Đăng nhập

Nhớ cặp tác giả “Tháng ba Tây Nguyên”

Nhớ cặp tác giả “Tháng ba Tây Nguyên”

KTO – Vào những năm cuối của cuộc chống Mỹ, những người lính Tây Nguyên như chúng tôi, không mấy ai không thuộc ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” của Văn Thắng phổ thơ Thân Như Thơ.

anh trang 18093_ITOM.jpg

Lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của Dân tộc Ba-na, xã La Chim, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trần Phong

Thật ấm áp khi chiều xuống nơi rừng khộp, cả tiểu đội ngồi quanh bếp lửa, nghe qua chiếc đài Lido giọng hòa quyện của cặp song ca nam nữ Trọng Hinh – Hoài Thu: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước…” có gì đó xao xuyến đến lạ lùng khi Trọng Hinh đẩy ra cái giọng trầm ấm của anh: “Chiều chiều cha chọn một góc rừng/ Dạy con trai phóng lao trừ hổ báo…”.

Đến khi chiến dịch Tây Nguyên mở ra từ 10.3.1975, “Tháng ba Tây Nguyên” càng loang rộng trong những cánh rừng lá đỏ và dọc chiến dịch giống như sự khẳng định lời tiên đoán khi xưa của nhà thơ Thân Như Thơ nay đã thành hiện thực, nhất là khi ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum hoàn toàn giải phóng. Lúc ấy tôi tự hỏi, chẳng biết bao giờ mới được gặp mặt hai tác giả tài hoa này?

Ấy vậy mà cuộc đời thật “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Năm 1980, tôi lúc ấy đang học khóa 1 Trường Viết Văn Nguyễn Du thì nhận được thông báo của nhà thơ Tạ Hữu Yên – một “bà đỡ” rất mát tay cho lứa nhà thơ trẻ chúng tôi lúc đó – tập thơ “Tiếng chim phía trước” của tôi đã được anh chọn ra 15 bài, sẽ in chung cùng ba tác giả nữa là Thân Như Thơ, Phan Đức Chính và Hà Phạm Phú. Sự lắp ghép tình cờ ấy đã cho tôi gặp nhà thơ Thân Như Thơ ngay tại phòng biên tập của nhà thơ Tạ Hữu Yên vào một sớm mùa thu 1982.

Anh Thân Như Thơ là người Hội An, đã là lính từ hồi chống Pháp, ra tập kết rồi lại trở vào Tây Nguyên từ đầu thập kỷ 60. “Tháng ba Tây Nguyên” được anh viết từ năm 1963 và đã in trên báo, trong tuyển tập thơ miền Nam từ rất lâu. Thân Như Thơ có giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt hiền hậu và chân pháp, nhất là nụ cười dịu dàng như “bông lách bay”.

Gặp anh, tôi thấy cảm mến ngay. Bữa đó, anh chiều tôi nên ra ngồi quán rượu. Khi đã lâng lâng, tôi hát “Tháng ba Tây Nguyên” cho anh nghe. Nhưng tôi rất thắc mắc vì nếu như theo bài thơ thì cả lời hai của ca khúc đều không có chút gì nằm trong bài thơ. Anh lại cười dịu dàng: “Có lẽ chuyện này Kha phải hỏi Văn Thắng. Để làm lời hai, Thắng đã dựa vào một số bài thơ Tây Nguyên của mình mà viết ca từ. Cũng là một cách hay, phải không?”. Tôi chậc lưỡi. Biết đến bao giờ mới gặp ông Văn Thắng đây?

Van Thang_OKZS

Nhạc sĩ Văn Thắng.

Khi tập thơ của 4 chúng tôi ra đời, tôi đọc rất kỹ phần thơ của Thân Như Thơ có tựa đề là “Tháng ba Tây Nguyên” thì tự tôi đã có câu trả lời, bởi có bài “Mùa lúa chín”. Đọc bài thơ thì nhận ra Văn Thắng đã dựa khá nhiều vào bài thơ này để làm ra ca từ của lời hai. Ca từ thật hay, thật gợi cảm. Tôi đoán theo cách của mình và thầm đối chiếu: Câu “Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ”, có lẽ được viết từ câu thơ “Hoa dăng đỏ đường làng” của bài thơ trên. Câu “Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát” có lẽ được viết từ câu thơ: “Trống, chuông reo nhộn nhịp/ Trăm cánh tuy con gái/ Múa mềm dưới vành trăng”. Câu “Bầy chim muông cất cánh rợp trời/ Sông từng đàn con cá lội bơi” có lẽ từ câu thơ: “Chim tự do chọn cánh/ Thương con chim Trpuôi/ Mến dòng suối Kờ Năng…”.

