Những đôi mắt của tượng nhà mồ
Lễ hội văn hóa dân gian Kon Tum từ ngày 18-22/3 có phần thi tạc tượng. Nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên kéo về nhà rông Kon Klor TP.Kon Tum thi thố.
Gỗ to hơn một vòng ôm, được cắt khúc cao chừng 1,5m. Theo sách vở ghi chép lại, dụng cụ tạc tượng của đồng bào Tây Nguyên chỉ có rìu và rựa, gỗ thì cứng như đá, ngó qua, nghĩ kiểu này chắc làm cả tuần không xong. Trật. Cưa máy ầm ĩ. Hội thi như xưởng gỗ với máy nổ inh tai và khói.
Ca Huế sinh ra từ những khoang thuyền trên sông Hương nhưng đưa lên sân khấu; cồng chiêng vốn gắn liền với nơi cư ngụ là buôn làng nhưng đưa về thành phố; cho nên không lạ là tượng nhà mồ, vốn dựng ở nhà mồ, cũng được đưa ra chỗ vui chơi mà tạc. Anh Y Thiên (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk), vẫn điệu cười ít khi thành tiếng của đồng bào miền núi, quệt mồ hôi: “Tự học thôi, làm cái này khó lắm, một cái tượng làm mấy ngày không xong. Nhưng ở đây là thi, ba ngày phải xong, mình chọn cái dễ, đây, tượng phụ nữ lên rẫy, cõng cái gùi có hai trái bí”. “Làm tượng nhà mồ cho người ta thì phải biết người chết lúc còn sống họ ưng chi, ghét chi, rồi người sống nghĩ chi về người chết, vậy mới tạc chứ”. “Ừ thì đúng, nhưng mình đi thi mà”. “Cho vui à ?”. “Ừ, cho vui”.
Cho vui. Làm chi cũng cho vui. Sách vở viết về tượng nhà mồ, từ lúc chết đến khi làm lễ Pơ thi (bỏ mả), người sống và người chết liên hệ với nhau bằng tượng, là nhịp nối tâm linh, là bàn tay giao đãi yêu thương thân ái như đang còn sống, và vì thế, mỗi bức tượng là một giấc mơ có thực.
Nhớ một lần đi vào rừng ma của người Ê đê, rùng mình vì sợ, một nỗi sợ vừa thực vừa siêu thực vì nhìn những bức tượng bắt đầu dãi dầu mưa nắng, nhưng từ đôi mắt, ôi đôi mắt, như giọt mưa chiều rơi trên lá cây rừng nham nhở cháy sót lại sau mùa đốt rẫy, buồn đến chảy nước mắt! Đôi mắt từ tượng như vừa nhìn mình vừa cúi xuống, như có hàng hàng lệ rơi. Thấy mình đã chết. Lại thấy mình như tượng. Thế mới biết, tượng nhà mồ không phải là thứ hàng đa cấp, lưu hành rộng rãi. “Ơ, đúng – nghệ nhân Y Jut, xã Ia Chim, TP. Kon Tum, đã 30 năm hành nghề tạc tượng, gật đầu – mình làm cả tuần mới được cái tượng đúng ý nhà người ta, nhưng khó nhất là đôi mắt, cả tuần ngồi nghĩ, rồi xin ảnh người chết coi thử mắt họ ra sao”.
Không phải ai cũng làm được. Cả làng, cả buôn, cả xã chỉ có một – hai người. Nghệ sĩ, nghệ nhân, không phải là sinh sản vô tính, hàng loạt, phổ cập. Tài, khiếu là thứ trời cho, không phải muốn là được. Mà tài, thường không đi thi, bởi thi thố nhiều lúc như trò cười. Sáng tạo là cơn đau đẻ, là xuất thần bất ý, là bùng nổ không báo trước. Đi thi, làm chi có tâm trạng. Cũng đàn ông hút tẩu, đàn bà địu gùi lên rẫy, bồng con, cũng ngồi khóc, nhưng cái đó do mình nghĩ, chứ ngoại cảnh và thần linh nào đâu, nên nghĩ đụng đến tượng nhà mồ, tượng nhà rông, nhà riêng, đến đây tụ hội đục đẽo, đã mắc cười; chấm thi càng buồn cười nữa.
Nhưng thi là phải có giải. Bao cuộc thi về tượng, về tượng đài trên đất nước này hay “phỉnh phờ” người xem lắm, giờ thấy hay, mai ngó lại, thấy lãng xẹt, bởi đố ai chỉ giúp được có tượng đài nào nhìn vào đó, cảm xúc trào dâng, dù thi thố ầm trời, tốn kém hàng trăm tỷ ! “Ơ, đúng đó – lại Y Jut cười cười – như tượng nhà mình tạc đó, mấy đứa con nhìn tượng là biết ngay mình làm cho đứa nào, vì mình hiểu nó”. Chỉ tay vào bức tượng mà Y Khoan, con trai ông, đang đẽo, hỏi: “Đây là tượng gì?”. “Đàn ông đi rẫy, có cái gùi đó”. “Rựa đâu?”. Ông cười hằng hặc: “Cái tay co lại kìa, như động tác vác rựa, thì vui mà!”.
Người tài, liệu có hết không? Không, thời nào cũng có, nhưng làm cho họ có cơ hội phát sáng thật sự, đó mới là chuyện đáng nói. Thi thố cũng là dịp để họ so tài, nhưng kiểu thi này, xem ra lạ c điệ u. Bởi không gian để tạc tượng không phải là hội thi mà là một buổi chiều, nửa đêm nào đó, bật dậy, cầm cái rìu mà vung, phát, đẽo, và thế là một sinh thể sống bừng lên trên thớ gỗ vô tri, cứ như từ trong lõi gỗ đó, là tiếng nói âm thầm chỉ dẫn, có mạch máu đông cứng chừ được khai thông.
Những tượng nhà mồ mà Tây Nguyên vùng nào cũng có, như một ký hiệu về gia tài văn hóa, một bằng chứng về nghệ sĩ tính của người Tây Nguyên. Nhưng, cảnh báo về tượng nhà mồ độc đáo không còn nhiều, bởi bị ăn cắp, rồi những nghệ nhân tài hoa lần lượt về với Giàng, gióng lên tiếng nói thiết tha lo lắng về một di sản dần biến mất.
A Ma Lim, người Ê đê ở Buôn Ma Thuột, thuyết minh về tượng mà ông đang hì hục: “Đây là tượng người mẹ địu con đi rẫy. Làm ba ngày là xong thôi, nhưng khó đẹp”. “Vì sao?”. “Thì làm sao cho ra được gương mặt người mẹ mỉm cười như bồng con, mắt mẹ tươi vui như nựng con, khó lắm”. “Vậy làm sao?”. “Thì làm cho xong mà…”. Người ta hay lặp cái câu: thổi hồn vào gỗ. Nhìn ông cười ngượng ngập như có lỗi, lại nhớ năm đó có hội văn nghệ nọ tổ chức thi thơ lục bát, tôi liều mạng hạch sách một ông, rằng đây không phải lục bát mà là vè, ông này lúc đó xỉn rồi, cũng liều mạng: “Tại thi!”.