Đăng nhập

Chén le

Chén le

Rời thành phố Kon Tum, phóng xe máy hơn 40 cây số theo Quốc lộ 24, đến quãng gần huyện lỵ Kon Braih thì bỏ đường nhựa, rẽ tay phải, qua một chiếc cầu treo đánh võng, chạy chừng 20 phút nữa, quay nhìn lại, bỗng sửng sốt: đã bị vây giữa bốn bề núi non, trừ cái cửa mở bé tí là chiếc cầu mảnh như một sợi chỉ vừa bỏ lại phía sau.

Thì trên miền Bắc Tây Nguyên này vẫn vậy, thoát khỏi phố, lập tức núi vây. Cảm nhận đầu tiên: đã lọt vào một thế giới hay một vũ trụ khác. Xanh biếc. Trong lành. Hai buồng phổi bỗng nở nhẹ như hai cánh hoa, mát rượi từng phế nang, chầm chậm lan tận đáy mỗi tế bào. Gió rừng! Chúng tôi đi tìm rừng. Và những người còn ở lại với rừng. Những người cuối cùng. Trong rừng. Rừng xưa của tôi…
Vâng, vùng này còn một ít rừng, một rẻo mỏng từ Nam Kon Braih của Kon Tum kéo sang dãy Kong Ka King thuộc huyện Kbang của Gia Lai. Một ít rừng, hơi lạ đấy, mà những con mắt thèm gỗ bỏ quên, mấy năm trước đây tôi từng ngây ngô nghĩ vậy và bỏ bụng mừng thầm. Mừng hụt thôi vì người ta chẳng quên đâu. Quên sao được, rừng ngon mắt thế kia, chỉ nhìn đã mát rượi (hay cháy bỏng) tâm can. Người ta không quên, chỉ chờ cơ hội.

Mua-tung-tung-da-da-5a5df
Ảnh: HỒ XUÂN BỔN

Và rất đúng quy luật, cơ hội ấy tất tới, đã tới. Cách đây mấy năm, từ trên ban xuống một quyết định “cho phép chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su”. Có lý quá đi chứ. Rất hay ho nữa. Rừng nghèo kiệt tức là rừng đã tận cùng xơ xác, tuyệt đường tái sinh, bỏ trơ ra đấy đất chẳng mấy chốc sẽ xói mòn hết, chai cứng lại, rắn hơn đá, đất chết. Chi bằng cho trồng cao su, lợi nhiều bề.

Vẫn biết còn nhiều ý kiến không thể coi cao su là rừng, cao su không thay thế được rừng. Song không rừng già thì ít ra cũng là rừng thưa, không giữ được nước như rừng già thì cũng gọi là tăng độ che phủ đôi chút. Bảo cao su là loại cây làm xấu đất nhưng còn hơn để đất chết. Mà lại tạo công ăn việc làm, giải quyết được đời sống cho bà con. Hay quá đi chớ. Duy có một điều, nhỏ thôi: Cái quyết định rất hay ấy, vô tình hay chẳng vô tình, quên rằng ở trên này người ta vẫn hăm hăm chờ có chừng đó. Người ta giả vờ sót đi một chữ, nhỏ thôi, “nghèo kiệt” nhẹ nhàng bớt thành “nghèo”, “rừng nghèo”. Lập tức rừng già, rừng giàu, rừng đại ngàn, rừng ngàn năm không dấu chân người, rừng nghìn nghịt xanh, ngút ngát thâm u…, thoắt cái, chỉ trong một đêm, biến thành rừng nghèo. Hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn hecta. Hối hả, hộc tốc, rừng nào cũng tự nguyện chen chúc vào danh sách rừng nghèo. Rừng nghèo thì đốn đi. Có lệnh rồi. Trồng cao su. Tất nhiên phải hạ gỗ trước, cao su nói sau. Tận thu cho hết gỗ chứ. Phí của trời sao.Một trận vét gỗ vô tiền khoáng hậu. Công khai, hợp pháp, hùng hổ. Tất cả các phương tiện tàn phá từ thô sơ đến hiện đại đều được huy động, rìu rựa, cưa tay, cưa máy, xe ủi, xe reo… Cây to bắc giàn giáo lên mà đánh gục. Cây nhỏ xe ủi húc rạp… Người ra quyết định cũng khá chu đáo, phân cấp chi li: bao nhiêu hecta thì phải trung ương ký phép; dưới bao nhiêu hecta thì tỉnh, huyện mới có quyền. Nhưng cuộc sống vốn rất thông minh: dễ òm à, nó, tức là cái cuộc sống thông minh ấy, nó lặng lẽ chia nhỏ các dự án ra, để cho cấp thấp nhất cũng thừa quyền. Tích tiểu thành đại, một trăm dự án nhỏ thành một dự án khổng lồ. Đố anh rừng nào thoát. Một chiến dịch phá rừng… hùng vĩ. Một chiến dịch trồng cao su hùng vĩ. Một đợt triệt hạ rừng hả hê nhất trong bao nhiêu đợt liên tục, đủ kiểu, suốt mấy mươi năm sau chiến tranh trên nóc nhà xanh sinh tử này của Đông Dương. Những mảnh rừng cuối cùng của Tây Nguyên. Cuối cùng…

