Đăng nhập

Văn hóa Bahnar: Vẻ đẹp của sử thi Bahnar

Văn hóa Bahnar: Vẻ đẹp của sử thi Bahnar

Ra đời và tồn tại như một mắt xích quan trọng trong cuộc sống, Hơmon-sử thi của người Bahnar gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên nói chung, người Bahnar nói riêng, từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Diông, Dư, Dăm Noi… Mang trong mình những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa về một giai đoạn lịch sử nhất định, Hơmon là một phần bản sắc của dân tộc Bahnar, phản ánh lịch sử, xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, đẹp như một khúc tráng ca.

Vừa mới đây thôi, loại hình diễn xướng bằng hình thức hát kể có sức sống vượt thời gian ấy đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui của cộng đồng dân tộc Bahnar các huyện phía Đông (gồm Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro)-chủ thể của di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của mỗi chúng ta.

Văn hóa Bahnar: Vẻ đẹp của sử thi Bahnar
Một đêm hát kể sử thi ở làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Văn Huynh


1.

Cầm trong tay cuốn Sử thi Giông Trong Yuăn, tôi lại bị những lời hát đầy chất thơ mê hoặc: “Ê…/Một cái làng đông vui/Hơn ba trăm nóc nhà to cao, rộng dài/Nhà nào cũng có buồng ngủ ấm áp bên trong/Nhà rông hơn ba trăm sải sừng sững/Đụng trời xanh mái cao ngất ngưởng/Rì rầm sông trôi dưới gầm sàn/Nước bạc nước vàng/Mặt trời lấp loáng…”. Được hát kể bởi già làng tên Păh, người làng Krong Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ), theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch); người sưu tầm sử thi này, Giông Trong Yuăn là một “sử thi cổ sơ của người Bahnar Tơlô”, là “câu chuyện được hát kể theo trật tự tuyến tính, toàn bộ nội dung xoay quanh việc tranh chấp giữa các làng Bahnar xưa với nhau, qua đó phản ánh cuộc sống và ước mơ chinh phục tự nhiên của con người và phản ánh những cuộc chiến tranh của những người anh hùng”, mà cụ thể ở đây là một bên do Giông Trong Yuăn-một người tài giỏi, oai phong là đại diện với phe còn lại là Giông Ayôr Pôr Kuan; để rồi bên thua trận phải chấp nhận bồi thường nhiều của cải để được sự tự do. Chuyện kết thúc với bữa rượu lớn kéo dài trong sự hoan hỉ của tất cả mọi người; và khi mà hận thù đã hết, các làng lại trở nên thân thiện, gần gũi.

Nhắc lại chuyện đi sưu tầm Giông Trong Yuăn, anh Nguyễn Quang Tuệ kể: “Là người Bahnar Tơlô, tháng 9-2003, khi diễn xướng sử thi này, bok Păh đã ngoài 65 tuổi. Có thể xem Păh là một trong những người có giọng hát kể sử thi vào loại hay nhất Gia Lai đến thời điểm đó. Vừa đảm nhiệm mọi công việc liên quan đến cúng bái, xử phạt… của làng một cách uy tín, Păh vừa là một người đàn ông thạo nghề đan lát, chặt cây, đẽo gỗ. Giông Trong Yuăn đến và nhập vào bok Păh một cách đặc biệt, khác với nhiều nghệ nhân khác. Câu chuyện Giông Trong Yuăn được bok Păh hát kể liên tục vào các buổi tối, trong gần một tuần với hơn 10 băng cassette HF 90. Những buổi tối diễn xướng ấy đã kéo dân làng đến chật nhà rông, ngồi tràn cả xuống sân cỏ…”.

2.

Nội dung cơ bản xuyên suốt trong mỗi tác phẩm sử thi bao gồm 3 nhiệm vụ của người anh hùng là lấy vợ, lao động và đánh giặc, trong đó đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm. Giông Trong Yuăn cũng vậy. Lấy vợ là việc làm của hầu hết các anh hùng trong sử thi của các dân tộc đều phải trải qua; nhưng đó không phải là những cuộc hôn nhân bình thường mà là các cuộc hôn nhân của xã hội sau thời đại anh hùng. Nếu trong Diông Trong Yuăn là cướp phụ nữ về làm vợ, trong Diông Dư là giành lại vợ của mình bị cướp thì hành động cứu phụ nữ bị cướp rồi lấy làm vợ lại được đặc tả trong Hơmon Đăm Noi, Kon Kra-Kon Krung. Sự hình thành và thực hành Hơmon trải qua một quá trình lâu dài, mà trong đó công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến hoạt động sáng tạo của các nghệ nhân hát-kể Hơmon. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Trong quá trình hát kể sử thi, họ đã vận dụng và sáng tạo nên những câu chuyện về người anh hùng, về văn hóa, đời sống xã hội của cộng đồng, dân tộc. Hơmon thường được chia thành nhiều đoạn, mỗi khúc đoạn mô tả về một sự kiện, thậm chí một nhân vật, một hiện tượng văn hóa.

