Đăng nhập

Kỷ luật… người chết

Chết rồi cũng chẳng yên, ai mà bị “truy” ngược vậy Hai Kon Tum?

– Trường hợp của bà Tạ Thị M. (trú H. Đắc Hà, Kon Tum), chết cách đây… hơn 16 năm.

– Thật á?

– Thì đây, Quyết định số 87 do ông Phạm Văn Sớm, Giám đốc Cty TNHH MTV cà-phê 731 ( thuộc Tổng Cty cà-phê Việt Nam) tại H. Đắc Hà ký về việc xử lý kỷ luật lao động công nhân Tạ Thị M.

– Căn cứ đâu để cho ra đời quyết định “lạ” trên rứa?

– Một lãnh đạo Cty cà-phê 731 khẳng định, hồ sơ của bà M. tại thời điểm kỷ luật vẫn đầy đủ. Bởi, hiện hồ sơ của công nhân Tạ Thị M. vẫn “còn sống”, kể cả có xác nhận của chính quyền địa phương về CMND, sơ yếu lý lịch.

– Như đùa ấy nhỉ.

xnime1250989022

Ảnh minh hoạ.

– Chuyện là thế này, bà Tạ Thị M. vào làm công nhân Cty cà-phê 731 từ trước năm 1992, nhận khoán chăm sóc hơn 1ha cà-phê của Cty. Vài năm sau, vì nhiều lý do, bà M. không tiếp tục chăm sóc diện tích cà-phê này mà giao lại cho chị dâu là bà Bùi Thị Đoạn và anh trai Tạ Văn Hạnh chăm sóc. Sau khi bà M. mất (năm 1996), việc chăm sóc cà-phê và thực hiện các nghĩa vụ với Cty, như nộp khoán sản lượng hàng năm, đóng BHXH… vẫn được ông Hạnh, bà Đoạn thực hiện đầy đủ với Cty dưới tên… bà M. Thậm chí gia đình ông Hạnh còn sử dụng CMND, sơ yếu lý lịch của bà M. (có xác nhận của chính quyền địa phương) để thực hiện các thủ tục có liên quan.

– Giấu  được mười mấy năm sao nay bị phát hiện?

– Chẳng qua là khi người nhà của bà M. xin thực hiện các chế độ, thủ tục để nghỉ hưu.

– À ra thế. Qua vụ việc này Bề Tui nhận thấy việc lãnh đạo Cty cà-phê 731 ra quyết định kỷ luật sa thải… người chết vừa cho thấy cách quản lý quan liêu và không hợp lý lẫn tình. Tuy nhiên, việc làm ăn kiểu “tầm gửi” của vợ chồng ông Hạnh, bà Đoạn cũng như việc xác nhận hồ sơ “người chết” của chính quyền địa phương cũng sai nốt. Sự việc đáng tiếc trên âu cũng là bài học về việc buông lỏng quản lý của chính quyền và của doanh nghiệp cần được xử lý nghiêm.

Bề Tui

Trả lời