Đăng nhập

Nhà Rông – Biểu tượng, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Nhà Rông – Biểu tượng, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Nhà Rông là một thiết chế văn hóa cổ truyền độc đáo, đặc trưng của các dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên. Tuy nhiên, mỗi dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên có tên gọi khác nhau về thiết chế đặc biệt này.

Người Bar Nar, Ja Rai gọi là Rôông; người Kơ Tu miệt Tây Quảng Nam gọi là Nhà Gươl; người Tà Ôi, BRu vùng Thừa Thiên, Quảng Trị gọi là Ron, Rộn, Roong; người Xơ Đăng Ka Dong gọi là Mrao Chuông, Mrao Tôông; người Mơ Nông, Ê Đê ở Đăk Lăk gọi là Nhà Dài…, thậm chí có học giả lại đề xuất nên chăng gọi là Nhà Làng, Nhà cộng đồng (có lẽ để phù hợp với chức năng, quy mô cấp Làng của Nhà Rông?)…nhưng tên gọi (có lẽ do biến âm, Việt hóa) chung nhất, phổ biến nhất là Nhà Rông.

Nói như vậy, không có nghĩa là dân tộc thiểu số nào sinh sống trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên cũng có Nhà Rông, nhưng một thực tế hầu hết mọi người đều thừa nhận, nói đến Nhà Rông là nói đến Tây Nguyên mà cụ thể hơn là ở 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng hiện nay, nhưng mức độ đậm đặc nhất phải kể đến các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đăk Lăk, càng xuôi phía Nam, mật độ Nhà Rông càng thưa dần (vì Trường Sơn – Tây Nguyên là chỉ dãy núi bắt nguồn từ Tây Quảng Bình kéo dài đến Nam Bình Thuận).

15.10.2.2013

Nhà Rông dân tộc Bar Nar (Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum)

Xin không bàn đến tên gọi nữa, mà hãy nhìn nhận ở góc độ vị trí của Nhà Rông trong tâm thức cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Theo truyền thống, Nhà Rông là nơi cất giữ những vật thiêng truyền đời, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng Làng. Do đó, Nhà Rông là nơi hội tụ linh khí đất trời, nơi biểu hiện sức mạnh của cộng đồng; nơi giao hòa, gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh.Nhà Rông đồng thời còn là nơi các Già làng hội họp và đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của cả cộng đồng; đưa ra những phán quyết theo luật tục; nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt vui chơi giải trí; nơi đêm đêm bên ánh lửa bập bùng Già làng trao truyền các bản Khan, Hơ Mon, Hơ Ri (trường ca, sử thi) cho các thế hệ kế tiếp; nơi trao gửi tâm tình của lứa đôi….Do đó, có thể nói, Nhà Rông vừa chứa đựng tính thiêng tâm linh, tín ngưỡng, vừa rất đời, vô cùng gần gũi, gắn bó với tất cả mọi người trong cộng đồng Làng.

15.10.3.2013

Trong mỗi làng DTTS ở Kon Tum, ngôi Nhà Rông
bao giờ cũng ở vị trí trung tâm, to cao, nổi bật nhất.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, năm 1998, sau một đợt thống kê, khảo sát toàn diện về Nhà Rông trên địa bàn, Sở Văn hóa – Thông tin (VH-TT, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTT&DL) đã tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Nhà Rông – Nhà Rông văn hóa, thực trạng và giải pháp” (tháng 9/1999) và sau đó tập hợp những tham luận tại Hội thảo xuất bản cuốn sách “Nhà Rông Bắc Tây Nguyên”. Từ kết luận của Hội thảo, Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum ban hành Chỉ thị số 21/1999/CT-UB ngày 25/11/1999 về việc “Duy trì và khôi phục Nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, là tỉnh Tây Nguyên đầu tiên và duy nhất (cho đến nay), chính quyền cấp tỉnh ban hành Chỉ thị về duy trì và khôi phục thiết chế đặc biệt này phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người dân.

Ngày 10/4/2002, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nhà Rông – Nhà Rông văn hóa” và sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 21/1999/CT-UB. Sau đó, những tham luận tại Hội nghị cũng đã được Sở VH-TT tập hợp và xuất bản thành sách dưới tiêu đề “Nhà Rông – Nhà Rông văn hóa” vào tháng 5/2002.

