Đăng nhập

Tản mạn nơi “một con gà gáy 3 nước nghe”

Tản mạn nơi “một con gà gáy 3 nước nghe”

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ), trong hồi ký“Trọn một con đường” của mình có viết: “Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát “Thánh địa” này. Và cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”. Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt – Miên – Lào cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh… Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương”.

nga-ba-dong-duong

Ngã ba Đông Dương

KTO.vn – Cái nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gọi là “thánh địa”, “vùng đất thiêng liêng” ấy chính là một trong hai“khu vực ba biên giới” trên toàn nước ta, thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp tỉnh Attapư – Lào và tỉnh Ratarakiri – Campuchia. (Điểm thứ hai là xã Xín Mần, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên – giáp Lào và Trung Quốc).

Từ cuối thế kỷ XVIII đến gần hết thế kỷ XIX người Xiêm (Thái Lan) đã xâm chiếm toàn bộ Nam Lào và Bắc Campuchia và rắp tâm lấn sang khu vực Tây Nguyên, nên có lẽ những dòng chữ sớm nhất viết về vùng đất ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào này là của Henri Maitre, nhà thám hiểm thuộc chính quyền Pháp, đã viết trong sách “Rừng người Thượng” (“Les Jungles Moi”, xuất bản năm 1912 tại Paris) rằng: “… Kon Tum, như người lính gác nhô lên phía trước… đứng đối diện với tiền đồn Attopeu của người Xiêm. Chính pháo đài này là chỗ dựa cho các nỗ lực trong cuộc chiến đấu chống lại người Xiêm, để giành quyền sở hữu hinterland”.(Hinterland: thuật ngữ chỉ vùng đất ở sâu trong đất liền, cách xa biển, có nền văn hoá riêng biệt. Đây chỉ khu vực Tây Nguyên).

Gọi nơi “pháo đài”, “người lính gác nhô lên phía trước” Bờ Y này là “Vùng đất thiêng liêng”, “Thánh địa”… vì nó có nhiều đặc biệt. Đặc biệt thứ nhất là vị thế chiến lược, như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), viết trong hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên”: “Có thể nói Tây Nguyên là “mái nhà” của Đông Dương, và vì vậy người Pháp khi phát hiện ra Tây Nguyên đã từng đánh giá ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Là một địa bàn chiến lược quân sự hết sức quan trọng như vậy nên cả ta và địch đều hết sức chú ý giành giật với nhau từng tấc đất trên cao nguyên này”. Và vì đặc biệt như vậy, nên tại rẻo cao Tam biên này đã được chọn làm nơi đóng đại bản doanh Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Nơi đóng căn cứ ấy được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó Chính uỷ Mặt trận, viết trong hồi ký “Ký ức Tây Nguyên”: “Đầu tháng 9 (năm 1965 – TVS) tôi đến Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Mặt trận đóng ở một cánh rừng già thuộc khu vực Tà Xẻng gần Ngã ba Đông Dương”.

Ngã ba Đông Dương là nơi con đường trên đất Việt chia về hai hướng, một hướng về tỉnh Attapư – Lào và một hướng về tỉnh Ratanakiri – Campuchia mà trong bài thơ dài“Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định:

“Trường Sơn đông nắng tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình…

Trên đường lớn Hồ Chí Minh

Gác Ba biên giới… mối tình Đông Dương”…

Đi từ Bắc vào Nam theo đường thiên lý Hồ Chí Minh, đến trung tâm thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum, du khách sẽ gặp một ngã tư. Ấy là chỗ giao nhau của ba con đường: Đường Hồ Chí Minh (tức quốc lộ 14 cũ), đường 14C và đường 40. Đường 40 khởi điểm từ ngã tư này đi vào khu vực biên giới chừng 10 cây số thì chia thành ngã ba Đông Dương.