… Gần chục năm nay, năm nào tôi cũng trở lại đây. Năm nào tôi cũng trở về với nó, vùng rừng xưa của tôi mà tôi ngu dốt hy vọng người ta đã bỏ quên. Hóa ra cũng không dễ ngu dốt mãi được, chẳng dễ nhắm tịt mắt lại mà ngoan cố mơ mòng mãi. Mỗi chuyến trở, về tôi lại bị cao su đuổi dồn sát đít, hơi cao su phả ngày càng nóng hổi vào gáy. Cho đến lần này, năm nay, thì nó, cao su ấy, sát thủ của rừng già Tây Nguyên, đã áp sát tới bên kia cây cầu mong manh tôi vừa đi qua. Dấn thêm một bước nhỏ nữa là sẽ vượt qua cái cầu sợi chỉ ấy, dễ ợt. Là xong, rẻo rừng cuối cùng. Rẻo rừng thân thuộc của tôi từ hơn nửa thế kỷ trước…

…Mùa xuân năm ấy, 1954, phối hợp với Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi từ đồng bằng Quảng Ngãi băng lên, tấn công dãy tiền đồn Mang Đen – Kon Braih – Mang Bút án ngữ thành phố Kon Tum trên hệ thống phòng ngự kiên cố của địch ở Bắc Tây Nguyên. Trận đánh lớn nhất của quân ta ở chiến trường Nam Trung Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chín năm. Đánh xong, được lệnh từ Kon Braih trên đường 24, theo cạnh huyền của một tam giác mà chúng tôi chỉ mới mò mẫm lần ra trên bản đồ, hỏa tốc cắt rừng xuyên thẳng sang đường 14, hướng tới một điểm hiểm yếu tên là Ngã ba Tà Huỳnh, chặn diệt quân Pháp từ Kon Tum tháo chạy về Pleiku. Vứt hết ba lô, mỗi người độc một khẩu súng, một băng đạn đầy quấn chặt lưng, băng rừng mịt mùng chưa hề quen biết, suốt một ngày và một đêm. Xé rừng mà đi. Rừng đại ngàn hàng nghìn hay hàng vạn năm, hẳn từ nguyên thủy chưa từng in dấu chân người. San sát cổ thụ trăm năm, những vị lão trượng khổng lồ của rừng xanh, nghiêm trang và trầm tư ngắm đoàn quân hối hả đi qua. Giữa ban ngày mà tối om bởi trên đầu không phải ba hay bốn mà đến năm bảy, đến hàng chục tầng lá dày kín bưng. Dưới đất chằng chịt dây leo đủ loại không tên và gai mây rậm rịt níu chân, phải dùng dao lớn mà chặt mà phang mà bửa mà cào mới lần tiến lên được từng bước. Hết rừng rậm thì đến rừng le, mênh mông và dày kín, một bức trường thành chừng bất tận, xanh nghịt và lùng nhùng đàn hồi. Loại le đặc biệt của rừng Bắc Tây Nguyên, cao vút, thẳng băng, thân mượt và xanh óng, lóng dài đến mét rưỡi hay hai mét, cây tươi mềm mà chắc, cây khô thì hàng triệu hàng triệu cây đổ vào nhau ngổn ngang chằng chịt, nứt đôi ra thành vô số lưỡi kiếm sắc lẹm, chém vào tay vào chân vào ngực vào lưng vào mắt vào mũi bê bết máu không kịp lau. Đạp liều lên triệu triệu cây le mà đi… Chúng tôi đã ra đến cách mặt đường 14 đâu chỉ còn khoảng non cây số. Đã nghe tiếng xe địch cuống quýt