Đăng nhập

Má Sáu từ thiện

Má Sáu từ thiện

KTO – Ở TP Kon Tum ai cũng gọi cụ Đặng Thị Phương là “Má Sáu từ thiện”. Mặc dù đã bước sang tuổi 81, sức đã mòn, sống neo đơn, không nơi nương tựa, nhưng cụ luôn hướng đến người nghèo, chẳng nề hà những chuyến đi từ thiện. Tấm lòng vàng của má Sáu đã nâng đỡ không biết bao nhiêu phận người ở lúc gian khó nhất.

 903a0f16a8aa1b63a1007c86c7c5649d_XL

Hết lòng vì người nghèo

Cụ Phương hiện trú ở đường Hàm Nghi, Tổ dân phố 8, phường Duy Tân. Chuyện đi làm việc thiện của cụ bắt đầu từ năm 1996. Ngày đó, cứ vào dịp rằm và mồng một hằng tháng, cụ lại mang hoa quả, nến nhang, xôi chè đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kon Tum, Ngục Kon Tum, nơi có vong linh các Anh hùng liệt sĩ để nhang khói cho người đã khuất. Theo cụ Phương, ở những nơi này rất nhiều chiến sĩ hy sinh anh dũng vì Tổ quốc nhưng quanh năm chẳng có người thân và gia đình đến viếng thăm.

Năm 2005, ngoài việc hương khói cho các liệt sĩ ở nghĩa trang, cụ Phương lại bắt tay vào công việc mới. Đó là đến từng nhà vận động bà con nhân dân trên địa bàn TP Kon Tum quyên góp quần áo và những vật dụng cũ, mang về nhà sửa chữa, giặt giũ và đóng gói cẩn thận để làm quà tặng cho người nghèo. Ngày trước, việc làm của cụ khiến cả khu phố tò mò. Người thì bảo cụ đi buôn đồ cũ; kẻ lại cho rằng cụ rỗi hơi làm những việc không đâu, có người bán tín bán nghi cho rằng đến lúc cụ trở tính… Đến nay, công việc “khác thường” đã trở thành “chuyện bình thường”. Người dân thầm cảm phục tấm lòng nhân ái của cụ và tự khi nào các bà, các chị trong khu phố ghé qua chung tay, góp sức cùng cụ. Như được tiếp thêm sức mạnh, mỗi sáng thức dậy, cơm nước qua loa cụ lại đạp xe đạp đến gõ cửa bất cứ gia đình nào, “xin” bất cứ vật dụng gì miễn rằng những thứ đó bà con dân tộc nghèo đói và rét mướt ở vùng sâu, vùng xa đang thiếu.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Phương cho biết: “Ban đầu, tôi cũng bị hiểu nhầm bởi rất nhiều gia đình cứ nghĩ tôi đi xin cho mình bởi không có ai nuôi. Nhưng mừng nhất là đến bây giờ, việc làm của tôi được nhiều người ở TP Kon Tum nhiệt tình ủng hộ”.

Ngày nào cũng vậy, bữa quyên góp được ít cụ cho vào bao vận chuyển bằng xe đạp về nhà. Bữa kiếm được nhiều, cụ thuê xe thồ. Những đồ quyên góp được, cụ bao giờ cũng mang ra giặt giũ, hong phơi, sau đó khâu vá, đóng gói rất gọn gàng và cẩn thận rồi mới mang đến tận tay người nghèo. Không chỉ vậy, cụ còn bỏ tiền mua nhiều món đồ ăn tặng cho người khó khăn. Nghe nói ở đâu có hoàn cảnh đáng thương, cụ lại chuẩn bị sẵn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện đến tặng quà. Thêm nữa, hằng tháng, với 600 nghìn đồng được Nhà nước hỗ trợ “Người có công với cách mạng”; 400 nghìn đồng từ chế độ “người già neo đơn” và một triệu đồng tiền cho thuê mặt bằng từ hai gian nhà của gia đình, cụ đều dành hết làm việc thiện.

“Sống ở đời cần có một tấm lòng”

Kể lại công việc mỗi ngày đã thấy phục sự lăn lộn, nhiệt tình của cụ. Nhưng không phải lúc nào việc làm từ thiện cũng thuận. Có những khi cạn tiền, chưa chuẩn bị kịp, cụ phải mang sổ đỏ của chính mình đi làm tin vay nóng một ít tiền mua quà tặng. Dấn thân như thế, cụ bảo: “Sống ở trên đời, cần có một tấm lòng. Cứ làm được việc tốt là tôi thấy vui vẻ”.

Từ năm 2005 đến nay, thông qua Hội Chữ thập đỏ các huyện Kon PLông, Sa Thầy, Kon Rẫy, TP Kon Tum…, đã có hàng chục chuyến hàng, hàng trăm nghìn bộ quần áo, chăn màn, giày dép cũ được cụ mang đến trao tận tay người nghèo. Ở phường Duy Tân, hễ có gia đình nào có người ốm đau, gặp phải rủi ro bất trắc đều tìm đến cụ. Đó là trường hợp của gia đình chị Tâm, khi anh Sơn (chồng cô Tâm) bị bệnh nặng không có tiền chữa trị, cụ Phương đã về tận huyện Phù Mỹ (Bình Định) mời thầy thuốc lên Kon Tum chữa trị cho anh Sơn. Đồng thời chi trả một triệu đồng cho thầy thuốc chữa bệnh, cho đến nay chị Tâm chưa hoàn trả, cụ Phương xua tay “Thôi! Khó khăn như mày tao tặng luôn”. Hay như trường hợp của gia đình chị Lý. Khi nghe tin con gái chị vào đại học, chị Lý vay cụ 1,7 triệu đồng (tương đương 3 chỉ vàng ngày ấy) để đưa con đi học ở TP Hồ Chí Minh. Đến nay, đã gần bảy năm trời chị Lý chưa hoàn trả, cụ cũng bảo “Thôi cho chúng nó, vì tương lai lũ nhỏ”…

Nói về việc làm từ thiện của cụ Phương, chị Huỳnh Thị Xuân Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, phường Duy Tân chia sẻ: “Cụ Phương là người suốt ngày chỉ biết đi làm từ thiện. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 81, sống neo đơn nhưng cụ Phương vẫn dành thời gian và tiền của để đến với người nghèo, chia sẻ khó khăn với người nghèo. Hiện tại, cụ sống trong gian nhà chật chội, dành ngôi nhà hai gian rộng rãi phía trước của mình cho một gia đình khác thuê mỗi tháng một triệu đồng lấy tiền đi làm từ thiện. Bữa ăn hằng ngày của cụ là cháo trắng, cụ dành dụm tất cả những tiêu chuẩn được Nhà nước trợ cấp (một triệu đồng/tháng), để mua quà tặng người nghèo. Tấm lòng của cụ thật đáng quý”. Trong suốt câu chuyện, cụ Phương luôn cười hóm hỉnh, dường như, với cụ, nhiệt huyết chưa bao giờ vơi. Đúng như lời cụ chia sẻ: “Thân già này còn được sống ngày nào, già sẽ dành hết tâm sức cho những người còn nghèo đói”.

TRẦN THỊ LUYÊN

Trả lời