Đăng nhập

Kiến trúc độc đáo của Tây Nguyên

Kiến trúc độc đáo của Tây Nguyên

Văn hóa Tây nguyên mang bản sắc độc đáo. Núi rừng hùng vĩ được phản ánh qua nhiều thể loại nghệ thuật, trong đó có kiến trúc. Hơn 100 năm qua, những kiến trúc nổi tiếng ở Tây nguyên là khát vọng đưa sự hùng vĩ của núi rừng vào tác phẩm. Những nhà dài, nhà rông của các dân tộc Tây nguyên cũng phảng phất ngọn núi, thiên nhiên kỳ ảo, trở thành những tác phẩm văn hóa – nghệ thuật đặc sắc.

nharong1-1377143411

Nhà rông ở Kon Tum

Vùng Tây nguyên có trên 20 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào K’Ho (Lâm Đồng), Ê đê (Đắk Lắk), Ja Rai, M’Nông, Ba Na, Giẻ Triêng… (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông). Mỗi tộc người lại chia thành nhiều chi, nhánh khác nhau. Họ ảnh hưởng, chi phối đến nhiều mặt đời sống của các dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Kinh. Kiến trúc Tây nguyên vô cùng độc đáo với những mái nhà sàn dài, nhà rông đầy bí ẩn.

Nha-tho-Cam-Ly-2-w

Ngôi nhà dài hiện đại của một gia đình Ê đê khá giả

Người Ê đê không có nhà rông như các dân tộc thiểu số khác ở Tây nguyên. Họ có nhà sàn dài đặc trưng, thường từ 15m đến hơn 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người, có khi của cả một dòng họ; được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Vì người Ê đê theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ. Sử thi Tây nguyên viết “nhà dài như tiếng chiêng ngân” là bởi có những căn nhà dài, đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ. Đặc trưng của nhà dài Ê đê: thường được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa (lồ ô); mái lợp tranh; kết cấu cột kèo bằng gỗ tốt, có sức chịu đựng dãi dầu cùng năm tháng. Cỏ tranh lợp mái được đánh dày trên 20cm, làm một lần và sử dụng vĩnh viễn. Nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà và là nơi chứa các vật dụng như bếp chủ, tài sản, cồng chiêng… nửa còn lại gọi là Ôk và là chỗ ở của các đôi vợ chồng. Kiến trúc nhà dài của người Ê đê là để ở và nếu là nhà dài để sinh hoạt cộng đồng thì khang trang, hoành tráng hơn.

nharong1-1377143411

Nhà rông ở Kon Tum

Nhà rông của hầu hết các dân tộc thiểu số còn lại ở Tây nguyên không dành để ở mà là nơi sinh hoạt cộng đồng (họ ở nhà sàn). Kon Tum là nơi cư trú của nhiều dân tộc bản địa nhất Tây nguyên, là cái nôi của sử thi và là quê hương của ngôi nhà rông truyền thống. Nhà rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn, bao gồm: điêu khắc, hội họa, trang trí… đặc biệt là nơi thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng. Nhà rông ở Tây nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng được biết đến như “trái tim”, linh hồn của buôn làng. Cũng giống mái đình của người Kinh, nhà rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của dân tộc Tây nguyên. Sự quan trọng của nhà rông trong tiềm thức của người dân tộc thiểu số được hình thành từ chính quan niệm của họ, cho rằng nhà rông thể hiện sự quyền uy, giàu có của dân làng mình, là nơi các vị thần về trú ngụ, nơi trung gian giữa người và Yang (trời). Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, “dân tộc – làng – nhà rông” là mối quan hệ không thể tách rời. Nhà rông – vì thế, vừa hùng vĩ vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng núi và sự gắn kết cộng đồng người với thiên nhiên. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng và trang trí. Cũng giống như nhà dài của người Ê đê, nhà rông được làm chủ yếu bằng các vật liệu từ núi rừng, như: cỏ tranh, tre, gỗ, mây, lồ ô… Họ coi trọng chất lượng để nhà rông luôn vững chãi, trường tồn với thời gian.

 Cau-thang-nha-san-va-nha-dai-cua-dong-bao-thieu-so-w

Cầu thang của những ngôi nhà dài, nhà rông Tây nguyên

Cầu thang của nhà dài, nhà rông là nửa thân gỗ được đẽo bằng tay và thường được trang trí hình ngực phụ nữ và trăng lưỡi liềm, thể hiện tín ngưỡng phồn thực và khẳng định chế độ mẫu hệ của đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu từ rừng không còn dễ kiếm; mặt khác, nhiều cặp vợ chồng trẻ đồng bào thiểu số ảnh hưởng người Kinh, thường tách ra làm nhà ở riêng, xây theo lối hiện đại nên nhà sàn, nhà dài, nhà rông ngày càng mai một.