rút chạy trên quốc lộ ngoài kia. Thì vấp rừng le ấy. Và đánh vật với nó, cho đến tảng sáng vẫn không thoát ra nổi. Không đến kịp cái Ngã ba Tà Huỳnh nơi chúng tôi sẵn sàng một trận huyết chiến. Chỉ duy nhất tổ trinh sát ba người ba khẩu tiểu liên lao được ra mặt đường, vừa kịp nổ một loạt vào chiếc xe jeep cuối cùng của đoàn quân Pháp hơn hai trăm xe tháo chạy. Không trúng phát nào nhưng bọn lính hoảng hốt húc xe vào bụi, bỏ chạy bộ. Chúng tôi thu chiếc xe còn nguyên… Và bị kỷ luật vì đã để sẩy toàn bộ quân địch rút từ Kon Tum về Pleiku. Một trận đánh hụt tiếc… Còn bây giờ, sau mấy mươi năm, sót lại một rẻo này đây. Cuối cùng.

Trong rẻo rừng cuối cùng còn sót ấy, tôi có những người bạn, mỗi năm tôi về lại vơi dần đi, tới nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, phân tán thành mấy xóm rải rác và thường xuyên di chuyển, men theo một vành mép núi hình bán nguyệt. Đứng ở đấy có thể nhìn thấy con đường nhựa 24 ngoài kia và thật tinh mắt có thể thấy cả cao su, như những đợt sóng thần sau cơn động đất lừ lừ tràn tới ngày mỗi sát chiếc cầu sợi chỉ ngăn cách cuối cùng. Chỉ có chừng đó con người mà rải thành khi hai khi ba xóm, mỗi xóm nhiều nhất hai nhà, còn thì độc một. Cũng lạ, nhỏ xíu và luôn di động, bấp bênh vậy mà không hề là chòi rẫy. Người ta cất nhà sàn, chăm chút. Nghèo, tất nhiên, nhưng tươm tất, thậm chí rườm rà, cứ như họ định ăn đời ở kiếp tại đây, cứ như rừng này sẽ mãi mãi còn là của họ, mãi mãi còn là đại ngàn của Giàng, của thần linh vạn thuở giao cho làng, như hơn nửa thế kỷ trước chúng tôi từng gặp trong cái đêm đánh hụt lịch sử ấy.

Ở nước mình bây giờ, từng người lặn trong rừng sâu nhất đều có hộ khẩu rõ ràng. Vậy những người ở đây, như bạn tôi Bok Tơ tôi mới lên thăm năm ngoái, như bạn tôi Bok Phớt tôi định lên thăm chuyến này và vài ba người nữa, cũng là bạn tôi, những người cố bám rừng, họ thuộc ô nào trong danh sách hộ khẩu nghiêm nhặt ấy?… Làng của họ vẫn còn, vẫn còn đúng cái tên ấy, Kon Braih Yu, nhưng đã chuyển ra ngoài kia, sát lộ nhựa. Ở đấy, một làng mới đã mọc lên, nhà đất cả, chỉ một nhà sàn duy nhất, là nhà ông già làng. Già làng bây giờ là một cán bộ nhà nước, từng mấy năm đi bộ đội rồi về làm cán bộ nhà nước, bây giờ hưu và trên bố trí vào vai già làng. Ông cất nhà sàn để giữ bản sắc dân tộc theo chủ trương văn hóa của nhà nước. Cạnh đấy còn có một cái nhà rông, dân ít tới, thỉnh thoảng cán bộ đến họp hành. Bàn chuyện đưa cho kỳ hết dân còn sót trong ra để cao su vào cũng là ở đấy. Ông già làng chấp hành tích cực chủ trương này…

