Đăng nhập

Tượng nhà mồ Kon Tum được săn đón

Tượng nhà mồ Kon Tum được săn đón

KTO – Giữa tháng 3, tại Măng Đen (Kontum), một huyện nhỏ bé nằm chênh vênh trên rặng núi từ Trường Sơn Đông chạy ra phía biển miền Trung, vang lên tiếng chiêng trống mừng lễ hội Xuân của người dân tộc Jrai, Giẻ Triêng, Lào, Ê Đê.

tuong-nha-mo-large

 

Một cuộc liên hoan điêu khắc dân gian đã làm thức dậy trong lòng người ước muốn được đến chiêm ngưỡng “Không gian văn hóa cồng chiêng”: Thưởng thức văn hóa tượng nhà mồ Tây Nguyên. Hàng trăm tượng gỗ mới được các nghệ nhân của hàng chục dân tộc thiểu số ứng tác tại chỗ trên gỗ, bằng dụng cụ đẽo tượng truyền thống là chiếc rìu thô sơ.Đầu thế kỷ XXI, một làn sóng xây dựng nhà vườn nổ ra trên khắp cả nước, và đi theo nó là phong trào sưu tập tượng nhà mồ Tây Nguyên, vơ vét những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian cổ, một đại diện đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên, đưa về trưng bày trong nhà vườn phố thị.

Chúng ta không lên án các nhà sưu tập này, bởi không có họ, hàng ngàn trang sách nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên của các nhà khoa học xã hội và văn hóa cũng trở nên khô khan, thiếu thuyết phục.

Không có những nhà sưu tập vốn là các linh mục truyền đạo, các họa sĩ lặn lội vào rừng và cuối cùng là các nhà sưu tập có “nhãn quan văn hóa” và có tiền, thì đã không giữ được hình hài quá trình chuyển biến của một nền điêu khắc dân gian chợt đến, chợt mất đi vào tro bụi đời sống.

Nhưng một thế hệ các nhà sưu tập tượng nhà mồ Tây Nguyên mới vào đời cũng đã góp phần làm thay đổi giá trị của loại hình nghệ thuật tại chính nơi sản sinh ra nó.

Tại Liên hoan Văn hóa Măng Đen tháng 3 năm nay, những tượng nhà mồ được các nghệ nhân thực hiện đa số là tư duy văn hóa du lịch, phô diễn những đường rìu khỏe, dứt khoát của truyền thống làm tượng, nhưng đề tài đã thay đổi khá nhiều, gần như mô tả đời sống hiện tại, nhưng thiếu một quan điểm nhân sinh quan như tượng nhà mồ thế kỷ trước.

Tượng mô tả sinh hoạt gia đình chung chung, gói ghém theo ước mơ sung túc, vui vẻ. Có cảm giác các nghệ nhân này đến từ phố, những thị trấn du lịch với các cửa hàng lưu niệm, nên mang theo ý niệm điêu khắc gỗ dân gian dành cho du khách, chứ không mang tinh thần của một loại hình nghệ thuật giao tiếp với thế giới tâm linh.

Tác phẩm của họ gợi nhớ đến các cửa hàng lưu niệm dày đặc bên bờ sông Đăk Bla (Kontum). Điều đó có thể suy luận nếu như lễ Bỏ mả của đồng bào thiểu số dần phai nhạt, văn hóa phục vụ du lịch lên ngôi sẽ xuất hiện một giai đoạn điêu khắc mới của Tây Nguyên.

Thực tế, không gian văn hóa của lễ Bỏ mả đã nhạt, do ở nhiều làng, đồng bào bây giờ theo tục mới, vào quy hoạch nghĩa trang, xây mộ bê tông như người Kinh.

Muốn thưởng thức đặc sản văn hóa tượng nhà mồ, đại biểu đặc sắc nhất của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, chỉ còn một vài địa chỉ “vàng”.

Bảo tàng Các dân tộc Việt Nam tại Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) là nơi có bộ sưu tập tượng nhà mồ với những biểu hiện ý niệm sinh thành (các cặp trai gái giao hoan, phô bày bộ phận sinh dục, những người đàn bà đang mang thai và cuối cùng là các hài nhi) vẫn còn thấy thịnh hành cho đến thập niên 80 thế kỷ trước.

Ở Nhà trưng bày Dân tộc học của Tòa Tổng giám mục Kontum, tượng nhà mồ do các nhà truyền giáo sưu tập từ thập niên 40-50 thế kỷ XX cũng là những đại biểu xuất sắc cho văn hóa các tộc người ở Bắc Tây Nguyên.

Một địa chỉ “vàng” khác là Cà phê Êva (số 1 Phan Chu Trinh, Kontum), quán cà phê văn hóa nổi tiếng nhất Tây Nguyên nhờ sở hữu một bộ sưu tập lớn về tượng nhà mồ nguyên thủy của người Ê Đê, Giẻ Triêng, Jrai.

Rồi đây, tượng nhà mồ Tây Nguyên tiêu biểu chắc chắn chỉ còn trong Bảo tàng Dân tộc học. Sẽ xuất hiện và phổ biến những đại diện điêu khắc dân gian mới, làm nhiệm vụ giới thiệu văn hóa Tây Nguyên theo nếp sống mới như từng thấy ở Măng Đen, sử dụng trong sưu tập và trang trí nhà vườn, quán cà phê như hiện nay. Một nền điêu khắc dân gian Tây Nguyên phục vụ du lịch đã bắt đầu.

HỒNG BÍCH

Để lại một bình luận