Đăng nhập

Chăm sóc người dưng

Chăm sóc người dưng

Bất chấp khó khăn, đại úy Trịnh Văn Trường, 42 tuổi, công tác tại ban hậu cần trung đoàn 66, sư đoàn 10 (Kon Tum), vẫn chu đáo dành trọn tình yêu thương, hiếu thảo của mình cho cụ bà Bùi Thị Tôn (97 tuổi, ngụ thôn 5, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) như chính mẹ ruột của mình

702121
Anh Trường tận tụy chăm sóc bà Bùi Thị Tôn

Mặc dù gia đình anh Trường đang sinh sống ở P.Duy Tân, TP Kon Tum nhưng khi chúng tôi đến thôn 5, xã Đoàn Kết hỏi đến anh thì ai cũng biết. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (58 tuổi) tấm tắc khen ngợi: “Ai chứ chú Trường thì ở đây lạ lẫm gì, trên đời này dễ gì gặp được một người như chú, nhìn cách chú phụng dưỡng bà Tôn tôi thấy cứ như trong phim vậy”.

Tuổi già như ngọn đèn trước gió, nhiều lần người dân nơi đây tưởng rằng bà Tôn không trụ nổi với sự sống, nhưng nhờ sự săn sóc kỹ lưỡng của anh Trường, bà Tôn bao lần vượt qua bạo bệnh. Chính vì thế người dân thôn 5 gọi anh Trường là “vị cứu tinh” của bà Tôn.

Một người miền Bắc, một người miền Trung, không họ hàng thân thích, gặp gỡ nhau bằng cơ duyên nhưng họ lại đối xử với nhau hơn người thân ruột thịt trong gia đình. Khi chúng tôi hỏi về cơ duyên gặp gỡ, anh Trường cười vui vẻ: “Chắc là do trời định!”.

Quê ở Bình Định, bà Tôn nhập cư và sinh sống tại Kon Tum từ trước năm 1975, chồng mất trong chiến tranh, không con cái, không người thân, điểm tựa duy nhất của bà là những người hàng xóm. Khi sư đoàn 10 tổ chức tăng gia tại xã Ia Chim, hằng ngày bà Tôn đi hơn 5km vào thăm, giúp các chú bộ đội, ở đó bà đã gặp, quen biết nhiều chiến sĩ, trong đó có anh Trường.

“Quê tôi ở Hà Nam, sớm phải sống xa gia đình, khi nhận được sự yêu thương của bà thật sự tôi rất cảm động. Rồi thương bà cô đơn, vất vả, cứ thế tình cảm tôi dành cho bà cũng sâu nặng dần” – anh Trường tâm sự. Như có một sợi dây vô hình từ hai người xa lạ, giờ đây bà Tôn và anh Trường đã yêu thương và gắn nghĩa với nhau như hai mẹ con. Rồi không ai bảo ai, hằng tuần anh Trường lại vào thăm và phụng dưỡng bà Tôn như đấng sinh thành của mình.

Năm 2012, bà Tôn bị ngã nứt xương chậu phải nằm viện hai tháng, lúc đó anh Trường gạt bỏ tất cả công việc, gia đình sang một bên, ngày đêm túc trực bên cạnh bà. “Chú lo chu đáo lắm! Từ cơm nước, tắm rửa, giặt giũ, làm vệ sinh cá nhân cho bà, con ruột có khi còn không lo cho cha mẹ mình được như chú” – cô Đặng Thị Lý (55 tuổi), hàng xóm nhà bà Tôn, cho biết.

Hàng xóm nói về anh Trường bằng sự kính trọng. Không một đòi hỏi, không một lời kêu ca phàn nàn, anh cho đó chỉ là một việc làm rất nhỏ, là bổn phận mà anh phải đem lại cho bà Tôn. Nhưng đối với chúng tôi, anh là một tấm gương sáng về tình người rất đáng trân trọng.

H.TIẾN – T.NGUYÊN | Báo Tuổi Trẻ

Trả lời