Còn các bạn tôi trong ấy, trong rừng, họ vẫn có mặt trong danh sách hộ khẩu làng mới đấy: bằng cách cho mấy đứa con nhỏ về làng mới ở nhờ nhà bà con đi học. Còn họ thì vẫn nán lại trong rừng, cùng một hai đứa con đủ lớn, có sức lao động, làm rẫy cùng cha mẹ. Vậy đó, một thế nửa hợp pháp và chắc cũng chỉ một nửa có ý thức. Hơi nóng cao su tràn áp tới ngày càng hôi hổi và họ biết chứ, nó rất mạnh. Nhưng hơi thở của rừng lại nồng nàn kiểu khác. Nó ở trong máu. Nó níu trong ruột, trong ngực, lúc trầm lúc nhói, đêm đêm trong giấc ngủ trằn trọc.

Và còn cái này nữa: ông già làng cũng có tham gia làm du lịch. Là một mắt xích không ồn ào nhưng thiết yếu của các tour kinh doanh đưa khách tò mò vào rừng. Mà còn rừng thì người ta mới vào chứ. Nhất là khách Tây. Cho nên chính ông già làng ấy cũng muốn còn có họ, những người bạn tôi, ở trong rừng, càng lơ thơ càng hấp dẫn, đượm mùi hoang dã, nửa thật nửa giả… Nghĩa là chính ông già làng cán bộ nhà nước về hưu cũng ở một thế nước đôi. Ông ở về phía cao su nhưng cao su toàn thắng, rừng toàn bại thì các tour du lịch mà ông có dây phần làm sao còn?

Thế đấy, những người bạn tôi trên ấy, họ dựa vào tất cả những uẩn khúc của giao thời ấy mà nán lại với rừng, được ngày nào hay ngày ấy. Bấp bênh biết bao. Khéo họ còn giàu ảo vọng hơn cả tôi…

Bok Phớt ngồi chờ tôi trên hiên nhà, đầu cầu thang, gần chỗ cái chuồng gà đan rất khéo – tôi muốn chụp ảnh quá, như một tác phẩm mỹ thuật. Cạnh đó là chiếc cối bác gái vẫn giã lúa mỗi sáng, sảy tấm cho đàn gà con vừa xuống chuồng líu ríu như một lũ trẻ con. Bây giờ nắng đã ngả vàng sườn núi bên kia, cối đang nghỉ, dốc ngược, chiếc chày gác hờ hững. Trên chiếc chày ấy, tôi đã ngắm mãi từ lần trước, ai đó đã khắc mấy hình hoa văn cứ như cẩu thả mà tài hoa, của một anh chàng say chợt đùa chăng?…
– Lần ni anh đi chậm quá đấy, già rồi mà, may bữa ni trời râm – Giọng Bok Phớt hơi buồn – Thôi, lên nhà đi, mình chuẩn bị thuốc cho anh rồi đây…

Bok Phớt đứng dậy bước vào nhà, đưa tay dắt tôi bước theo. Tôi nhớ lần nào cũng vậy, ông già này có lối bày tỏ tình thân riêng của mình.

