Người Ba Na với Lễ tục mừng sinh
Kon Tum là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó có các dân tộc bản địa như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Mâm đang tồn tại và sinh sống rất lâu đời trên vùng đất này và còn gìn giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây có thể coi là nét đặc trưng được thể hiện qua từng quan niệm và cách suy nghĩ của mỗi dân tộc được hình thành trong lao động có từ lâu và mỗi dân tộc đều có những sắc thái riêng. Cũng như các dân tộc khác trên địa bàn mỗi khi có trẻ con đuợc sinh ra thì các gia đình, thôn, làng người Ba Na tại Kon Tum lại tiến hành lễ tục mừng sinh cho em bé và gia đình.
Lễ tục mừng sinh thường được chia làm 2 lệ tục nhỏ đó là: Tục lệ “xem por” (nuôi cơm) và Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai).
Tục lệ xem por (nuôi cơm): Ngay sau khi đứa bé ra đời, người cha hoặc người mẹ đặt tên con. Việc đặt tên con rất quan trọng và phải khẩn trương chứ không chờ lâu, bởi họ quan niệm nếu để muộn có thể các thần quỷ quái sẽ tranh giành đặt tên con cho đứa trẻ trước thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng của bé. Có khi nếu cha mẹ chưa tìm được tên thì bà mụ có thể tạm thời đặt tên rồi lấy sợi chỉ cột vào cổ chân, cổ tay đứa bé. người Ba Na ít muốn đặt tên con trùng tên người khác nhất là người trong họ, trong làng.
Để mừng sinh, một lễ tiệc nhỏ được tổ chức ngay hôm đó, gồm một ghè rượu cần với một con gà, đầu con gà luộc chín nhưng không bỏ muối. Lễ tục này được gọi là xem por. Bà mụ sẽ lấy vài hột cơm thấm chút rượu, quệt trên làn môi đứa trẻ và nói lời “cầu chúc cho mày chóng lớn và khoẻ mạnh”. Sau đó người cha đứa trẻ sẽ mời bà mụ uống cang rượu đầu tiên và trao cho bà mụ một đùi gà và đầu con gà. Bà mụ dùng tay tách đầu gà, rút riêng cái xương hàm dưới cảu mỏ gà, sẽ thấy có ba xương, hai xương ở hai mép lớn và dài hơn xương giữa, đoạn nối liền với lười. Người ta thường chú ý đến xương ở giữa nhiều hơn. Nếu xương cong về phía trước, hoặc xiên về bên này hay vểnh về phía kia thì chẳng sao. Tốt nhất xương giữa phải đâm thẳng lên trời hoặc hơi cuối về phía trước. Điều kiêng kỵ là xương giữa đâm ngược về phía sau, (hrăh tơ rong) có nghĩa là điềm xấu.
Tục lệ “hlôm đon” (thổi tai): Thường một tháng sau khi đứa trẻ chào đời, lễ thổi tai “hlôm đon” sẽ được tiến hành. Sở dĩ có sự chậm trễ này là vì phải đợi cho sức khoẻ người mẹ phục hồi, có thể ăn uống được và hoà nhập với cộng đồng. Hơn nữa, để chủ nhà cũng như bà con trong làng có thời gian chuẩn bị nấu rượu cho ngày lễ. Người tham dự càng đông vui càng tốt lành cho tương lai em bé.
Ngày tổ chức tiệc mừmg lần này tương đối lớn. dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn tới đâu cũng phải có được một con heo, bốn con gà và bốn ghè rượu. trong đó một ghè dành cho Yă Pơ Jâu (tức bà mụ), một ghè dành cho con cái bà mụ, một ghè dành cho thanh niên khiêng nước và một ghè cho tập thể dân làng tới dự. Dĩ nhiên mỗi ghè rượu sẽ kèm theo một con gà để làm mồi nhắm. Đồ nhắm thường đựơc trộn thịt với các loại rau quả như măng, rau dệu, lá mì, quả bí đao…Bà con dân làng mỗi hộ sẽ nhận được một gói nhỏ đựng thức ăn. Gói thức ăn này là tín hiệu thay cho lời mời hay giấy mời tới dự tiệc. Người được mời sẽ mang một ghè rượu nhỏ với món đồ nhắm tới dự. Các ghè rượu được cột dính vào nhau theo từng hàng dài. Các chủ ghè rượu sẽ ngồi về một phía, con phía kia dành cho khách được mời uống. Thức ăn đựng trong tô, đĩa hoặc những chiếc lá to, sạch. Khi mọi người đã sẵn sàng đâu vào đấy, người chủ nhà sẽ mời bà mụ ngồi cầm cần rượu, người mẹ và đứa bé con cũng ngồi kế bên. Bà mụ dùng tay nắm lỏng, kề sát bên tai đứa bé và thổi nhẹ “Này, mày đã khoẻ mạnh, lớn nhanh, lanh lẹ, tài giỏi để sau này giúp ích cho dân làng được nhờ”. Sau đó Bà mụ dùng tay tách đầu gà, rút riêng cái xương hàm dưới cảu mỏ gà, sẽ thấy có ba xương, hai xương ở hai mép lớn và dài hơn xương giữa, đoạn nối liền với lười. Người ta thường chú ý đến xương ở giữa nhiều hơn. Nếu xương cong về phía trước, hoặc xiên về bên này hay vểnh về phía kia thì chẳng sao. Tốt nhất xương giữa phải đâm thẳng lên trời hoặc hơi cuối về phía trước. Điều kiêng kỵ là xương giữa đâm ngược về phía sau, (hrăh tơ rong) có nghĩa là điềm xấu. sau đó bà mụ phải uống hết một cang rượu cần, tiếp theo là chủ nhà. Riêng người mẹ của đứa bé thì không bắt buộc phải uống hết cang. Thường bữa tiệc bắt đầu từ buổi trưa hoặc xế chiều và người ta tiếp tục ăn uống vui chơi cho đến khi tối mới ra về.
Tục lệ mừng sinh đối với người Ba Na khá quan trọng. Có mừng sinh thì người ta mới biết được tên của em bé. Vì thế, có thể gọi tiệc mừng sinh được coi như là lễ kết nạp thành viên của cộng đồng “Kon Plei”.
Duy Thanh (kontum.gov.vn)