Đăng nhập

Bóng cây Kơ nia với đất và người Kon Tum

Sự ra đời của “Bóng cây Kơ nia” gắn liền với mảnh đất Kon Tum, bởi nó được sáng tạo ngay tại Tê Xăng (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Vì thế, nói đến Kon Tum thì phải nói đến “Bóng cây Kơ nia” và ngược lại…

Báo Kon Tum mới đây có đăng bài viết Chuyện về người viết “Bóng cây Kơ nia” của tác giả Tạ Văn Sỹ. Bài viết phản ánh khá sâu sắc về nhà thơ Ngọc Anh- tác giả bài thơ “Bóng cây Kơ nia” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc cùng tên rất nổi tiếng từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng cho đến ngày nay.

Ca khúc “Bóng cây Kơ nia” đã được đông đảo các lứa tuổi ở mọi miền đều yêu thích và như trong bài viết của Tạ Văn Sỹ đã đề cập, người hát hay nhất bài này là ca sĩ Măng Thị Hội người dân tộc Ba Na Chăm quê ở Bình Định, sau được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1973, Măng Thị Hội thi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) đã chọn ca khúc “Bóng cây Kơ nia” làm bài thi, và Măng Thị Hội đã giành điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm ấy. Khi Trường Âm nhạc tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên, lúc Măng Thị Hội hát “Bóng cây Kơ nia”, sân vận động Thái Nguyên như vỡ òa bởi những tràng pháo tay của khán giả. Sau Măng Thị Hội, ca sĩ Vân Khánh được cho là người hát “Bóng cây Kơ nia” rất hay và truyền cảm, được nhiều người yêu thích. Sau này có rất nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này ở nhiều sân khấu chuyên nghiệp qui mô lớn trong cả nước và gặt hái nhiều thành công vang dội, như ca sĩ Phương Nga với “Bóng cây Kơ nia” đã giành giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình Sao Mai năm 2011…v.v…

konia

Ca khúc hay đến vậy, nhưng có lẽ cái hồn của ca khúc nằm ở lời thơ “Bóng cây Kơ nia” thấm đẫm tình cảm, hiện thực và sức sống mãnh liệt của Tây Nguyên bất khuất gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhà thơ Ngọc Anh ở Kon Tum, được nhà thơ khắc họa hết sức tài tình và đầy ý nghĩa qua từng khổ thơ mà theo nhà văn Nguyên Ngọc thì: “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên, Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu”. Không chỉ gắn liền, mà là những năm tháng lăn lộn ăn ở cùng núi rừng và bà con đồng bào nơi đây, Kon Tum đã là máu thịt của nhà thơ Ngọc Anh như trong bài viết của Tạ Văn Sỹ đã đề cập. Bài thơ “Bóng cây Kơ nia” có lẽ là hay nhất của Ngọc Anh trong quãng đời sáng tác của mình: “… Đọc thơ Ngọc Anh, hầu như bài thơ nào ông cũng đều ghi là phỏng dịch, bài thì theo dân ca Êđê, bài theo Bana, bài theo Xêđăng… Có nhiều lý do để những nhà nghiên cứu văn học truy tìm nguồn gốc, nhưng theo nhà văn Nguyên Ngọc, bạn của nhà thơ Ngọc Anh từ những năm tháng làm báo, làm phóng viên mặt trận ở chiến trường Tây Nguyên suốt thời kháng chiến chống Pháp, thì: “Chính tôi, mãi về sau mới biết, chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. Bóng cây Kơ-nia là hay nhất” – Nguyên Ngọc, Tản mạn Nhớ và quên. NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Tr38 – (trích bài viết “Tâm tình với Bóng cây Kơ nia” đăng trên Thanh niên online ngày 24/7/2011 của Nguyễn Nhã Tiên).

