Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum qua góc nhìn Flycam
Ảnh: Lê Vương Trị
CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM (1935 – 2021)
“Chính Đức cha Jannin vừa thiết kế và thi công ngôi Trường Truyền Giáo. Người ta gọi Ngài vừa là kiến trúc sư vừa là đốc công của toà nhà là không ngoa tí nào. Trước tiên vị trí được chọn nằm trên một ngọn đồi, đối diện và cách Trường Cuenot 600m về hướng Bắc. Đó là một toà nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chít, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt mà người Pháp gọi là “Bois de fer” 😊 gỗ sắt), nhà gồm hai tầng lầu và một tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xây xi măng cao 2 mét. Theo thiết kế, chính giữa là Nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Năm 1933, tiến hành thi công dãy nhà cánh trái (phía Đông) và nhà nguyện. Chẳng may, khi khung nhà mới được dựng lên, thì một cơn lốc mạnh đã làm sụp đổ hoàn toàn. Thế là phải làm lại từ đầu. Với sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả thầy lẫn thợ, cuối cùng cánh trái và nhà nguyện cũng được hoàn thành, sẵn sàng để khai giảng vào năm 1935. Dãy nhà bên phải nhà nguyện tiếp tục được thi công, và công việc xây dựng dãy nhà này đã hoàn thành cách an toàn vào năm 1937.”
“Giáo dân Kinh – Thượng đóng góp: Kẻ góp công, người góp của.
Công lao nhiều nhất là giáo hữu người Thượng: Họ đã dùng voi kéo gỗ từ những cánh rừng xa về, dùng voi để dựng nhà…
Trên con đường vào chính diện Nhà nguyện Tiểu Chủng viện Kontum, có 02 hàng cây Đại (Sứ) cổ thụ mà chúng ta còn thấy đến ngày hôm nay là do các chú chủng sinh lớp đầu tiên khóa năm 1935 trồng. Tiếp đến là 02 cây Ngọc Lan thơm ngát hai bên, trong hàng cây đại là do Cha Giám đốc Alexis Phạm Văn Lộc trồng vào những năm 1960.”
1. Trích: 75 NĂM CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM (1935-2010) – Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
2. Trích: Kỷ Yếu của Chủng viện Thừa sai Kontum, trang 95.
P/S: Thiết nghỉ, cần có môn học lịch sử địa phương trong chương trình học phổ thông.
Để những thế hệ nối tiếp, được hiểu rõ về lịch sử, qua đó thêm yêu quê hương và biết ơn các bậc tiền nhân đã cày xới vùng đất Kontum được màu mỡ cho đến ngày nay. Mai kia lớn lên nếu trở thành nhà hữu trách, chúng sẽ ứng xử với quê hương bằng tình yêu và lòng biết ơn, để biết bảo tồn và tôn vinh những di sản, dấu tích mà tiền nhân để lại, biết gìn giữ lấy bản sắc văn hóa. Sẽ không có những nuối tiếc về ngôi trường Hoàng Đạo hay những cây dông, xà cừ ở đầu cầu Đăk Bla, và những ngôi làng người thượng hai bờ Đăk bla được trường tồn.
Xem thêm: