Tiệm Cà phê mặt trời Kon Tum của chàng trai mang vết sẹo
Từ một người chưa học hết lớp 1, Hải giờ là chủ tiệm cà phê ở quê. Đó là ước mơ từ thuở bé của cậu, đồng thời là câu trả lời cho những người từng có ánh nhìn không thiện cảm về chàng trai mặt sẹo.
Một mình làm toàn bộ công việc ở quán cà phê, từ pha chế, phục vụ, thu ngân… nên một ngày của Hải thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và luôn chân luôn tay đến khi hết khách. 22h30, Hải rửa xong cốc chén, gấp gọn bàn ghế và bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.
Tiệm Cà phê mặt trời Kon Tum của chàng trai mang vết sẹo
Ngô Quý Hải (27 tuổi) ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum. Khi mới 6 tháng tuổi, trong một khoảnh khắc lơ là của người lớn, Hải bị ngã vào bếp lửa đang cháy đỏ rực, khiến cả khuôn mặt, ngực, tay cậu bé sơ sinh lúc đó bị bỏng nặng.
Hải được bố mẹ đưa đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ chạy chữa. Nhưng vết thương quá nặng khiến khuôn mặt biến dạng. Cả khuôn mặt cậu bị dính liền vào phần da cổ khiến đầu luôn chúc xuống dưới.
Hải nói: “Khi lên lớp 1, cũng giống như các bạn cùng trang lứa, tôi được bố mẹ cho đi học ở trường nhưng thường xuyên bị bạn bè trong lớp trêu chọc, xa lánh, không chơi cùng. Hồi bé chưa ý thức được chuyện gì, chỉ vì không muốn bị mọi người dò xét nên tôi xin mẹ cho nghỉ học”.
Từ thời điểm đó, Hải chỉ ở trong nhà, cậu nghiện chơi game, trong xóm chỉ có duy nhất cậu bé câm điếc bẩm sinh tên Hoàng Xiên làm bạn với Hải. Năm lên 10 tuổi, Hải và Xiên có dịp lên thị trấn, đi ngang qua một tiệm bánh ngọt, 2 đứa trẻ bị thu hút bởi những chiếc bánh kem lạ mắt. Cả hai đã bàn với nhau về việc để dành tiền để trở lại mua bánh vào ngày sinh nhật của Xiên.
Tuy nhiên lần trở lại tiệm bánh khiến cậu “chết lặng”. Bước vào tiệm bánh, ông chủ tiệm lập tức đuổi Hải ra khỏi quán và không bán bánh cho cậu. Buồn bã ra về, Hải không quên ấp ủ ước mơ sau này sẽ mở một tiệm bánh ở quê, để những đứa trẻ như mình có thể thoải mái thưởng thức những món bánh ngon mà không cần lên thành phố.
Những tưởng ước mơ ấy sẽ khó thành hiện thực, bởi Hải chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường. Tuy nhiên, phép màu đã đến với cậu, đây cũng được coi là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn con người Hải.
Năm 2016, thông qua một tổ chức từ thiện, Hải được chọn sang Đức thực hiện ca đại phẫu, khi ấy chàng trai Kon Tum 22 tuổi. Ca phẫu thuật diễn ra trong 6 tháng, tại bệnh viện Diakonie Krankenhaus (Đức), Hải được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc tận tình giúp cậu vơi bớt nỗi sợ hãi và cô đơn.
Hải quay về Việt Nam với khuôn mặt đã được tách ra khỏi phần da ngực. Nói về sự khác biệt sau chuyến đi này, cậu chia sẻ: “Đây là bước ngoặt đã thay đổi cuộc đời tôi”.
Đến năm 2017, một lần nữa cuộc đời Hải như được tiếp thêm động lực để dần biến ước mơ của mình thành hiện thực. Cậu được giới thiệu vào học ở trường KOTO (Gia Lâm, Hà Nội) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 2 năm học ở đây, Hải được dạy nghề bếp và nhiều kỹ năng sống, đây cũng là nơi cậu bắt đầu được học viết chữ. Nhận thấy bản thân có xuất phát điểm có chút kém hơn các bạn trong lớp, Hải tự ý thức phải cố gắng hơn các bạn gấp nhiều lần thì mới theo kịp. Mấy tháng trời, đêm nào chàng trai 23 tuổi cũng tập viết đến 1-2 giờ sáng.
Nhớ về khoảng thời gian đó, Hải thấy mình như được hồi sinh bởi ở đó không có những ánh mắt miệt thị hay sự xa lánh, tất cả mọi người đều gần gũi và giúp đỡ Hải. Lần đầu tiên, cậu được sống giữa nhiều người mà Hải không bị lạc lõng hay tự ti.
Sau hai năm vừa học vừa thực hành, Hải tốt nghiệp, cậu vào TPHCM làm việc cho một nhà hàng. Ngoài thời gian làm việc tại quán, Hải thường xuyên dùng tiền lương của mình để mua nguyên liệu, mượn bếp của chủ nhà hàng để làm một số món ăn gửi tặng những người vô gia cư trên đường phố.
Hơn một năm làm việc ở TPHCM, nhận thấy không phù hợp với nhịp sống ở thành phố lớn, chàng trai sinh năm 1994 quyết định về quê để thực hiện ước mơ cậu ấp ủ từ năm 10 tuổi.
Tháng 4 vừa qua, Hải vay mượn thêm, thuê địa điểm và mở một tiệm cà phê và bánh ngọt ở con phố nhỏ quê mình, cậu nói, tiệm bánh như một món quà Hải dành cho những đứa trẻ quê, nơi đón tiếp tất cả mọi người.
Hải đặt tên quán cà phê là “Sunhouse” (tiệm cà phê mặt trời) – có nghĩa là Ngôi nhà mặt trời, bất cứ ai đến đây cũng được chào đón nồng ấm, quán cà phê như là ngôi nhà của tất cả mọi người, nơi mọi người có thể gặp gỡ bạn bè, chia sẻ buồn vui, yêu thương trong cuộc sống.
Mở quán cà phê, Hải tự tin hơn khi hàng ngày được tiếp xúc với mọi người và khách hàng. Dù những ngày đầu quán mới mở, một vài khách hàng thấy Hải liền bỏ đi khiến cậu buồn. Tuy nhiên, nỗi buồn ấy không ở trong tâm trí Hải quá lâu, cậu chọn đối mặt và dần cũng quen.
Những ngày cuối tuần, Hải cùng nhóm bạn và một số vị khách quen đến quán giao lưu ca nhạc, không chỉ pha chế giỏi, làm bánh ngon, Hải còn hát rất hay, đây cũng là cách để cậu quên đi những mệt nhọc, biến cố đầu đời.
Hải tâm sự: “Cuộc đời mình có được ngày hôm nay là bởi nhận được sự yêu thương, giúp đỡ của rất nhiều người. Vì vậy, khi có thể, mình muốn làm điều gì đó để cho đi nhiều hơn, như một cách cân bằng lại những gì mình đã nhận được trong nhiều năm qua”.
Từ mong muốn đó, những ngày quán thưa khách, Hải thường cùng một số người bạn nấu trà sữa, làm bánh để gửi tặng tới Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn ở quê.
Hà Hiền | Dân Trí
Ảnh: NVCC