Luật tục về sở hữu và quản lý tài nguyên đất của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Tây Nguyên có khoảng 20 dân tộc khác nhau. Các dân tộc ở Tây Nguyên thuộc hai ngữ hệ khác nhau: Môn-Khơme (hay Nam Á) có các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên như các dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Ba Na, Brâu, Ê-đê…, và Malayo-Polynésien (hay Nam Đảo) là các dân tộc ở miền Nam Tây Nguyên như các dân tộc Mơ Nông, Kơ Ho, Mạ, Sre, Stiêng… Đông, mạnh nhất ở Tây Nguyên là dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng. Cũng có những dân tộc rất nhỏ như người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80 người…
Buôn làng là đơn vị xã hội cơ bản, duy nhất, độc lập và cao nhất (cũng không có đơn vị nhỏ hơn làng) của xã hội truyền thống Tây Nguyên. Mỗi buôn làng là một chỉnh thể thống nhất của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá và tâm linh. Các buôn làng đều có ranh giới đất rừng và chủ quyền riêng trên lãnh thổ, được đứng đầu bởi Hội đồng già làng, là những người có uy tín làm nhiệm vụ trông nom, quản lý và điều hành các công việc liên quan đến đời sống mọi mặt của cộng đồng. Hội đồng già làng quản lý làng theo một hệ thống luật pháp đặc biệt: luật tục (droit coutumier) của làng, tức những điều được cả cộng đồng công nhận và tuân theo như là luật, song lại tồn tại dưới hình thức là những phong tục, được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Thiết chế tự quản buôn làng có thể coi là giá trị văn hoá xã hội hay văn hoá ứng xử đặc trưng tiêu biểu của người dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên. Đó là một bộ máy đơn giản nhưng hoạt động hiệu quả và chi phối tất cả các khía cạnh sinh hoạt của buôn làng.
Theo luật tục Tây Nguyên, chủ của đất và rừng chính là các làng, tất cả rừng núi đã được “chia” cho từng làng từ xa xưa, “đã là như vậy từ tổ tiên muôn đời truyền lại”, đã được “Yang (tức Thần linh) giao cho từng làng”, có ranh giới rất rõ rệt. Đất, rừng của làng là thiêng liêng, không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế. Người ta gọi đó là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Sở hữu rừng của một làng gồm có những loại rừng sau đây: Rừng đã biến thành đất thổ cư; Rừng sản xuất, tức khu rừng dân làng khai thác để làm rẫy; Rừng sinh hoạt, là nơi dân làng tìm lấy những thứ cần thiết cho mọi sinh hoạt của mình: con ong, cái mật, dây mây, rau ăn, con thú để săn bẫy, gỗ để làm nhà…; Rừng thiêng (hay rừng ma) là nơi trú ngụ của các Yang (Thần linh), không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn. Tất cả các loại rừng đó hợp thành không gian sinh tồn (espace vital), hay cũng có người như Condominas gọi là không gian xã hội (espace social) của làng. Một làng cần có đủ các loại rừng kể trên để có thể sinh tồn như một không gian xã hội, làm nên tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên.
Hội đồng già làng quản lý sở hữu tập thể này của cộng đồng làng bằng một hệ thống luật tục chặt chẽ và sinh động. Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, luật tục tập trung giải quyết vấn đề sở hữu, quản lý và bảo vệ của buôn làng với đất đai, rừng rú và với tài nguyên thiên nhiên nơi cư trú, cùng với đó là những quy định liên quan đến bảo vệ sản xuất, bảo vệ nương rẫy, bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên trong phạm vi quản lý của buôn làng. Hội đồng già làng chia khu rừng sản xuất cho các hộ trong làng để làm rẫy theo đúng những quy định trong luật tục, cũng theo đúng những quy định đó khai thác khu rừng sinh hoạt cho các nhu cầu hằng ngày của mình, giữ gìn khu rừng thiêng, và tôn trọng đúng các tập quán trong làng, tức trong khu rừng đã biến thành đất thổ cư, thành làng. Hằng năm, đất rừng làm rẫy có thể được điều chỉnh lại giữa các hộ nếu có người đông lên hay giảm đi. Về nguyên tắc, các hộ trong làng có thể chuyển đổi đất rừng canh tác cho nhau, nhưng tuyệt đối không được chuyển nhượng ra khỏi làng. Trong các tội danh nhằm duy trì mối quan hệ xã hội, luật tục đặc biệt chú ý cũng như xét xử và trừng phạt nghiêm khắc các tội lấn chiếm đất đai, phá hoại nương rẫy, đốt phá rừng bừa bãi,..
Vân Anh