Một ngày ở “vương quốc” sâm Ngọc Linh
Trên đỉnh mù sương của dãy Ngọc Linh, “thuốc giấu” của người dân Xơ Đăng, Giẻ Triêng nơi đại ngàn này chẳng ngờ lại được thành “quốc bảo”, không chỉ mang lại ấm no mà còn góp phần làm rạng danh xứ sở trên bản đồ dược liệu thế giới.
Đứng trên mép núi, nơi những làn sương mờ lãng đãng phủ kín phía làng thung, anh Hồ Văn Tấn thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam hồ hởi chỉ tay lên những rặng cây rừng, bảo rằng “thuốc giấu” ở đó, có ở khắp mọi nơi của vùng núi Trà My, sang tận Đăk Glei (Kon Tum). Nhưng, muốn tìm nó không phải dễ. “Thuốc giấu” mọc ở rừng, là loại sâm Ngọc Linh tự nhiên nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới, sánh ngang với các loại sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…
Sở dĩ gọi là “thuốc giấu”, bởi hàng trăm năm qua người dân Xơ Đăng, Giẻ Triêng ở dãy núi Ngọc Linh đã biết tới loại sâm này. Thủa ấy, ở những ngọn núi trên độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển này, khi trời chuyển Đông, cái lạnh giá như cắt da, cắt thịt. Người Xơ Đăng, Giẻ Triêng vùng núi Ngọc Linh phải dùng thứ bột lá thuốc chống lạnh bí truyền tên “kă crâu” (thuốc giấu) để vượt qua mùa Đông. “Kă crâu” nằm sâu trong đất dưới những tảng lá rừng mục nát và rất khó tìm vào mùa Đông. Chỉ những người có tâm và thực sự hiểu biết về núi rừng mới có thể tìm được”, anh Hồ Văn Tấn bộc bạch như thế.
Kể chuyện về sâm, già làng Hồ Văn Du cười móm mém bảo, trước năm 2000, sâm này rẻ lắm! Già Du nhớ, năm 1994 già tìm được một ít sâm, lội bộ hơn 1 ngày đường ra chợ Tăk Pỏ thấy mọi người gùi từng gùi đi bán như khoai lang. Một ký lô (kg) sâm đủ tuổi chỉ khoảng hơn 1.000 đồng. Mà người ta còn mua với tâm lý bán tín bán nghi, sắc lên uống như nước chè vậy. Có người như ông Nguyễn Cao Bằng (thôn Tắk Lang) thời điểm những năm 90, khi biết đến loại sâm này cũng đã bắt đầu trồng thử, nhưng khi đó mỗi ký sâm Ngọc Linh chỉ có giá khoảng vài ngàn đồng, thậm chí có lúc không bán được khiến ông thua lỗ.
“Vậy mà ngoảnh lại, khi giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào chỉ biết nấu nước uống nay đã hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi. Còn sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, có thời điểm lên đến 150 – 200 triệu đồng/kg. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân ở đây đổi đời từ đó!”, ông Nguyễn Cao Bằng kể lại.
Từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vào tháng 6/2016, đến tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành “quốc bảo”, là loại cây làm giàu cho bà con Xơ Đăng.
Giấc mơ “cường quốc” nhân sâm
Bắt đầu từ năm 2019, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã tổ chức những Phiên chợ Sâm Ngọc Linh hằng tháng, với số lượng hàng chục gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Những phiên chợ ấy đã thu về vài tỷ, vài chục tỷ từ sâm khiến người trồng sâm viên mãn.
Mỗi kg sâm Ngọc Linh hiện nay có giá dao động từ 70 triệu đồng đến hơn 190 triệu đồng tùy theo độ tuổi của sâm. Nhờ giá bán cao như vậy, đời sống của hàng trăm hộ đồng bào Xơ Đăng, Ca Dong ở huyện vùng cao Nam Trà My đã trở nên giàu có, hàng ngàn hộ đồng bào khác đã coi việc giữ rừng, trồng sâm là một nghề mới để vươn lên làm giàu.
Đã qua rồi cái thời đói đến mờ mắt và nghèo nàn, nhà cao tầng đã mọc san sát, đường ô tô cũng vào tận thôn làng heo hút trên đỉnh mây mù này. Ngay như bản làng cuối cùng là làng Tắk Lang nằm cao nhất trên sườn núi Ngọc Linh, nơi đây được xem là làng tỉ phú đầu tiên, bởi các đại gia sở hữu những vườn sâm “khủng” đều đang an cư, lạc nghiệp ngay chính ngôi làng này. Hoành tráng nhất vùng là cơ ngơi của gia đình “vua sâm” Hồ Văn Hình, người có vườn sâm lớn nhất làng.
