Đăng nhập

Già làng A Mang

Già làng A Mang

Tuy chưa phải là người cao tuổi nhất nhưng AMang vẫn được tôn vinh là ‘già làng”, bởi ông là Chủ tịch Hội người cao tuổi (NCT) xã. Với ông đó không chỉ niềm vui mà còn là trách nhiệm.

“Gìa làng” AMang sinh 1950, trú tại thôn Đăk Boc, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glêi, tỉnh Kon Tum. Đak Blô có 1200 người dân sinh sống trong 4 thôn: Đăk Boc, Pin Lang, Bung Tôn, Bun Kong, đều là dân tộc Dẻ -Tiêng. Đầu năm 1965, xã biên giới này là điểm gặp nhau của đường mòn Hồ Chí Minh từ Quảng Nam vào và từ Lào sang, nên đồng bào ở đây đã có thức cách mạng khá sớm.   

Screen Shot 2013-12-25 at 3.37.11 PM

Ảnh: Gìa làng A Mang , tại cuộc giao ban Cụm thi đua số VII, Hội NCT các tỉnh Tây Nguyên .

Năm 1968, lúc 19 tuổi mặc dù sức khỏe không được tốt, trình độ văn hóa còn thấp nhưng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh lên đường gia nhập quân đội. Từ đó A Mang tham gia cùng đồng đội chiến đấu nhiều trận với quân thù chẳng những ở chiến trường Kon Tum mà cả ở Gia Lai, sang Lào, Căm Phu Chia. Trong chiến đấu anh trưởng thành, được kết nạp vào Đảng và lần lượt được giao các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng. Năm 1975, miền Nam giải phóng, nhưng bọn Pôn Pốt-Yêng Xa Ri lại gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, AMang lại cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu mới và trong một trận chỉ huy bộ đội phản kích vào năm 1979 giải phóng Căm Pu Chia, anh bị thương. Từ đó anh được điều về Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh làm trợ lý tham mưu đến năm 1984, AMang ra quân với quân hàm thượng úy.

Vừa mới trở về với cuộc sống đời thường, AMang được giao nhiệm vụ: Thư ký đội sản xuất. Thời kỳ bao cấp, đời sống đồng bào dân tộc Dẻ-Tiêng của AMang ở Đăk Blô gặp rất nhiều khó khăn. Bà con chẳng những đói cơm, rách áo mà còn thiếu thốn cả vật dùng. Bộ đội, cán bộ về xuôi hết, bọn Fulro lại nổi lên lôi kéo, xúi dục, tình hình an ninh trật tự không ổn định. Trước tình hình đó, AMang được Chi bộ xã giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội CCB, được cơ cấu vào cấp ủy. Trên cương vị mới, Hội CCB của AMang đã cùng Đồn Biên phòng Đăk Blô, xuống từng thôn, đi từng nhà dân vận động bà con giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, không làm việc trái với lương tâm, mà càng đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng. 15 năm làm Chủ tịch Hội CCB, AMang đã cùng cấp ủy, chính quyền xã và Đồn Biên phòng Đak Blô vận động nhân dân thực hiện nhiều chương trình xây dựng nông thôn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo đạt được những kết quả đáng kích lệ. Năm 1997-1998 hưởng ứng chủ trương bỏ rẫy, xuống thấp khai hoang trồng lúa nước của huyện ủy Đăk Blêi, ông AMang cùng Hội CCB và Hội NCT xã lại nắm tay, chỉ việc từng nhà dân, vận động vợ con đi đầu, hăng hái làm theo. Khi cuộc sống của bà con tạm ổn định, từ năm 2000 đến nay huyện ủy, UBND huyện Đak Blêi tiếp tục triển khai một loạt chương trình: Nhà vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chương trình nước sạch, điện thắp sáng, đường giao thông nông thôn, bảo vệ nghiêm ngặt rừng già, trồng mới rừng non, giữ gìn nguồn nước…. Nhờ vậy, cuộc sống bà con thay đổi từng ngày. Đến nay đời sống hầu hết các hộ dân trong xã mặc dù chưa được sung túc, nhưng đã khá hơn nhiều so với trước. Bà con phấn khởi, đoàn kết hăng hái nghe Bộ đội Biên phong (BĐBP) và già làng nói, làm theo Bộ đội và gìa làng hướng dẫn, tăng cường đoàn kết quân dân, thực hiện đầy đủ các qui ước, hương ước ở khu dân cư.

Năm 2010, AMang được giao nhiệm vụ mới: Không làm Chủ tịch Hội CCB nữa mà chuyển sang làm Chủ tịch Hội NCT. Việc thay đổi nhiệm vụ này làm cho AMang giảm sút thu nhập từ 3 triệu đồng xuống còn 800.000 đồng/tháng, nhưng ông không phàn nàn, thắc mắc; ngược lại càng hăng hái công tác. Hội NCT của A Mang càng có điều kiện gắn kết với Hội CCB hơn trong việc vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chủ trương toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Từ khi làm Chủ tịch Hội NCT đến nay AMang lãnh đạo Hội sát cánh với Hội CCB và các đoàn thể trong khối mặt trận, tuyên truyền vận động nhân dân không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, không vượt biên trái phép, không làm mất trật tự an ninh; đoàn kết toàn dân cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới quốc gia.

Ghi nhận thành tích của A Mang, năm 2010, Bộ tư lệnh BĐBP đã tăng ông Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ Chủ quyền an ninh biên giới và tới đây ông được cử tham dự và báo cáo thành tích tại Hội nghị điển thình tiên tiến thực hiện chương trình liên kết giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội NCT trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biên giới hải đảo của Tổ quốc tổ chức tại Hà Nội.

 NGUYỄN XUÂN (Cộng tác viên Kon Tum Online)

Trả lời