Đặc biệt thứ hai ở đây là có một (trong hai) cột mốc ba mặt (trong khi lệ thường các cột mốc biên giới khác đều chỉ có hai mặt). Do vậy khi đã đặt chân đến Ngã ba Đông Dương, ai cũng háo hức muốn tận mắt “mục sở thị” cái cột mốc đặc biệt ấy. Cột mốc cách Ngã ba Đông Dương chừng 10 cây số, trên một ngọn đồi cao 1.068m, gọi Đồi Tròn. Ở đây, ngày 18-01-2008 có mặt đầy đủ đại diện Bộ Ngoại giao ba nước và đại diện lãnh đạo ba tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) đã diễn ra buổi lễ khánh thành cột mốc chung mang số hiệu 2007. Cột mốc là khối đá granit cao 2 mét, hình trụ tam giác, 3 mặt hướng về 3 nước, mỗi mặt khắc Quốc hiệu, Quốc huy từng nước, đỏ màu son. Đứng trên bệ mốc, giữa đỉnh Đồi Tròn, phóng tầm mắt nhìn mênh mang núi rừng liền ba nước, lòng dâng trào một nỗi niềm quan tái, nhất là vào những buổi chiều tà sương buông bãng lãng hay những ngày mưa trắng xóa biên thùy.

Đặc biệt thứ ba là ngoài cửa khẩu quốc tế Bờ Y thông thương Việt – Lào hiện có, cũng tại đây, theo kế hoạch đã được trình duyệt, sẽ mở thêm cửa khẩu sang Campuchia. Như vậy, trong tương lai sẽ có cặp cửa khẩu kép song trùng nằm ở hai bên cột mốc ba mặt và cùng đổ về ngã ba Đông Dương.

Lượng khách tham quan miền biên ải này ngày càng nhiều. Có lẽ còn nhiều hơn nữa khi khu đô thị Tam biên hình thành. (Theo Quyết định số 225/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch khu Đô thị Biên giới loại 2 tại đây với diện tích trên dưới 70.000 héc-ta, có đường biên giáp Lào 30km, giáp Campuchia 25km).

Ý tưởng thành lập khu “Tam giác phát triển” này bắt đầu từ cuộc họp cao cấp lần thứ nhất tại Viêng Chăn năm 1999 giữa Thủ tướng 3 nước. Khu Tam giác gồm các tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia); Atôpơ, Sê Kông (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông (Việt Nam). Tại Hội nghị cấp cao lần thứ tư ở Đà Lạt tháng 12-2006, Thủ tướng Hun Xen (Campuchia) đã đánh giá khu Tam giác rằng: “Vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Lào- Campuchia có giá trị như một bình ắc-quy khổng lồ của ba nước”! Cũng tại Hội nghị này 3 Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung về phương hướng phát triển khu Tam giác, lập Ban điều phối chung. Đến cuối năm 2012 tại thành phố Kon Tum, đại diện 3 nước lại họp bàn kế hoạch, rồi đầu năm 2013 cả 3 Thủ tướng lại gặp nhau tại Viêng Chăn bàn chuyện đẩy nhanh tiến độ phát triển vùng Tam giác. Chắc chắn nơi này sẽ là một… tam giác vàng trong tương lai! (Dĩ nhiên không thể lẫn lộn với “tam giác vàng”của tướng phỉ Vàng Pao).

Ngày nay, du khách qua đây, hiển lộ trước mắt một công trường bề bộn, loanh quanh đường ngang lối dọc rộng mở thênh thang với các công trình xây dựng đang ngổn ngang dang dở. Nhìn vào sơ đồ quy hoạch, khu đô thị Biên giới có nhiều hạng mục hấp dẫn, như: Khu dân cư đô thị, Khu dân cư nông thôn, Làng văn hóa Tây Nguyên, Làng văn hóa Asean, Khu thương mại tự do, v.v…

77923785

Cột mốc Ba biên giới

Với viễn cảnh đô thị hoá một vùng núi rừng biên giới, người đến sau này sẽ khó còn gặp lại một cảnh sắc tiêu sơ hoang dã, một cảm xúc biên tái nữa. Nhưng tại đây đã là nguồn cảm xúc của thi ca của những hồn thơ ở cả hai phía đối đầu một thuở chưa xa. Năm 1971, một anh “lính thú” biệt động biên phòng thời chính quyền Sài Gòn đồn trú tại đây đã có những vần thơ đầy tiêu sái và chán chường:

