Đăng nhập

Nghề rèn của người Giẻ-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay

Nghề rèn của người Giẻ-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay

Cũng như các nghề truyền thống khác của đa số người dân tộc thiểu số Kon Tum, nghề rèn(vanpẹk’tủ) của người Giẻ-Triêng chiếm một phần rất quan trọng trong sinh hoạt và cuộc sống của họ. Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, một vài buôn làng của người Giẻ-Triêng vẫn còn giữ được nghề truyền thống của ông cha mình để lại như làng Đắk Giá 1 – xã Đắk Ang – huyện Ngọc Hồi, làng Đắk Dấc – xã Đắk Môn – huyện Đăk Glei… Thông qua những bàn tay khéo léo của người thợ rèn, họ đã cho ra đời hàng trăm dụng cụ khác nhau như cuốc (niếc), dao phát (xà gạt)… mà kiểu dáng và chất lượng cũng rất đặc trưng. 

29.10.1.2013
Cụ A Eo, 87 tuổi – làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, Ngọc Hồi đang rèn dao 
Trước tiên, tìm hiểu về lò thổi lửa (namk’tủ), người Giẻ-Triêng cũng như những dân tộc bản địa khác, lò rất đơn giản, họ lấy đất sét về đắp thành một ụ cao, lên rừng tìm 2 thân cây có đường kính chừng 20cm về khoét rỗng ruột (một số lò họ làm bằng thân cây lồ ô già) làm 2 ống đứng cao tầm 80cm, phía trong họ lấy da động vật bó một đầu thanh gỗ tròn tạo thành một pitong như ống bơm hơi, phía dưới có 2 ống lồ ô nhỏ (đường kính 5-7cm) được khoét thông suốt ép vào nhau gắn với 2 ống đứng (dài khoảng 1,2m) tạo thành 2 ống thổi lửa. Tất cả những ống tạo gió đều được cố định bằng đất sét. Công việc bơm hơi cần phải có một người chỉ đứng kéo đều 2 thanh gỗ nhịp nhàng để gió thổi ra đều đặn, còn người thợ rèn chỉ lo phần nung nóng thanh sắt để tạo dụng cụ lao động. Loại lò này tiện lợi ở chỗ những dụng cụ tạo ra nó dễ tìm, có sẵn từ thiên nhiên như lồ ô, gỗ, đất sét và khá dễ thực hiện, chỉ cần 2 người làm trong một ngày là có bệ lò để tạo gió. Tuy vậy vẫn có điểm bất tiện là nó không thể di chuyển linh hoạt và bắt buộc phải có 2 người làm, bởi thế ngày nay tuy không đặt mua những lò hiện đại ngoài thị trường nhưng họ cũng chế ra một loại dụng cụ mà vừa thổi lửa vừa có thể di chuyển và đặc biệt chỉ cần một người sử dụng, tiết kiệm được nhân lực. Họ lấy một cái vành (niềng) xe đạp hỏng, gắn cố định trên một bệ gỗ (khoảng 01m), chọn 2 thanh gỗ nhỏ (cao 50cm) gắn vuông góc với bệ, ở giữa tạo thành một trục cố định tâm, vành xe được hàn cố định thành một dụng cụ có thể xoay vòng, đầu bên kia bệ gỗ gắn cánh quạt tự tạo nằm trong một hộp sắt kín có một ống tròn nhỏ ở đầu để tạo gió, cánh quạt này cũng có thể quay quanh một trục, 2 thiết bị quay được nối với nhau bởi một sợi dây thừng, dụng cụ nhỏ gọn, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, người thợ rèn cũng có thể một tay quay tạo gió, tay kia dùng kẹp gắp kim loại đưa vào lò nung.
29.10.2.2013
Mảnh kim loại được đem về rèn thành dao, mác
