Sâm Ngọc Linh được tìm thấy từ năm 1968
Ngoài ông Nga, còn có nhiều người nguyên là cán bộ của Ban Dân y Khu 5, của Xưởng Dược Khu 5 hiện sống tại TP.Đà Nẵng, TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh xác nhận việc này. Như ông Đặng Nhân Tạo (bí danh Nguyễn Thiên Thạch) – nguyên cán bộ Ban Dân y Khu 5 giai đoạn chống Mỹ (1963 – 1975); ông Đinh Văn Năm – nguyên là cán bộ của Xưởng Dược Khu 5 (K.25) từ tháng 5.1965 đến tháng 4.2009 (năm 1965 – 1976 là Xưởng Dược Khu 5. Từ 1977 – 2009 đổi nhiều tên gọi và từ năm 2007 đến nay là Công ty CP Dược Danapha – NV).
Phát hiện ra Sâm Ngọc Linh
Đầu năm 1968, Ban Dân y Khu 5 giới thiệu anh Vũ Đức Minh về Xưởng Dược Khu 5 sinh hoạt tạm thời để có điều kiện đi tìm dược liệu theo yêu cầu của Khu ủy và Ban Dân y khu 5. Thời điểm này Xưởng Dược Khu 5 đóng quân gần nóc Bà Cúc. Vị trí này hiện nay nằm cạnh tuyến đường Đông Trường Sơn, đoạn nối giữa sông Nước Vin và sông Nước Xa, thuộc xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My.
Từ đây, kỹ sư Vũ Đức Minh đã có nhiều chuyến lên vùng cao Nam Trà My để tìm dược liệu và đã tìm được sâm đốt trúc (tức sâm Ngọc Linh hiện nay) tại xã Trà Linh. Sau đó, do chiến sự ác liệt, Xưởng Dược Khu 5 di chuyển về phía rừng sâu, gần nóc Ông Nây (chúng tôi gọi tên bí mật là nóc Ông Na) thuộc xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My ngày nay).
Thời gian kỹ sư Vũ Đức Minh công tác tại Xưởng Dược Khu 5 không lâu, chỉ khoảng 5 – 6 tháng, nhưng anh cũng kịp giúp cho xưởng tìm ra một số dược liệu có giá trị, đó là phát hiện các loại cây, dây để làm ra men rượu, dây hoàng đằng để sản xuất thuốc becberin, phát hiện vùng có nhiều củ bình vôi, phát hiện một vùng có trữ lượng lớn hoàng đẵng sâm mà sau đó đã khai thác để nấu cao trong một thời gian dài, cho đến tận sau ngày 30.4.1975 vẫn còn tiếp tục khai thác.
Anh Minh cũng chỉ cho chúng tôi cách nhận biết một số loại cây rừng, trong đó cây kim giao rất quý hiếm. Đặc biệt, cũng chính trong thời gian này anh Vũ Đức Minh đã phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh. Xin nói rõ một điều là vào thời điểm đó (năm 1968) không hề có tên gọi sâm Ngọc Linh, tài liệu giảng dạy cho các dược sĩ lúc đó cũng không có khái niệm về loài sâm này ở Việt Nam.
Bản báo cáo được cất giữ
Vào năm 1981, trong một hội nghị khoa học ngành dược, tổ chức tại Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, có vị giáo sư đã phản biện về báo cáo đề tài sâm khu 5 của TS.Nguyễn Thới Nhâm, với đại ý: “Đối với sâm Triều Tiên và các loại sâm chế biến trước đây là: “Tiền cam hậu khổ hậu cam cam”, còn sâm của các anh tôi nếm chỉ thấy “Tiền khổ, hậu khổ, hậu khổ khổ” nghĩa là trước sau chỉ thấy đắng”. Vào thời điểm đó, năm 1981, nhiều người vẫn chưa tin giá trị của sâm khu 5.
Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng, như Bộ Y tế, UBND các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, các viện nghiên cứu, các công ty kinh doanh có liên quan đến sâm Ngọc Linh, đều công nhận và tôn vinh DS-TS.Đào Kim Long, cán bộ thuộc Ban Dân y Khu 5 trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước trước năm 1975 là người đầu tiên tìm ra cây sâm Ngọc Linh, vào đầu năm 1973 tại một địa điểm ở sườn Tây Nam đỉnh Ngọc Linh, thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum ngày nay. Sự kiện này là hoàn toàn xác thực, bởi những người trong đoàn đi tìm và phát hiện ra sâm Ngọc Linh năm đó, đều còn sống tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đó thực sự là một sự kiện quan trọng, bởi vì chính từ thời điểm đó một thân cây nhỏ bé, củ sần sùi, tự sinh tự diệt từ bao đời dưới tán rừng nguyên sinh trên dãy Ngọc Linh đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến, nghiên cứu… Kết quả là ngày nay sâm Ngọc Linh đã trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao, danh tiếng của sâm Ngọc Linh đã có thể sánh ngang với sâm Triều Tiên, Hàn Quốc…
Nói chuyện này để thấy rằng vào thời điểm năm 1968, việc phát hiện sâm Ngọc Linh của anh Vũ Đức Minh chưa được đánh giá cao cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, anh Vũ Đức Minh là kỹ sư thực vật học, không phải là dược sĩ, cho nên những hiểu biết của anh về cây thuốc có khác biệt, hay có thể nói là có hạn chế về mặt y dược so với các dược sĩ.