Kể cùng tôi quá trình đi điền dã, tìm đến với đồng bào Bahnar ở Glar, Adơk, Ia Pết (huyện Đak Đoa); Lơ Ku, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, thị trấn Kbang (huyện Kbang); Ya Hội, Yang Bắc (huyện Đak Pơ); Chơ Long, Chư Krey, Sró, Ya Ma, Đak Sông, Đak Pling (huyện Kông Chro)-những chủ thể văn hóa của di sản Hơmon; những cán bộ của Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) như anh Ksor Phúc, Bùi Vũ Linh giọng ăm ắp niềm vui. Anh Phúc cho hay, Hơmon thường được hát-kể vào đêm không trăng. Nghệ nhân hát-kể nằm trên đầu hồi nhà rông phía Tây và chìm trong bóng tối, chỉ có giọng hát-kể vang lên trên nền đêm đen. Người nghe ngồi thành từng nhóm quanh những đống lửa chăm chú lắng nghe diễn biến của sử thi từ sự kiện này sang sự kiện khác, khiến cho mọi người hòa nhập với mạch kể của sử thi. Số lượng đông đảo người nghe tạo thêm niềm hưng phấn cho tâm lý và giọng điệu, diễn tấu của người kể, khiến cho câu chuyện về người anh hùng càng thêm hấp dẫn, lôi cuốn. Trong không gian im ắng ấy, tiếng nghệ nhân ngân nga vang lên, như vọng lại từ một không gian xa xôi thần bí. Cả người kể lẫn người nghe đều bị nghệ thuật và không gian diễn xướng mê hoặc, dẫn dắt theo, như sống trong diễn biến của câu chuyện. Đây cũng chính là điều làm nên sức sống và sự truyền cảm của nghệ thuật diễn xướng hát kể của Hơmon tồn tại qua bao thế hệ người Bahnar.

Văn hóa Bahnar: Vẻ đẹp của sử thi Bahnar
Nghệ nhân Đinh Tim, làng Kliêt, xã Ya Hội, Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Văn Huynh


3.

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: “Di sản Hơmon của người Bahnar ở tỉnh Gia Lai là vô giá về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ở tỉnh Gia Lai, sử thi được phát hiện và công bố đầu tiên vào năm 1982, là sử thi Đăm Noi của dân tộc Bahnar do nhóm tác giả Đinh Văn Mơl, Tô Ngọc Thanh, Phạm Thị Hà sưu tầm và biên dịch. Đến nay, Gia Lai đã công bố gần 20 sử thi. Những tác phẩm này không những có giá trị thuộc phạm trù văn học dân gian, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu mới về lịch trình phát triển xã hội, đất nước, con người của cư dân nơi đây, mà còn đóng góp rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”.

Cũng theo ông Vũ, sử thi của người Bahnar có giá trị khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sử học, dân tộc học, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán và nhiều tri thức dân gian khác nhau của cộng đồng. Mỗi tác phẩm luôn chứa đựng nội dung phong phú, đa dạng và phản ánh khát vọng, ước mơ vươn tới một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng, thanh bình của cộng đồng; được tạo dựng nên từ hàng ngàn câu văn có vần điệu, một thể loại ngôn từ truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Cũng bởi thế, sử thi Tây Nguyên nói chung, của người Bahnar ở tỉnh Gia Lai nói riêng được các nhà khoa học trong và ngoài nước hết sức quan tâm sưu tầm, nghiên cứu để từ đó đưa ra những giá trị khoa học, nhằm bảo tồn và phát huy di sản sử thi. Qua các tác phẩm Hơmon, các nhà khoa học có thể tìm hiểu về lịch sử, cuộc sống, con người, phong tục, tập quán của dân tộc Bahnar về những thời đại đã qua. Có thể nói, những tác phẩm Homon đã được sưu tầm, in ấn và sự tồn tại của các dị bản của sử thi trong trí nhớ của các nghệ nhân Bahnar đóng góp một phần không nhỏ về mặt khoa học trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Thái Bình

Trả lời