Nét đặc trưng của người Giẻ-Triêng đó là kiểu dáng dụng cụ lao động của họ vô cùng tinh tế và sắc sảo, đa phần kim loại được lựa chọn rất kỹ. Tất cả những vật dụng họ đang sử dụng trong lao động hầu hết được tạo ra bằng một loại thép rất đặc biệt đó là mảnh bom được nhặt trên rừng hay được tìm dưới sông, loại thép này rất cứng và nặng, khó han rỉ, đến ngày nay họ vẫn có thói quen đi tìm mảnh bom vỡ để về làm dao, cuốc cho gia đình mình. Một điểm nữa là để tạo độ cứng và bền cho dụng cụ lao động, người thợ rèn đã tôi luyện bằng những phương pháp hết sức đặc biệt. Theo cụ A Dun (82 tuổi) thợ rèn lừ lúc 15 tuổi tại làng Đắk Dấc, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, cho biết: ‘Trước đây các ông già trong làng thường tôi thép bằng lông và da con sơn dương, nung đỏ thanh kim loại đã được định hình, họ cọ sát nhiều lần vào tấm da, sau đó lại nhúng xuống nước, làm nhiều lần như vậy, con dao sẽ sáng và cứng, độ bền sẽ được lâu hơn’. Ở làng Đắk Giá 1 (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi), cụ A Hương (81 tuổi) (thợ rèn lâu năm) lại có một cách tôi thép riêng biệt, họ lấy mai của con cua đồng giã nát trộn chung với nước, loại nước này dùng để tôi nhúng kim loại mỗi khi chuẩn bị cho ra lò một dụng cụ nào đó. Theo quan niệm của người xưa, cách làm này thể hiện một sự yêu nghề và họ cho rằng làm như vậy chất lượng con dao sẽ được bóng như mai cua, vật dụng sẽ bền hơn, không bị mẻ, một số người họ lại tôi bằng muối, tuy nhiên vật dụng có tốt hay không cùng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thép, nhiệt độ của than, cách tôi…đó cũng là những kinh nghiệm của các cụ kể lại. Con dao được tạo ra từ đôi tay người thợ Giẻ-Triêng luôn có những điểm khác biệt đó là độ sáng, kiểu dáng đẹp, hoa văn tinh tế và rất sắc bén. Cán dao họ chỉ dùng một loại gỗ duy nhất đó là gỗ trắc, đầu tiếp xúc với chuôi có bọc đồng hoặc nhôm trông rất đẹp, còn về các dụng cụ khác như cuốc, niếc… họ sử dụng gốc tre già làm cán như các dân tộc bản địa khác, riêng cán rìu của họ lại có một lớp bọc bằng lô ô, có chạm hoa văn vô cùng đặc biệt và lạ mắt… Chính bởi điều đó, một số người từ các buôn làng khác, kể cả người Kinh thường xuyên đến đặt hàng, họ muốn sở hữu những vật dụng do chính tay người thợ rèn Giẻ-Triêng tạo ra…
Theo tìm hiểu một số lò rèn tại 3 làng của người đồng bào Giẻ-Triêng, đến ngày nay họ vẫn tạo dụng cụ lao động bằng phương pháp thủ công đơn giản với quy mô nhỏ, phạm vi từ nhà đến khuôn khổ trong buôn làng của mình, riêng lò tạo gió đã được cải tiến từ chất liệu đất và gỗ sang chất liệu thép. Một số gia đình (như gia đình cụ A Eo, 87 tuổi, làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi) vẫn xem nghề rèn truyền thống của mình như là công việc bắt buộc gắn với cuộc sống. Trong đời sống ngày nay, họ vẫn có thói quen tự tạo cho gia đình những vật dụng cần thiết khi lên nương rẫy mà không cần phải mua. Được biết công việc này vẫn có người cháu là A Tuấn và một người trong dòng họ đã và đang tiếp nối nghề truyền thống của ông cha mình.
Thế Phiệt

Để lại một bình luận