“Bóng cây Kơ nia” là bài thơ hay như thế để ca khúc cũng hay đến vậy. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, sự ra đời của “Bóng cây Kơ nia” gắn liền với mảnh đất Kon Tum, bởi nó được sáng tạo ngay tại Tê Xăng (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Vì thế, nói đến Kon Tum thì phải nói đến “Bóng cây Kơ nia” và ngược lại. Ở bất cứ vùng miền nào trong cả nước, cứ mỗi khi nghe “Bóng cây Kơ nia” vang lên là người ta lại nhớ ngay về Tây Nguyên hùng vĩ, về Kon Tum kiên cường. “Bóng cây Kơ nia” là niềm tự hào của các dân tộc Kon Tum từ những năm tháng chiến đấu oanh liệt giữ làng, giữ nước cho đến hôm nay và cả mai sau. “Bóng cây Kơ nia” trở thành biểu tượng của sự mộc mạc, chân thành, nghĩa tình, thủy chung về tấm lòng, tình cảm và ý chí kiên cường của đất và người Kon Tum.

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là, trong thời gian gần đây nhiều người ở Kon Tum lại có phần như quên lãng, trong rất nhiều chương trình nghệ thuật của nhiều đơn vị trong tỉnh khi giới thiệu, ngợi ca về quê hương Kon Tum nhưng lại… không có “Bóng cây Kơ nia”, kể cả những đơn vị chuyên nghiệp, những đơn vị có chức năng gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc Kon Tum. Họ hay sử dụng các ca khúc như “Người lái đò trên sông Pô Cô”, hoặc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… để làm chủ đề chính cho chương trình nghệ thuật về Kon Tum. Những ca khúc này đều rất hay và nổi tiếng giống như “Bóng cây Kơ nia”, nhưng lại không phải là những sáng tác về những sự kiện diễn ra trên mảnh đất Kon Tum.

Trước đây, đã có một thời cứ tưởng nhầm ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô” là bài hát về sông Pô Cô ở Kon Tum, hay “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” là viết về chiếc xe tăng 377 anh hùng trong chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh ở huyện Đăk Tô hiện nay. Đều không phải vậy, bởi từ năm 1992, chúng tôi đã tìm hiểu chính xác về bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong, mới biết nhạc sĩ Cầm Phong chưa hề đặt chân đến chiến trường Tây Nguyên, đây là bài hát được ông phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ, nhà báo nữ Mai Trang sáng tác từ nguyên mẫu có thật là ông Puih San, người chèo thuyền cho bộ đội qua đoạn sông Pô Cô ở huyện Ia Grai thuộc tỉnh Gia Lai trong những năm 1965 – 1970 (những người giao liên lúc ấy đều có mật danh là A Xanh). Ông Puih San quê ở làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998.

Còn về ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, cũng vào năm 1992, khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/1992), để làm một tập tài liệu thật đầy đủ phục vụ công tác tuyên truyền, chúng tôi đã nhờ một số anh em văn nghệ sĩ quân đội ở Trung ương liên hệ giúp với nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” để bổ sung tư liệu tuyên truyền (sau đó nhạc sĩ Doãn Nho đã vào thăm huyện Đăk Tô trong dịp ấy), và từ đây chúng tôi mới được biết bài hát nổi tiếng này không phải là một sáng tác trực tiếp về những chiếc xe tăng tham gia chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh, mà đây là bài hát được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc từ bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh, sáng tác năm 1971 tại chiến dịch nổi tiếng Đường 9 – Nam Lào khi ông đi thực tế chiến trường. Bài thơ này được in trong tập sáng tác của Binh chủng Tăng thiết giáp khi ấy, vì đã có 2 bài đăng lấy tên Hữu Thỉnh nên bài này để bút danh là Vũ Hữu. Tên Hữu Thỉnh ở phần lời bài hát chỉ được ghi rõ từ sau này, khi nhà thơ đã thành danh. Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, Hữu Thỉnh đã lấy cảm hứng sáng tác bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” từ những chiếc xe tăng T34 trong đội hình 88 chiếc xe tăng bao gồm cả loại T34, T54 và PT76 của 3 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp Quân giải phóng tham gia chiến dịch khi ấy, và xe tăng T34 có kíp xe gồm 5 người, còn xe tăng T54 mang số hiệu 377 ở Đăk Tô chỉ có 4 người.