Từ những việc làm thiết thực của Sở VH-TT Kon Tum và nhận thấy, những vấn đề liên quan đến thiết chế Nhà Rông và văn hóa Nhà Rông từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới học giả, cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp, tham luận của các nhà khoa học để rút ra những kết luận cần thiết nhằm phát huy giá trị đặc biệt của Nhà Rông trong đời sống văn hóa cộng đồng, ngày 28, 29/4/2004, Viện Văn hóa – Thông tin (Bộ VH-TT) phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo chuyên đề Nhà Rông – Nhà Rông Văn hóa tại thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum), tỉnh Kon Tum. Hội thảo đã có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học đầu ngành và lãnh đạo ngành Văn hóa – Thông tin các tỉnh Tây Nguyên – duyên hải miền Trung. Hàng chục tham luận khoa học đã được các tác giả trình bày trực tiếp hoặc gửi đến Hội thảo.

15.10.4.2013

Nhà Rông Xơ Đăng do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Kon Tum tặng Trường Đại học ANND (Thủ Đức, TP HCM).

Nhà Rông Tây Nguyên được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học, thể hiện qua các công trình nghiên cứu và đã được xuất bản, phổ biến như: Nhà Rông của các dân tộc Bắc Tây Nguyên của PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng; Hoa văn trên Nhà Rông Bar Nar của T.S Nguyễn Duy Thiệu; Nhà Rông – Nhà Làng của nhà nghiên cứu Chu Thái Sơn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần 1, lần 2 của Sở VH – TT tỉnh Kon Tum; Kỷ yếu Hội thảo khoa họcNhà Rông- Nhà Rông văn hóa do Viện Văn hóa – Thông tin, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật (Bộ VH-TT) và Sở VHTT tỉnh Kon Tum xuất bản cuối năm 2004; Nhà Rông Tây Nguyên của hai tác giả Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng (NXB Thế giới 2007).

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đánh giá những thành tựu cơ bản, những thắng lợi đạt được của việc Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nên chăng, ngành VHTT&DL tỉnh nhà cũng cần tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị 21/1999/CT-UB ngày 25/11/1999 về việc “Duy trì và khôi phục Nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, để đánh giá kết quả cũng như hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị này đối với việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhằm tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

15.10.5.2013

Nhà Rông Bar Nar Kon Tum trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), khánh thành ngày 04/6/2003, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Nhà Rông là thiết chế văn hóa cổ truyền không thể thiếu đối với mỗi buôn làng Tây Nguyên, là biểu tượng sinh động, đầy kiêu hãnh của văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Vì thế, Nhà Rông Kon Tum – Tây Nguyên đã hiện diện ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam giữa Thủ đô Hà Nội, lấy nguyên mẫu (cả về kích cỡ, nguyên vật liệu) Nhà Rông làng Kon Rơ Bàng (xã Vinh Quang, Thành phố Kon Tum), toàn bộ vật liệu xây dựng chuyển từ Kon Tum ra, do chính 30 công dân người Bar Nar Kon Tum ra Hà Nội thi công trong ròng rã gần nửa năm trời. Tại Trường Đại học An ninh nhân dân ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh cũng sừng sững một ngôi Nhà Rông Xơ Đăng theo nguyên mẫu Nhà Rông làng Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, khánh thành và được tỉnh Kon Tum bàn giao tặng trường ngày 13/5/2006. Được biết, những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Nhà Rông Tây Nguyên bằng tranh, tre, nứa, lá cũng đã được dựng lên trong khuôn viên di tích lịch sử dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và Công viên Lê Nin (tức công viên Thống Nhất nay) ở thủ đô Hà Nội, được khách tham quan, du lịch chưa có dịp đến Tây Nguyên hết sức ngưỡng mộ.

Dù còn nhiều tranh luận, thậm chí có sự chưa thống nhất giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học về tên gọi hay chức năng của Nhà Rông Tây Nguyên, song có thể khẳng định, Nhà Rông đã và sẽ mãi mãi là biểu tượng đặc sắc, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Xin được trích dẫn ý kiến của hai nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng đã viết trong cuốn sách Nhà Rông Tây Nguyên (Viện Khoa học xã hội VN, NXB Thế giới xuất bản 2007) để kết thúc bài viết này: “Nhà Rông được thừa nhận là loại công trình kiến trúc dân gian có giá trị văn hóa lớn. Nó xứng đáng được tôn vinh như viên ngọc sáng của văn hóa cổ truyền Trường Sơn – Tây Nguyên và cần được giữ gìn như một di sản kiến trúc và nghệ thuật quý giá từ nghìn xưa tặng lại cho hậu thế. Văn hóa Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu .v.v…không thể thiếu vắng Nhà Rông, bởi đây là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa và của truyền thống mà những dân tộc này đã sáng tạo nên và nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, để đóng góp vào di sản văn hóa chung của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam”.

Bài và ảnh: Tôn Bảo

Trả lời