“Bao đời nay người dân ở làng sống đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ thần rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại để nuôi cây sâm. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ cây sâm nữa!”, già làng Hồ Văn Du chia sẻ.
Mùa Đông ở vùng cây “quốc bảo”, ở phía bên trên tầng cây những vạt nắng buổi trưa hiếm hoi xuyên qua tán lá, soi những đường nắng chéo xuống vườn sâm đang vào thời kỳ “ngủ đông”. Và biết đâu đấy, từ thánh địa sâm Ngọc Linh này, sẽ trở thành “cường quốc nhân sâm” như mong muốn của cả quốc gia, dân tộc.
Cùng với “nói không” với sâm giả, sâm kém chất lượng, chính quyền và người dân Quảng Nam đang rất quan tâm đén vấn đề hỗ trợ phát triển, nâng cao giá trị và đặc biệt là bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh.
Giữ nguồn gen quý
Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết, những năm gần đây, từ chủ trương vận động, khuyến khích người dân trồng sâm, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích vườn và chung tay, góp sức giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh bằng việc làm cụ thể: Người dân kiên quyết ngăn chặn nạn sâm giả từ bên ngoài tràn vào, tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng đưa giống sâm kém chất lượng vào địa phương.
Không chỉ ở xã Trà Linh, sâm Ngọc Linh hiện đang được quy hoạch, mở rộng diện tích trồng ở nhiều thôn, xã của huyện Nam Trà My và bước đầu thử nghiệm di thực đến một số huyện Tây Giang, Phước Sơn…có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như huyện Nam Trà My.
Những năm qua, từ giá trị mang lại của sâm Ngọc Linh, người dân ở Nam Trà My đã thay đổi nhận thức rõ rệt về việc giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm, làm giàu chính đáng. Việc trồng sâm cũng góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và giảm nghèo nhanh chóng ở địa phương. Đây cũng là lợi thế trong thu hút du lịch, trên hành trình đưa Nam Trà My trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để sâm Ngọc Linh tiếp tục là “cây làm giàu”, cùng với việc mở rộng diện tích trồng sâm, nhất thiết phải giữ nguồn gen quý một cách bền vững, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng giống chất lượng cho thị trường. Đây được xem là chủ trương “kép” giúp Quảng Nam vừa bảo tồn được nguồn gen gốc, vừa giải quyết được bài toán trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sâm trên thị trường hiện nay.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cây sâm giống Ngọc Linh phát triển tốt, trở thành nguồn cung ứng giống chất lượng cho thị trường.
Phát triển cây ” Quốc bảo”
Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, tại Trạm Dược liệu Trà Linh – nơi địa phương quy hoạch trồng sâm với tổng diện tích 50ha, hiện đã phát triển trồng sâm 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh. Vào mùa thu hạt, từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, Trạm Dược liệu Trà Linh thu được khoảng 100.000 – 120.000 hạt để ươm giống, bảo đảm việc cung ứng nguồn giống chất lượng ra thị trường. Những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu thành công các biện pháp ứng dụng khoa học vào quá trình gieo ươm hạt giống, bước đầu đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sâm con mọc khỏe, số cây tăng dần theo từng năm…
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, để sâm Ngọc Linh thực sự là “quốc bảo của Việt Nam”, bên cạnh việc khai thác, cần phải tập trung cho công tác bảo tồn nguồn gen nguyên bản. Đồng thời ghi chép cụ thể quá trình sinh trưởng, sự thay đổi do môi trường của cây sâm. Việc ghi chép này sẽ là bài học kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ sau này, góp phần bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh.
Theo ông Cường, những năm qua, Quảng Nam đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh. Xem đó là “cây xóa đói nghèo” bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhất là huyện Nam Trà My.
Để nâng cao chất lượng, nâng tầm ảnh hưởng của sâm Ngọc Linh, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư một cách bài bản hơn, trong đó ưu tiên duy trì nguồn gen quý, chế biến các sản phẩm mới độc đáo từ sâm Ngọc Linh. “Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trồng sâm và chế biến các sản phẩm về sâm, giúp nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động; tăng thu nhập cho người dân và tạo nguồn thu cho địa phương. Hơn ai hết, người dân Nam Trà My cần phải chung sức bảo tồn giống sâm gốc, tuyệt đối không để lai tạp và đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm một cách bài bản, vừa để giữ nguồn gen quý, vừa giải quyết bài toán giảm nghèo”, ông Cường nhấn mạnh.