Đăng nhập

“Củi hứa hôn” và phong tục cưới hỏi của người Giẻ – Triêng

“Củi hứa hôn” và phong tục cưới hỏi của người Giẻ – Triêng

KTO – Với số dân khoảng hơn 50.000 người, người Giẻ _ Triêng sinh sống chủ yếu tại tỉnh Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh kho tàng văn học dân gian phong phú, tục ngữ, âm nhạc truyền thống khá đặc sắc, người Giẻ _Triêng còn lưu giữ được phong tục cưới hỏi mang nét riêng biệt.

Theo tục lệ của người Giẻ _Triêng, con gái chủ động trong việc hôn nhân của mình và sự lựa chọn của con cái được cha mẹ tôn trọng, các cô gái phải thạo đan chiếu, dệt vải (ở những vùng có nghề dệt). Trước khi cưới chồng cô gái phải chuẩn bị đủ từ 100 đến 300 bó củi đẹp để nộp cho nhà trai trong lễ cưới.

Để hiểu rõ hơn về phong tục cưới hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp một số già làng của người Giẻ ở thôn Đắk Tum, xã Đăk Môn, huyện Đắk Glie (Kon Tum) nơi còn lưu giữ được khá nguyên vẹn phong tục cưới hỏi của dân tộc mình. Theo cụ A Lững năm nay đã ngoài 70 tuổi, thì khi cô gái đã đến tuổi cập kê, đã gặp một chàng trai nào đó mà mình ưng ý, bằng cách lựa những khúc mía hoặc dưa leo (trồng trên dãy) hoặc bắp nướng… Những ” tặng vật ” này được cô gái xếp thành hàng và mang đến nhà Rông vào một thời điểm nhất định khi có mặt đông đủ các chàng trai trong làng, cô gái sẽ chủ động mang những ” tặng vật ” này đến mời chàng trai ăn. Nếu như chàng trai đó “chịu ăn ” thì có nghĩa là họ đã trở thành cặp đôi yêu nhau.

cui-hua-hon

Củi hứa hôn xếp thành hàng

Trong thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, một người có uy tín trong làng, không có họ hàng với hai gia đình chuẩn bị lễ vật đứng ra làm mai mối. Lễ vật bao gồm: Củi từ 30 đến 35 bó, 3 bao gạo, một hũ rượu nhỏ, hai chiếc cần (ống hút) để uống đem đến nhà trai hoặc nhà gái do người mai mối chọn (thường thì nhà chàng trai) và gọi người con gái đến cùng uống rượu. Để đáp lại tình cảm nhà trai cũng sẽ làm thịt 2 con lợn. Sau khi đôi trẻ đã uống, cha mẹ của chàng trai sau đó là người mai mối cùng uống rượu chung vui. Cũng trong thời gian uống rượu và trò chuyện, người mai mối trình bày nội dung của buổi uống rượu hôm đó.

Sau buổi mai mối cả hai bên gia đình sẽ chọn “ngày lành tháng tốt” để tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái (thường lễ cưới hỏi của người Giẻ -Triêng được tổ chức vào tháng 11, 12 trong năm). Vào ngày diễn ra lễ cưới hỏi phía nhà gái phải cõng sang cho nhà trai lượng củi thường là 100 bó nhiều thì lên đến 300 bó, chiều dài 1 mét và đường kính bó củi từ 40 đến 50cm. Đáp lại tình cảm của họ hàng nhà gái, gia đình chàng trai cũng tập trung anh em lại, giã gạo, thổi cơm mời những người cõng củi ở lại “dự tiệc”. Trong đó, mỗi người tham gia cõng củi, đều được nhà trai “tặng” lễ vật đó là chiếc Kà Tu riêng anh em ruột của cô gái thì nhất thiết phải đủ mỗi người một bộ.

Rượu thịt của ngày hôm đó gồm: 5 đến 6 con lợn (to trên 1tạ ) bò đực một còn bên cạnh đó trong lễ cưới hỏi của người Giẻ – Triêng cũng không thể thiếu được món thịt chuột, thịt chim phơi hoặc sấy khô (nguyên cả con) để tiếp đón nhà gái khi cõng củi đến cho mình. Số lượng chuột và chim tùy theo từng gia đình, nhưng thường thì từ 60 đến 70 con.
Lễ cưới hỏi của người Giẻ -Triêng thường diễn ra rất linh đình, thịt lợn, thịt trâu sau khi được ngã thịt một phần sẽ được đưa về nhà gái làm lễ vật, sau đó đến tối nhà trai sẽ mời tất cả đàn ông trong làng tới nhà uống rượu (uống tới 3 ngày) đến ngày thứ 3 thì mời cả nam, nữ trong làng tới nhà cùng chia vui.

Sau khi kết hôn mà chưa “giáp một năm” tức là chưa qua 9 tháng 10 ngày mà cặp vợ chồng đó đã sinh con thì phải chịu hình thức phạt vạ của làng. Tất nhiên họ phải bồi thường thiệt hại do họ gây nên là một con trâu, ít nhất cũng phải một con lợn hơn 30kg… do họ đã vi phạm luật của “thần nước”, “thần đất”, “thần lúa” nên bà con trong làng bị “thần” phạt. Đến khi con họ sinh ra được trên ba tháng mới được làm lễ “Tạ lỗi” với dân làng. Lễ vật bao gồm lương thực, thực phẩm phục vụ buổi lễ, kèm theo ba con lợn. Một con ” cúng máng Nước” một con ” cúng nhà Rông ” một con nộp cho dân làng mừng “đứa con mới” của đôi trai gái.

Cụ A Lững cũng cho biết thêm, sau lễ cưới hỏi người con gái có thể tự do có thể về ngủ ở nhà mẹ đẻ hoặc nhà chồng, trong thời gian một năm đến “ngủ chung” ở nhà chồng, cô gái thường lên rừng cõng củi về cho gia đình chàng trai. Thỉnh thoảng, tự tay mình giã gạo mang đến cho nhà chồng. Những người trong gia đình cô gái cũng giúp cô cõng củi về nhà tập kết và che chắn cẩn thận. . Không chỉ cõng củi cho gia đình chồng, mà nhà gái phải cõng cho anh chị ruột của chồng, là những người đã xây dựng gia đình ra ở riêng mỗi người 20 đến 30 bó củi. Tới khi đứa con đầu lòng được sinh ra, đôi vợ chồng sẽ chuyển đến ở hẳn bên nhà vợ hoặc nhà chồng tùy theo quyết định của họ, đây cũng là một nét khá độc đáo trong phong tục cưới hỏi của người Giẻ – Triêng.

Trịnh Văn Duẩn

Để lại một bình luận