Đăng nhập

Cồng chiêng Tây Nguyên hết nạn “chảy máu”?

Cồng chiêng Tây Nguyên hết nạn “chảy máu”?

10 năm sau khi Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá truyền khẩu phi vật thể của nhân loại, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng – xuất phát từ nhu cầu, từ tình yêu của những chủ nhân đang nắm giữ nét văn hóa đặc sắc này – đã thực sự mang lại hiệu quả.

Không còn chuyện  bán chiêng

Già Ay Lê, người Ê Đê ở thôn 6, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) là một trong những nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Đội cồng chiêng của thôn nhiều lần giành được giải thưởng ở các cuộc thi từ cấp huyện, tỉnh cho đến khu vực. Già Ay Lê cho hay: “Cuối tháng 3 vừa rồi, tôi ra Hà Nội tham gia tuần lễ Tây Nguyên đại ngàn ở Làng văn hoá các dân tộc (Sơn Tây). Cả buôn chỉ có mình tôi đi được, còn đội cồng chiêng phải đi tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên. Nhiều sự kiện được tổ chức, nên chúng tôi được diễn tấu cồng chiêng thường xuyên. Lúc trước tôi lo rồi đây sẽ không còn ai đánh cồng chiêng nữa khi đời sống, phong tục, tập quán thay đổi. Nhưng nhờ Nhà nước tổ chức nhiều sự kiện, phục dựng nhiều lễ hội ngay tại buôn làng nên lớp trẻ bắt đầu quan tâm đến bản sắc văn hoá dân tộc mình. Lớp già chúng tôi vui mừng được truyền dạy cho con cháu những gì mình biết”.

Đội cồng chiêng người Ê Đê ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai diễn tấu cồng chiêng. ảnh: L.S
Đội cồng chiêng người Ê Đê ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai diễn tấu cồng chiêng. ảnh: L.S

Cồng chiêng đã gắn bó với đồng bào Tây Nguyên từ nhiều đời, giúp dân làng xích lại gần nhau, gắn bó và đoàn kết. Già Ay Lê có 2 bộ cồng chiêng từ thời cha mẹ được ông quý hơn bất cứ tài sản nào. “Trước đây phong trào lắng xuống, lễ hội mai một, nhiều nhà vứt lay lắt cồng chiêng hoặc bán đi. Không giữ gìn nên cái hỏng, cái móp méo, nhìn xót lắm. Gần đây, cồng chiêng được bà con quan tâm gìn giữ, nhiều nhà còn lên Quảng Nam mua cồng chiêng mới, 1 bộ đến 30 triệu đồng” – già Ay Lê kể.

Thiếu cồng chiêng  là không vui

Năm 2015, trong đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” lần thứ nhất, đã có 52 người thực hành cồng chiêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu  này.

Ngày cuối tuần ở làng Mô Banh 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) – ngôi làng của người Xơ Đăng, dân làng tập trung ở nhà rông để sinh hoạt cộng đồng. Giữa sân nhà rông, chị em nhịp nhàng vòng xoang, người già, thanh niên đánh trống, đánh chiêng rộn rã. Những buổi sinh hoạt này là dịp bà con gặp gỡ, giao lưu và là cơ hội để truyền dạy cồng chiêng, bài hát dân ca.

Nghệ nhân Ưu tú Y Năng nói: “Làng mình có đội văn nghệ hơn 20 thành viên diễn tấu cồng chiêng, ca hát và múa xoang. Mọi người trong làng hầu như ai cũng biết đánh cồng chiêng. Người Xê Đăng vẫn giữ được nhiều lễ thức như lễ cúng máng nước, cầu mong cho cả làng 1 năm thịnh vượng, hay lễ cúng lúa mới- những lễ hội không thể thiếu cồng chiêng”.

Đội văn nghệ của làng Mô Banh 2 thường xuyên đi thi, đi biểu diễn nhiều nơi. Khi không có sự kiện gì thì hàng tuần, hàng tháng, thanh niên vẫn về đây luyện tập với sự hướng dẫn của người lớn. Anh A Uôn – thành viên đội cồng chiêng Mô Banh 2 nói: “Bây giờ cồng chiêng gắn bó với chúng tôi trong đời sống hàng ngày, sinh hoạt Đoàn hay đám cưới, lễ hội mà thiếu âm thanh cồng chiêng là thiếu vui”.

“Hiện Kon Tum có 1.916 bộ cồng, chiêng với gần 30 loại; 323 đội nghệ nhân, 243 thôn làng đồng bào DTTS có cồng chiêng. 2/3 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trên địa bàn đang ở độ tuổi thanh niên, trong đó có nhiều thiếu niên 13-14 tuổi. Không gian văn hóa cồng chiêng ở các làng sinh hoạt trở lại rất tốt” – bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum vui mừng cho hay./.

Nguồn: Lê San – Báo Dân Việt

Để lại một bình luận