Đăng nhập

Củi hứa hôn kiểu mới của người S’triêng

Từ ngàn xưa, đồng bào S’triêng ở tỉnh Kon Tum có một luật tục độc đáo: mỗi cô gái đến tuổi cập kê đều phải vào rừng kiếm củi làm lễ vật cho gia đình nhà chồng, gọi là củi hứa hôn. Nay núi rừng dần cạn kiệt, đồng bào vẫn duy trì được phong tục độc đáo này, bằng cách cải tiến hợp lý và nhân văn.
Trước đây, các sơn nữ phải gùi củi nặng nhiều năm mới đủ bắt chồng (ảnh lớn). Bây giờ sơn nữ chọn cách trồng cây bời lời (ảnh nhỏ). Ảnh: Thiên Linh
Trước đây, các sơn nữ phải gùi củi nặng nhiều năm mới đủ bắt chồng (ảnh lớn). Bây giờ sơn nữ chọn cách trồng cây bời lời (ảnh nhỏ). Ảnh: Thiên Linh

Theo lời kể của già làng Brô Vẻ (dân tộc S’triêng, làng Đak Răng, xã Đak Dục, huyện Ngọc Hồi), củi là thứ rất quan trọng đối với người S’triêng nên chúng luôn được xếp trước nhà để… khoe. Nhìn vào những bó củi, người ta có thể đánh giá được trong nhà có cô con dâu “công, dung, ngôn, hạnh” như thế nào. Củi nhiều, đẹp, đều… thể hiện rằng cô con dâu nhà đó có đôi bàn tay khéo léo, sống hiếu thảo, cẩn thận, và chắc chắn chồng cô ấy là một người may mắn, hạnh phúc.

Ngày xưa, củi hứa hôn được lấy từ những cây dẻ khỏe mạnh. Mỗi thanh củi phải có chiều dài khoảng 80 cm, thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh củi được chặt bằng hoặc vát nhọn, và phải đủ 100 bó. Chính vì thế, thôn nữ mới lớn đều phải một mình vất vả trong thời gian dài từ 3 đến 4 năm để vào rừng kiếm đủ số củi mới được lấy chồng, đây gọi là thời gian thử thách tình yêu. Các thiếu nữ trong thời gian này hàng ngày phải leo đồi, lội suối đi tìm những cây dẻ đẹp. Để có đủ số củi, thiếu nữ phải gùi nặng trên vai không biết bao trăm cây số. Đến giờ, rừng hầu như đã cạn kiệt, người S’triêng ở làng Đak Răng vẫn quyết giữ tục lệ này, song họ đã cải cách để phù hợp với thời thế.

Việc lên rừng kiếm củi nay cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, nên các bô lão đã quyết định giảm thời gian thử thách tình yêu cho sơn nữ S’triêng. Theo đó, trước khi về nhà chồng, cô gái chỉ cần kiếm được 10 bó củi, không nhất thiết phải là củi dẻ, cũng không cần phải vào rừng mà có thể mua của người khác hoặc tự trồng. Người S’triêng nay có quan niệm mới: nếu gia đình cô gái nào giàu có thì sẽ có nhiều củi và ngược lại. Khi tục lệ được cải cách, một số gia đình sơn nữ có đất đai rộng sẽ chọn cây bời lời để trồng, bởi đây là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế khá cao. Vài năm sau, cây bời lời sẽ được gia chủ đốn hạ, phần vỏ và lá được bán cho các thương lái, phần thân cây sẽ được chặt thành những bó củi hứa hôn và đợi ngày con gái được gả chồng.

Cũng theo già làng Brô Vẻ, trước đây, phụ nữ chỉ ở nhà lo nấu nướng, đàn ông vào rừng săn bắn nên người phụ nữ tượng trưng cho cái bếp. Trong bếp phải có củi, củi dùng để nấu ăn, để sưởi ấm nhà, lúc sinh nở sẽ có củi để dùng, củi càng nhiều thì người phụ nữ càng được xem là đảm đang. Giờ đây, làng Đak Răng đang từng ngày thay da đổi thịt, các phương tiện, vật dụng hiện đại đã xuất hiện trong nhiều gia đình nên suy nghĩ của bà con cũng theo đó mà thay đổi. Bếp củi giờ đang dần được thay thế bằng những chiếc bếp ga, bếp điện, bếp từ. Thôn nữ thay vì bỏ thời gian đi kiếm củi thì sẽ làm kinh tế, dành dụm tiền để mua những chiếc bếp hiện đại, chăn, chiếu sưởi ấm… mang về nhà chồng.

Nói gì thì nói, truyền thống là vốn quý phải giữ. Các cô gái tuy đã có bếp ga hiện đại thay thế nhưng vẫn phải có những bó củi mang về nhà chồng. “Giờ đây rừng sắp hết, mảng nào còn xanh đều phải bảo vệ, cuộc sống cũng đã hiện đại lên rồi song các cô gái vẫn phải trồng cây để có củi, đi mua hoặc xin bạn bè cũng được. Ít nhất cũng phải có 5-10 bó tượng trưng mang về nhà chồng làm củi hứa hôn. Việc này lợi đủ đường, giúp các cháu gái đỡ gian nan kiếm củi, bớt cảnh phá rừng, còn gốc bời lời thì vẫn tiếp tục tái sinh và cho thu nhập”, già Vẻ bảo.

Thiên Linh (Báo Tiền Phong)

Trả lời