Đăng nhập

Tuyệt tác thác Pa Sỹ giữa đại ngàn Măng Đen

Tuyệt tác thác Pa Sỹ giữa đại ngàn Măng Đen

Thác Pa Sỹ – Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ với những dải rừng nguyên sinh chạy dài, cùng với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ và những con suối nhỏ luồn qua những kẽ đá hình thành nên dòng nước mạnh mẽ đổ xuống, càng khiến cho thác Pa Sỹ đẹp tựa như dải lụa mềm trắng xóa, tinh khôi, trữ tình, thơ mộng. Khung cảnh này đã điểm tô cho vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) giữa đại ngàn Măng Đen huyền thoại.

Tuyệt tác thác Pa Sỹ giữa đại ngàn Măng Đen
Thác Pa Sỹ – điểm đến hấp dẫn thu hút các phượt thủ khi đến Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Trên cung đường đến thác Pa Sỹ, từ thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, theo trục quốc lộ 24 về hướng Đông Nam khoảng 62km, hoặc từ thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), du khách có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô qua đoạn đường đèo Măng Đen khá hẹp và dốc để đến được thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển.

Tuyệt tác thác Pa Sỹ giữa đại ngàn Măng Đen

Theo người dân địa phương, cái tên Pa Sỹ được người Kinh đọc chệch đi từ tên gốc Pau Suh thành Pa Sỹ. Theo tiếng Mơ Nâm, Pau Suh nghĩa là 3 nguồn suối gồm: Pau Suh, Đak Ke và Đak Pne hợp lại thành một thác nước lớn gắn liền với truyền thuyết 7 hồ 3 thác của người Mơ Nâm mà trong đó, Pau Suh là ngọn thác lớn và nhất đẹp nguyên thủy từ thuở khai sơ trong 3 thác lớn nhất vùng Măng Đen thuộc huyện Kon Plông.

Vừa qua cổng khu du lịch Pa Sỹ, ấn tượng đầu tiên là khu rừng nguyên sinh huyền bí và đẹp diệu kỳ. Và mỗi bước chân trên đường xuống thác với những tam cấp uốn lượn, bao quanh vô cùng khó khăn và hiểm trở. Các bậc tam cấp đá không bằng nhau lại trơn vì rong rêu mọc nhưng lại gây cảm giác thích thú. Thấp thoáng phía xa xa, dù chưa nhìn thấy cảnh thác đổ, nhưng chỉ nghe qua âm thanh cũng khiến du khách dễ dàng liên tưởng tới sự hùng tráng của con thác Pa Sỹ và sẽ tan biến đi cái mệt vì phải di chuyển xuống 184 bậc tam cấp.

Trong làn sương sáng mai, đã có những tia nắng nhỏ xuyên qua lá rừng cùng tiếng chim đua nhau hót ríu rít gọi nhau hòa tiếng suối róc rách vang vọng từ xa trong tiết trời se lạnh, chúng tôi càng nghe rõ hơn tiếng thác đổ quyện vào trong không gian yên tĩnh. Càng đến gần, hiện dần ra trước mắt một thác nước Pa Sỹ như một nàng tiên nấp mình giữa đại ngàn Măng Đen – Kon Plông huyền thoại.

Từ trên đỉnh núi cao 40m, dòng thác ầm ầm đổ xuống trắng xóa, bắn ra những bọt nước nhỏ lăn tăn trên mái tóc, khuôn mặt của du khách, cảm giác rất mát lạnh. Con người sẽ cảm thấy thật nhỏ bé trước khung cảnh đẹp hoang dại, nguyên sơ của thiên nhiên. Những tảng đá dưới chân thác là chỗ dừng chân. Du khách có thể ngồi lại nghỉ ít phút, nhấp ngụm nước và lắng nghe vang vọng lại tiếng thác nước ầm ào đổ xuống.

Nằm trong khu du lịch sinh thái văn hóa thác Pa Sỹ có ngôi làng Kon Tu Rằng-vùng đất Pau Suh xưa kia của người dân Mơ Nâm bản địa thuộc địa bàn xã Măng Cành mà từ lâu thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây cảnh quan kỳ vĩ và tuyệt đẹp, mang âm hưởng bản sắc văn hóa độc đáo được truyền nối qua bao thế hệ người Mơ Nâm. Du khách có cơ hội hòa mình vào đời sống mộc mạc của người dân bản địa và tận mắt chiêm ngưỡng những mái nhà rông, nhà sàn và chứng kiến những cô gái Mơ Nâm mang đậm chất Tây Nguyên khoác lên mình những chiếc váy thổ cẩm xinh xắn đang ngồi bên khung dệt cần mẫn dệt bằng tay.

Đêm xuống, ở Kon Tu Rằng thật yên tĩnh, du khách đến đây còn có thể tìm hiểu về không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Mơ Nâm. Làng Kon Tu Rằng bỗng trở nên nhộn nhịp đến lạ thường bởi tiếng cồng chiêng, cùng tà vẩu dùng để thổi đệm trong các nhạc khúc hát giao duyên của nam nữ người Mơ Nâm. Nếu không có tiếng chiêng và tà vẩu thì xem như mất đi một nửa phần hồn được cất lên từ nếp nhà sàn xinh xắn đã làm nên những nét độc của tộc người ở đây.

Ngồi cùng nhau mà không thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất núi rừng như: Cơm lam, gà rừng nướng, cà đắng, măng rừng chua, heo quay Măng Đen, đến rượu cần, rượu vang sim rừng, rượu chuối hột rừng Măng Đen, thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen… ngon đến lạ thường, đậm đà mùi vị khác lạ của người dân Mơ Nâm bản địa, thì không thể cảm hết được văn hóa của núi rừng Măng Đen.

Kon Plông – miền đất đầy nắng gió nhưng lại hội tụ của những vẻ đẹp tinh khôi của một Măng Đen còn hoang sơ. Trên những cung đường đều bắt gặp nụ cười hồn nhiên trong trẻo của những đứa trẻ vừa mới theo mẹ từ trên rẫy về cùng những người đàn ông Mơ Nâm miệt mài ngồi đan lát, với những cảm xúc ngất ngây trong men rượu cần cùng hòa nhịp theo điệu xoang của những chàng trai, cô gái Mơ Nâm trong lễ mừng lúa mới.

Nguyễn Văn Sơn

Để lại một bình luận