– Ngồi xuống đây đã, làm cái này cho đỡ đau chân đau lưng…

Một chiếc chiếu đã được trải lên sàn, một can rượu nhỏ đã bày sẵn. Bok với tay lấy ra từ chiếc gùi bên cạnh một cái túi vải nhỏ, chậm rãi tháo dây túi, đổ ra trên chiếu sáu cái chén hột mít, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một ít, cao bằng ba đốt ngón tay. Không phải thủy tinh, không phải chén sứ, cũng không phải chén đất.Sáu chiếc chén uống rượu nhỏ, tiện bằng thân cây le, đã khô mà vẫn còn phơn phớt màu xanh. Ôi, ông bạn già thân thiết của tôi. Cám ơn xiết bao. Sao ông tài tình thế. Cho tôi bất ngờ gặp lại những người bạn cố tri. Những cây le tôi đã biết đã quen từ hơn nửa thế kỷ trước, trong cái đêm rừng không thể quên. Tôi run run cầm lên mân mê ngắm chiếc chén. Quá tuyệt. Chiếc nào cũng khắc hoa văn, đơn sơ mà tuyệt tác và tài hoa (có phải đã tuyệt tác thật thì bao giờ cũng đơn sơ?): chỉ mấy nét, uốn lượn hay đan chéo, mấy chấm nhỏ đậm nhạt rải ra đấy tựa vô tình, tạo cảm giác rất lạ, vừa hờ hững vừa súc tích, chẳng lẽ ông già ở giữa rừng sâu này lại biết haiku Nhật Bản? Ông đã chuẩn bị cho tôi một cuộc rượu nhỏ thật đẹp. Và thật sang. Như người Tây Nguyên, tôi biết, bao giờ cũng sang.

Bên ngoài, chiều đã xuống sâu. Trong này, bếp lửa được thổi to lên. Chúng tôi uống rượu trong những chiếc chén le quý giá và sang trọng ấy. Cái sang của người ở rừng, chỉ người ở rừng mới có được. Ở lại với rừng gần như bất hợp pháp thế này mà vẫn chơi sang với rượu uống trong chén le từng chiếc được tẩn mẩn chuốt, tiện và chạm hoa văn tinh tế, mỗi chiếc là một tác phẩm nghệ thuật. Rượu cũng sang, ngâm hột chuối rừng, đắng và đậm, mà đằm, cái đằm thâm trầm sang trọng của rừng… Vậy đấy, ở đây tất cả đều sang. Cả tình bạn rất sang của ông già rừng, đãi tôi bằng rượu rừng sang, trong chén le sang. Chưa phải giàu, không phải giàu, mà sang. Giàu cũng được, càng tốt chứ sao. Nhưng sang quan trọng hơn. Giàu mà không sang thì nghĩa gì, để làm gì? Đẹp và sang. Cái đẹp mộc mạc và giản dị đến cực sang. Hay ông già rừng này, Bok Phớt bạn tôi, có ý thức hay không hoàn toàn ý thức, đang định lấy cái đẹp để ứng phó, hay đối diện với thô lỗ hiện đại của cao su. Cuộc chiến cảm động biết bao, mà tuyệt vọng biết bao.

Có ai đó, rất hiền minh và rất trằn trọc, đã nói, đầy hy vọng – hay tuyệt vọng: Cái đẹp sẽ cứu thế giới. To tát quá, ở đây gần gũi và thiết thân hơn: Cái đẹp có cứu được rừng?

…Tôi định ở lại với bạn tôi hai ngày, nhưng rồi thành ba. Chả là lúc sắp chia tay, ỷ tình bạn đã rất thân của chúng tôi, tôi đã ngỏ ý xin Bok một chiếc chén le trong bộ chén sáu chiếc của Bok. Không ngờ Bok bảo: “Chén này chưa đẹp đâu, tặng anh, tôi phải làm chén khác chớ”. Và buông tiếp một câu khó hiểu: “Mà biết còn lần sau không?”…

Bok lấy từ trên dàn bếp xuống một khúc le dài hóa ra đã để sẵn trên ấy.Và bỏ trọn một ngày đi rừng, ngồi tiện cho tôi một chiếc chén, chạm khắc thật chăm chút.

Chiếc chén ấy, bây giờ tôi đặt nó trong tủ sách của tôi, cạnh những tác phẩm kinh điển thâm thúy nhất của nhân loại…

NGUYÊN NGỌC

Để lại một bình luận