Ngày đó, khi từ Trà Linh về, anh Vũ Đức Minh đã nói ngay với tôi là trong chuyến đi này anh phát hiện một giống cây rất quý và đem khoe với tôi một cây nhỏ có cả thân lẫn củ. Thân cây nhỏ cao khoảng 50cm, còn củ thì trông sần sùi, xấu xí, trọng lượng cả thân lẫn củ khoảng 4 – 5 lạng gì đó. Nhìn gương mặt hớn hở của anh, tôi nghĩ anh đang rất sung sướng. Anh bảo đây là cây sâm đốt trúc, một loại sâm rất quý hiếm, mà hầu như đã tuyệt chủng trên thế giới, rất may mắn là nó vẫn còn trong thiên nhiên tại khu vực núi Ngọc Linh này.
Một thời gian sau, trong hội nghị của Ban Dân y Khu 5, anh Vũ Đức Minh đã có báo cáo về đề tài sâm đốt trúc này. Báo cáo sau đó đã được in roneo, lưu giữ tại Văn phòng Ban Dân y khu 5 (Phòng Dược) và gửi về Khu ủy, mà trực tiếp là ông Trần Kiên – Thường vụ Khu ủy. Theo chỉ đạo của ông Trần Kiên, việc này nên được giữ bí mật, vì sẽ bị khai thác theo kiểu tận diệt. Đó là một chỉ đạo có tầm chiến lược của một con người có tầm nhìn xa. Nhưng cũng chính vì vậy mà không có nhiều người được biết về báo cáo này.
Những cuộc tìm về
Giữa năm 1968, tình hình chiến sự trở nên vô cùng ác liệt. Khu ủy 5 phải điều động cán bộ từ khu về tăng cường cho các tỉnh. Anh Vũ Đức Minh, anh Anh cùng chị Vân y tá, được điều về Bình Định. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau thì tin dữ bay về: anh Vũ Đức Minh và anh Anh đã hy sinh trong một chuyến công tác từ Gia Lai về Bình Định; chị Vân cũng bị thương nặng, được chuyển về hậu cứ, sau đó chuyển ra Bắc chữa trị.
Sau hòa bình là những biến động về tổ chức, nhân sự; trong đó có chủ trương giải thể các cơ quan của Khu 5. Hệ quả là nhiều thông tin, hồ sơ cán bộ, hồ sơ liệt sĩ bị thất lạc. Liệt sĩ Vũ Đức Minh là một trong số rất nhiều trường hợp liệt sĩ bị thất lạc hồ sơ đó. Anh Vũ Đức Minh đã hy sinh, những điều anh đã làm được; trong đó có báo cáo về đề tài sâm đốt trúc cũng dần đi vào quên lãng.
Giữa tháng 11.2019, chúng tôi sau nhiều lần tìm kiếm đã lần ra được địa chỉ của chị Thanh – vợ của liệt sĩ Vũ Đức Minh (hiện chị sống ở TP.Lạng Sơn). Liệt sĩ Vũ Đức Minh được gia đình, bạn bè tìm hài cốt và đưa về an táng tại nghĩa trang TP.Lạng Sơn vào năm 2003. (Đến lúc tìm thấy, hài cốt của liệt sĩ Vũ Đức Minh vẫn còn nằm tại nơi anh hy sinh: đó là căn hầm ở gần môt ngôi làng trong thung lũng An Lão, thuộc tỉnh Bình Định, bị máy báy Mỹ đánh sập). Chúng tôi – những cán bộ kháng chiến còn sống và biết rõ sự việc này, vẫn cho là sự thật cần được đánh giá một cách khách quan, công bằng và không thiên vị đối với công phát hiện ra sâm của liệt sĩ Vũ Đức Minh.
Có thể những người sau này khi tìm kiếm thông tin về sâm không biết gì về thông tin kỹ sư Vũ Đức Minh đã phát hiện ra sâm đốt trúc vào năm 1968, không biết gì về báo cáo đã được lưu giữ tại Văn phòng Ban Dân y Khu 5 và Khu ủy Khu 5 thời điểm đó, nhưng với lãnh đạo Ban Dân y Khu 5 (cụ thể là Phòng Quản lý dược, còn gọi là Phòng III) thì lại khác: việc xác định vị trí cũng như mục đích của chuyến đi tìm kiếm sâm Ngọc Linh năm 1973 không thể không dựa vào kết quả và báo cáo của kỹ sư Vũ Đức Minh trước đó được.
Có thể không ai có lỗi cho sự lãng quên này, lỗi thuộc về lịch sử, về thời gian. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các nhân chứng còn sống có thể cung cấp thêm những bằng chứng để minh định nghi vấn về người tìm ra sâm năm 1968 cho kỹ sư – liệt sĩ Vũ Đức Minh.
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Đức Nga)