Cần phải để những tác phẩm nghệ thuật phản ánh về những sự kiện lịch sử đúng với nguồn gốc, bản chất sự kiện khi nó xảy ra, tránh những sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Bởi thế, “Bóng cây Kơ nia” thực sự là bài hát nổi tiếng về chính con người, cỏ cây, rừng núi và đất trời Kon Tum. Như trong bài viết của Tạ Văn Sỹ đã nêu, rất nhiều lứa tuổi người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông, ở Đăk Tô yêu thích “Bóng cây Kơ nia” và họ hát hàng ngày cho đến hôm nay, ở Đăk Tô có một nghệ nhân – nguyên là cán bộ Hội phụ nữ huyện đã nghỉ hưu, người Xê Đăng – tên là Y Sinh nổi tiếng là hát “Bóng cây Kơ nia” rất hay và truyền cảm, với “Bóng cây Kơ nia” Y Sinh đã tham gia rất nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh được người nghe hoan nghênh nhiệt liệt, ngành Văn hóa trước đây đã nhiều lần mời Y Sinh tham gia các chương trình lớn ở khu vực và toàn quốc để thể hiện “Bóng cây Kơ nia” và cây đàn Klong put đặc trưng của người Xê Đăng Kon Tum. Và không chỉ thế, hình tượng cây Kơ nia ở Kon Tum còn gắn liền với đời sống tâm linh, với sản xuất và sinh hoạt của người dân bản địa hết sức sâu sắc: “…Trên những cánh rừng mênh mông tưởng như vô tận ở Tây Nguyên thiếu gì những loài cây quý. Hương, trắc, cẩm lai… cho đến cả cái Rừng Xà Nu như Nguyên Ngọc đã viết kia chứ, cái loài cây tạp nhạp Kơ-nia có là gì, lẻ tẻ trên nương rẫy mấy ai biết đến tên tuổi. Thế nhưng, có lạ lùng không, có kỳ diệu không, nhà thơ lại chọn cây Kơ-nia, biến cái cây tạp nhạp chả tên tuổi gì trong hàng gỗ quý danh mộc, giờ đây đẹp như một huyền thoại. Nhà thơ ấy là Ngọc Anh. Thì ra những năm tháng làm báo ở mặt trận, lăn lộn trên vùng đất Tây Nguyên, ông đã rất tinh tế hiểu ra nết đất nết người, thông thuộc đến từng tình cảm… cỏ cây. Ở Tây Nguyên, cây Kơ-nia có ý nghĩa tâm linh trong đời sống của các dân tộc. Họ xem nơi nào có cây Kơ-nia tỏa bóng là nơi đó có thần linh, có linh hồn người đã mất về dưới bóng Kơ-nia trú ngụ. Trên nương rẫy, người dân tộc thường giữ lại cây Kơ-nia làm bóng che mát, nghỉ ngơi, tâm tình. Hóa ra Bóng ngả che ngực em. Về nhớ anh, không ngủ, hay là Bóng tròn che lưng mẹ. Về nhớ anh mẹ khóc… là những tình cảm rất thực. Bao nhiêu tình yêu đã được khai sinh dưới bóng cây Kơ-nia như thế, cả những cuộc tiễn đưa và bao lời hẹn hò sâu nặng. Và, đương nhiên rồi, Bóng cây Kơ-nia hay Những đồi hoa sim, thậm chí như Chiếc lá diêu bông không thực nữa. Tất cả, nghĩa là nơi nào tình yêu lên xanh thì nơi đó luôn lung linh những huyền thoại Như bóng cây Kơ-nia, như gió cây Kơ-nia…” (trích bài viết “Tâm tình với Bóng cây Kơ nia” đăng trên Báo Thanh niên ngày 24/7/2011 của Nguyễn Nhã Tiên).

Vì vậy, cần phải đặt “Bóng cây Kơ nia” cùng với Ngọc Anh, với Phan Huỳnh Điểu- lời thơ, bài hát đi cùng năm tháng – ở một vị trí xứng tầm trong dòng chảy văn hóa và kho tàng văn nghệ truyền thống của Kon Tum, để thực sự: “..mẹ hỏi cây Kơ nia. Rễ mày uống nước đâu…Con giun sống nhớ đất. Chim phí sống nhớ rừng. Em và mẹ nhớ anh…”

Trần Vĩnh

Trả lời