Đăng nhập

“Giữ hộ” báu vật cho đồng bào

“Giữ hộ” báu vật cho đồng bào

Trong một lần tình cờ, chúng tôi ghé nhà hàng Đăk Bla, trên đường Nguyễn Huệ (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thấy trên tường treo đầy các vật dụng thường ngày của người đồng bào Xê Đăng, Jẻ Triêng, Ba Na, Brâu… được chú thích bằng tiếng Pháp.

Hồi đó, ông Văn là một giáo viên dạy xóa mù ở các làng vùng sâu. Công việc khiến ông phải gần gũi với đồng bào, ăn ở với họ. Cảm cái tình của ông, nhiều người mang tặng những vật dụng trong gia đình để trả nghĩa. Từ chối không được ông đành cầm về để chất đống trong nhà mà cũng chẳng mảy may biết giá trị của chúng như thế nào…

Một thời gian sau ông chuyển sang làm nhân viên bưu điện nhưng nhiều gia đình đồng bào ốm đau không có tiền khám bệnh vẫn ghé nhà nhờ ông giúp đỡ. Để tỏ lòng biết ơn, họ lại đem những vật dụng đã cất kỹ nhiều năm, đem biếu ông…

Năm 1995, ông Văn mở quán cà phê và đem tất cả những vật dụng của đồng bào tặng treo lên tường trang trí. Nhiều người nước ngoài ghé quán ông đòi mua những đồ vật sưu tầm này. Ban đầu, ông cũng bán chút ít để trang trải cuộc sống. Dần dà, nhận thức được giá trị của chúng, ông Văn nảy ra ý tưởng sưu tầm để giữ gìn vốn văn hóa quý giá này…

Báu vật của đồng bào các sắc tộc thiểu số Kontum | ĐỒNG HƯƠNG KONTUM
Chiếc chiêng Tha của người Jẻ Triêng trong bộ sưu tập của ông Văn

Để có được những vật dụng mang giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào thật chẳng dễ dàng gì. Với họ, những vật dụng tổ tiên họ để lại không quan trọng chuyện tiền bạc mà vì cái tình của ông. Nhờ cái tình đó mà ông Văn đã sưu tập được nhiều hiện vật có một không hai. Giá trị nhất phải kể đến chiếc túi đi săn của đồng bào Tơ Đrá ở Đăk Glei hơn 150 tuổi. Hay như chiếc chiêng Tha của người Jẻ Triêng.

Hiện ông Văn sưu tầm được gần 700 hiện vật với gần 100 chủng loại là các vật dụng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chiếc túi đi săn, có người nước ngoài trả ông 2 triệu đồng (năm 1998), sau đó, có người Đức trả đến 2.000USD; chiếc chiêng Tha có người ra giá đến trên trăm triệu đồng nhưng tất cả đều bị ông từ chối…

Nhiều đoàn bảo tàng đến Kon Tum để sưu tầm các hiện vật đều thán phục bộ sưu tập của ông. Ông Văn đã cùng họ tổ chức nhiều cuộc triển làm để giới thiệu giá trị văn hóa của các tộc người…

Theo ông Văn, các vật dụng của đồng bào dân tộc không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn mang ý nghĩ tâm linh. Điều tiếc nuối lớn nhất của ông là trước đây do chưa nhận thức đầy đủ về giá trị văn hóa của các vật dụng sưu tầm được, ông đã bán đi những chiếc khiên bằng da nai, da lợn rừng mà “bây giờ dù có đốt đuốc đi tìm cũng không thể nào có được”.

QUỐC DINH (Dân Việt)

Để lại một bình luận