Đến câu “Tháng ba tay em dệt khăn hồng/ Theo cánh chim trời cho người em mến” thì không có câu thơ nào ở bài thơ nào của Thân Như Thơ có hình ảnh đó mà đối chiếu. Tôi nghĩ ngay tới ca khúc “Con chim lạc đàn” của Nhật Lai với “Dừng tay em dệt áo”“Chiếc khăn tay” của Xuân Hồng: “Đường chỉ may chẳng được khéo tay/ Xin các anh hãy vui lòng nhé” và thấy Văn Thắng thật tài. Cũng chỉ từ câu thơ “Biết dựng nhà còn biết đánh chiêng” trong bài thơ “Tháng ba Tây Nguyên”, Văn Thắng đã không phổ khổ này mà lấy ý để làm ra ca từ tiếp: “Chiều chiều cha dựng lại nếp nhà/ Phòng khi qua những đêm dài giông bão”, quá hay.

Đến câu “Tháng ba trời trong xanh như suối ngàn/ Cho em múa hát/ Cho anh đánh chiêng/ Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng/Em ca giọng vút mây xanh/ Chim hót theo nghe sao ngọt lành” thì là sự lắp ghép ý câu thơ: “Vui tháng ba theo ánh mặt trời/Giữa núi rừng hoa lá xanh tươi” trong “Tháng ba Tây Nguyên” rất tuyệt vời với ý câu thơ: “Cho chim Phí chim Chơrao cất tiếng hát đẹp buôn làng” trong bài “Xin chọn lời thề”. Còn toàn bộ đoạn kết: “Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình/ Con tim xao xuyến/Đôi môi hé tươi/ Tháng ba mùa suối rừng sôi sục/Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên/ Ôi tháng ba” lấy từ 3 câu thơ kết bài “Tháng ba Tây Nguyên”: “Bên phiến đá em ngồi té nước/ Nhìn em, lòng anh những bồi hồi/ Tháng ba cũng là mùa hạnh phúc”.

Thế mới thấy công việc phổ thơ thật công phu. Công phu vì nó phải biến bài thơ trở thành một ca khúc, chứ không phải là một bài hát thơ, viết giai điệu lẽo đẽo theo lời thơ. Tôi nghĩ vậy nhưng vẫn chưa gặp được nhạc sĩ Văn Thắng.

Thật run rủi, mùa hè 1983, tôi được Sở Văn hóa Gia Lai – Kon Tum lúc ấy, giám đốc là anh Trịnh Kim Sung mời vào sáng tác cho tỉnh cùng các anh Vũ Thanh, Thuận Yến, Thái Cơ, Xuân Giao và Văn Thắng. Tôi mừng quá! Thế là thỏa niềm ước mong được gặp người nhạc sĩ mà mình yêu mến. Gặp Văn Thắng bằng xương thịt, một Văn Thắng to béo, dáng đi ục ịch và nói rất to. Hóa ra cái bề ngoài chả nói được gì về cái bên trong của nhạc sĩ. Nhưng sự cởi mở của anh đã khiến tôi thấy mến trọng và gần gũi được ngay. Tôi đem chuyện viết lời hai của “Tháng ba Tây Nguyên” với những suy đoán của tôi nói với anh. Văn Thắng cười ha hả: “Hay! Hay! Suy luận của cậu thật hay. Thú thực mình viết lời đó cũng có đọc thơ do Thân Như Thơ đưa cho. Nó thấm vào mình lúc nào không rõ. Rồi mình cứ thế tuôn ào ra”. Vậy là tôi được giải tỏa. Và cũng từ đó, tôi thân luôn với Văn Thắng. Anh thật đáng yêu.

Vào những năm cuối của thế kỷ trước, tôi được tặng một tuyển tập ca khúc của các nước ASEAN. Trong tuyển tập, hội đồng biên tập đã chọn Việt Nam hai bài. Bài thứ nhất là “Tình ca” của Hoàng Việt. Còn bài thứ hai là “Tháng ba Tây Nguyên” của Văn Thắng – thơ: Thân Như Thơ. Tôi mừng quá, báo cho cả hai anh và lôi cả hai anh đi nhậu để chúc mừng. Bữa đó, nhìn gương mặt các anh rất rạng rỡ.

Thấm thoắt thời gian, đến tháng ba này, các anh đã là người ở cõi xa xăm. Nhưng “Tháng ba Tây Nguyên” thì còn lại mãi mãi trong di sản âm nhạc Việt Nam, trong lòng người Việt Nam, nhất là trong lòng những người lính. Cả hai anh dù tài năng hữu hạn, nhưng tình yêu với thơ ca và âm nhạc thì vô hạn. Nhớ hai anh, tôi viết những dòng này như thầm thắp lên nén nhang tưởng niệm. Tự nhiên lại cười thầm khi nghe lính hát lời chế của “Tháng ba Tây Nguyên”: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa anh đi xuất ngũ phục viên…”. Cứ nhớ mãi cái hồi sau thống nhất, ồ ạt những mùa ra quân. Những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ chiến trận và sung sướng trở về quê hương của mình. Niềm vui sướng đã được hát lên bởi giai điệu đẹp của “Tháng ba Tây Nguyên”. Thế cũng là một phía hạnh phúc dành cho những người sáng tạo được quần chúng mến mộ.

NGUYỄN THỤY KHA

Để lại một bình luận