa như: Chim cu, chim chào mào, chim sáo, chim đại bàng; các loài thú như: Chó, heo, khỉ, voi, trăn…
Có thể nói, mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang sắc màu dân gian truyền thống của từng dân tộc bản địa, được nghệ nhân thể hiện qua từng thớ gỗ, gìau tính tượng hình, biểu cảm qua đường nét, hình khối thô, chắc… và được tô điểm màu sắc và hoa văn trang trí… in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Liên hoan có ý nghĩa, mục đích duy trì, bảo tồn nghề tạc tượng dân gian của địa phương. Công trình mỹ thuât điêu khắc này hiện được trưng bày tại Vườn tượng tại điểm du lịch thác Pa Sỹ, khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen để du khách đến tìm hiểu, tham quan.
Trong chương trình tổ chức Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tôc Việt Nam – Di sản Văn hóa Việt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 15/11 đến 23/11/2013, tỉnh Kon Tum được mời tham gia họat động tạc tượng gỗ dân gian và trưng bày triển lãm tại làng Văn hóa các dân Tộc Việt Nam, đây là sự ghi nhận nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, ghi nhận về sự bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Hy vọng rằng, qua hoạt động tạc tượng và trưng bày tượng gỗ dân gian của tỉnh Kon Tum tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào thành công của Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam – Di sản Văn hóa Việt và đồng thời qua dịp này sẽ giúp cho nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của tỉnh Kon Tum nhận được nhiều hơn sự quan tâm về công tác bảo tồn và huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ biết đến Kon Tum nhiều hơn qua nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian./.
Văn Phát