“Trường Sơn nhón gót trông Lào Hạ

Mù cuối chân mây sắc lá rừng

Xuân đến áp lưng sườn đá dựng

Nhìn rừng vây núi, núi vây mây

Chẳng biết phương nào phương cố quận

Phương nào cũng thấy khói mây bay…

Ta thuở lưu đồn trên đất khách

Xuân về thêm tủi phận tha phương

Trường Sơn xuân quạnh đồn biên trấn

Rượu uống say nhừ vọng cố hương”…

(Lê Nguyên Ngữ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Cùng khoảng thời gian đó, một anh lính pháo binh khác của Sài Gòn cũng đồn trú tại chiến trường này có thơ:

“Một mai về lại Tam biên đó

Hãy ngắm Pô Kô, núi Phượng Hoàng

Thấy ta như một vầng trăng nhỏ

Ngủ dưới chân rừng đêm tối đen…

(Lâm Hảo Dũng – “Một mai về lại Tam biên đó”).

50866964_Hinh-16

Cột Mốc Biên Giới bên những khách du lịch phượt

Với cái “khí thế chiến đấu” rệu rã của những “tay súng” bất đắc dĩ ấy, nên liền năm sau-năm 1972 – thiếu tướng Hồ Đệ, nguyên Sư trưởng Sư 10, viết trong hồi ký “Tây Nguyên – Dấu ấn một thời” nói về sự xóa sổ của một quân đội, một chính quyền đối trọng: “Ngày 12 tháng 10 năm 1972, trung đoàn (Trung đoàn 66 – TVS)tiêu diệt được cứ điểm Bến Hét (Plây Cần) là cụm công sự vững chắc trên trục đường 18 ngã ba biên giới ba nước. 800 tên địch vừ bị diệt vừa bị bắt… mở đầu lịch sử cho Sư đoàn 10”.

Và năm 1974, nhà thơ – nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi trên đường công tác ngang qua vùng rẻo cao này, giữa mùa thu gặp rừng “trâng” lá đỏ tuyền như máu, đã để lại bài thơ “Lá đỏ” đầy khí hùng chiến thắng: “

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn”.

Cũng nên nói thêm một “đặc biệt” thứ tư nữa tại đây. Đây chính là nơi đã từng được nhiều người quan tâm vì là nơi cư trú của tộc người B’râu, một trong 5 dân tộc ít người nhất trong 54 dân tộc, mà tháng 4-1991 được phát hiện trong rừng chỉ có chừng 150 người, từng “bị” báo chí lu loa rằng có nguy cơ tiệt chủng! Nay nhóm cư dân này đã trên 300 khẩu, sống rải dọc theo đường 40, cạnh ngã ba Đông Dương. Nhà thơ Lê Thanh My ở miền sông nước An Giang đã cảm xúc nên bài “Hát đi em, cô gái B’râu”:

“Này em, cô gái B’râu

Hát lên đi cho mặt trời thức dậy

Đất đỏ nơi này làm lúa ngô sáng mẩy

Cái nương cái rẫy đang chờ…

Cô gái B’râu có nụ cười như cỏ lá

Nghiêng vai mang rừng núi trên gùi…”.

Chuyện cảm xúc thơ ca nơi vùng rẻo cao tam biên này thì phải một bài tản mạn khác mới điểm được hết những vần thơ biên tái.

Tất cả đều còn là phía trước. Tuy nhiên khách đến cái nơi “người lính gác nhô lên phía trước” này cũng có thể tưởng tượng hình ảnh một thế liên hoàn của trục hành lang kinh tế Đông – Tây: Từ Nam Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Bắc Campuchia, Nam Lào… sẽ ngang qua đây để đi về phía biển Việt Nam. Lúc ấy,“vùng đất thiêng liêng có tên ngã ba biên giới” sẽ là nơi tụ hội toàn xứ Đông Dương và khu vực Tây Bắc khối Cộng đồng ASEAN.

Tạ Văn Sĩ

Trả lời