Nha-thi-dau-dakLak-w

Nhà thi đấu Đắk Lắk

Ngoài những ngôi nhà dài, nhà rông truyền thống của đồng bào Tây nguyên; từ thời Pháp và cho đến nay, một số công trình quan trọng tại các tỉnh Tây nguyên vẫn được chính quyền và người Pháp tôn trọng, giao hòa trong xây dựng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng. Nổi bật trong số này có những công trình đặc sắc, đáng kể như sau:

Bao-tang-tinh-Dak-Lak-w

Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

1. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (số 2 đường Y Ngông, TP.Buôn Ma Thuột) được xây dựng từ năm 2008 – 2011, thuộc dự án “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam”, có chiều dài 130m, rộng 65m, diện tích sử dụng 9.200m2, vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng; được xây dựng hai tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây nguyên. Với quy mô đó, Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước, là nơi trưng bày 1.000 hiện vật của văn hóa các dân tộc Tây nguyên. Kiến trúc là kiểu nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê.

101026629_29495_1368524992234_o

Nhà thờ gỗ ở Kon Tum

2. Ngôi nhà thờ gỗ gần 100 năm tuổi, tọa lạc ngay trung tâm TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng, do người Pháp xây dựng cùng đội ngũ nghệ nhân Việt Nam khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Ngôi giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roma, nhưng vẫn có dáng dấp văn hóa kiến trúc nhà rông truyền thống của người dân Ba Na bản địa. Cái tên “nhà thờ gỗ” xuất phát từ vật liệu chính làm nên ngôi nhà thờ. Chính vật liệu chủ đạo là màu gỗ nâu đen khiến ngôi nhà thờ mang vẻ đẹp dung dị mà sang trọng, cổ kính và vững chãi. Tham quan nhà thờ gỗ, nhiều kiến trúc sư đều khẳng định tính bền vững của kiến trúc và nể phục tài hoa của nghệ nhân trong việc thi công công trình này. Gỗ được khai thác từ rừng và đục đẽo, gắn kết nhau bằng mộng, không đinh hay thứ gì kết dính. Đặc biệt là sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hóa kiến trúc vốn khác biệt làm nên một công trình có tính thẩm mỹ cao. Những buổi sáng sớm khi còn sương mờ hay những đêm trăng, ánh sáng đèn của nhà thờ hắt ra qua những ô cửa tạo một cảm giác huyễn hoặc. Đến nay nhà thờ gỗ trở thành điểm đến của du khách khắp nơi khi tới phố núi Kon Tum.

Nha-tho-Cam-Ly-2-w

Nhà thờ Cam Ly

3. Tại TP.Đà Lạt, người Pháp xây dựng nhà thờ Cam Ly (số 1 Nguyễn Khuyến) lẩn khuất dưới những cây thông, gợi lên sự trầm mặc của miền sơn cước. Đây là ngôi nhà thờ dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái khác hẳn với các giáo đường khác. Một công trình kiến trúc độc đáo cách điệu từ mái nhà rông của đồng bào Tây nguyên kết hợp hài hòa với kiến trúc miền Nam nước Pháp và được thể hiện theo tinh thần trường phái kiến trúc thô mộc. Được xây dựng vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967, nhìn xa ngôi nhà thờ giống như lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời, gợi lên hình ảnh dụng cụ lao động, vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây nguyên. Với chiều cao đỉnh mái 17m, tường xây đá kiểu dày 40cm, cao 2m, bên trên là hàng kính màu, ngôi nhà thờ sừng sững, uy nghi. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhà thờ Cam Ly vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của nó như buổi đầu mới xây dựng. Nhiều thế hệ trẻ em dân tộc nghèo đã được các sơ trong nhà thờ nuôi dạy nên người, làm ấm lòng không ít du khách mỗi khi ghé thăm.

Ga-Dalat-w

Ga Đà Lạt

4. Ga Đà Lạt được xây dựng và hoàn tất vào năm 1933 theo đồ án của các kiến trúc sư người Pháp là Revéron và Moncet. Hai kiến trúc sư đã đưa vào ý tưởng ngộ nghĩnh của mình là muốn gợi cho du khách đến Đà Lạt có ý niệm về dãy núi Langbiang với ba đỉnh cao đón mời du khách từ khi bước chân xuống tàu. Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển, với lối kiến trúc độc đáo, ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương thời bấy giờ. Hiện nay cùng với nhà ga Hải Phòng, ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.

Ngọc Hà

Để lại một bình luận