Đăng nhập

Tòa Giám Mục Kon Tum – Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum

Tòa Giám Mục Kon Tum – Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH CHỦNG VIỆN THỪA SAI KONTUM.

Đại chủng sinh Phaolô Nguyễn Công Trương Lớp Triết 2. Đại Chủng Viện Huế niên khóa 2012-2013 tổng hợp các thông tin giúp chúng ta tìm hiểu một lò ươm linh mục trên cao nguyên Kontum với một bề dày lịch sử phong phú. Xin cám ơn thầy. Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, phụ trách môn Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam. ĐCV XB Huế.

Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum
Chủng Viện Thừa Sai ngày xưa.
Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum
Chủng Viện Thừa Sai hiện nay.

 1. Lời mở đầu.

Chủng viện là vườn ươm nuôi trồng ơn gọi, là con ngươi của giám mục, nơi đó dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ngày đêm đang đào luyện những con người với chí hướng dấn thân quên mình phục vụ tha nhân như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “ Các con hãy ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ( Mc 16,15).

Một trăm sáu mươi lăm năm ( 1848-2013), đó là thời gian khởi xướng chương trình truyền giáo vùng dân tộc Tây Nguyên của Thánh Giám Mục Cuetnot Thể và cũng là thời điểm Đức Cha muốn di chuyển việc đào tạo linh mục tương lai lên vùng đất Tây Nguyên này để tránh những cơn bách hại của Triều Đình Huế đang truy kích giáo sĩ và giáo dân tại Trung Châu thuộc vùng giám quản của Ngài.

Ý hướng xây dựng một chủng viện dần dần được thực hiện trên vùng Truyền Giáo Kontum. Thế nhưng, với nhiều lí do chủ quan cũng như khách quan (địa bàn, đường sá, nhân sự và bệnh dịch) đã không cho phép Ngài thành lập một chủng viện trên miền rừng núi Tây Nguyên, nhưng Ngài đã khởi xướng chương trình để thế hệ những người đi sau tiếp tục đường hướng đó, người đã tiếp nối đường hướng thành lập một chủng viện trên vùng rừng núi Tây Nguyên không ai khác đó chính là Đức Cha Jannin vị giám mục đại diện tông tòa tiên khởi Giáo Phận Kontum. Ngài cũng chính là tác giả của 2 công trình vĩ đại đó là Trường Cuenot Thể được xây dựng năm 1908 và Chủng Viện Thừa Sai Kontum. Những công trình đó như là kỷ niệm mà Đức Cha Jannin đã để lại cho Giáo Phận Kontum và cũng là biểu tượng nói lên tinh thần Thừa Sai của các linh mục trên vùng truyền giáo Tây Nguyên này. Dù trải qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu khó khăn, nhưng các ngài vẫn luôn kiên vững, mạnh mẽ, đầy can đảm lướt thắng mọi cản trở, khó khăn đem niềm vui đến cho những người đang khao khát mong chờ được đón nhận Tin Mừng của Chúa.

Giờ đây chúng tôi xin được phác họa lại hoàn cảnh, ý hướng, những cố gắng thực hiện dự án cùng với những thăng trầm đã trải qua suốt bao năm tháng qua.

2. Đường hướng của Đức Cha Cuenot Thể “khao khát thiết lập Chủng Viện”.

Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum

Thời kỳ đại diện tông tòa địa phận đông đàng trong của Đức Cha Stêphanô Cuenot Thể đang nằm trong thời kỳ cấm cách và bách hại nặng nề, Ngài lo lắng cho đoàn chiên của Ngài, đặc biệt là việc bảo tồn và đào tạo thêm linh mục bản địa. Vì thế, Ngài hướng về miền rừng núi Tây Nguyên trong ý nguyện thiết lập một chủng viện cho các bộ tộc vùng Tây Nguyên và Lào nói riêng cũng như các nước vùng Đông Dương nói chung. Khi thiết lập chủng viện Đức Cha Cuenot rất quan tâm đến việc rao giảng Tin Mừng cho các bộ tộc cư ngụ trên vùng miền núi Tây Nguyên, đồng thời Ngài cũng muốn tìm một nơi an toàn cho các linh mục Thừa Sai trong thời kỳ cấm cách đang diễn ra ngày càng gắt gao và ác nghiệt này. Vì vậy, Ngài hi vọng có thể thiết lập một chủng viện cũng như các nhà cô nhi để tránh khỏi sự lùng bắt của các quan lại Triều Đình Huế.

Ý định đó của Đức Cha Cuenot Thể được cha Dourisboure ghi lại trong tập hồi ký của Cha như sau: “ cuối cùng Đức Cha cũng chưa quyên ý định thiết lập một chủng viện ở vùng Tây Nguyên, và cũng vì vậy mà ông bạn già của chúng tôi( cha Gesgouts) vẫn giữ nhiêm vụ linh hướng cho cơ sở Rơ Hai trong khi chờ đợi phát triển thành một chủng viện, rồi ngài sẽ hành xử tất cả phận vụ bề trên” (x.  Dân làng Hồ Tr 91).

Tuy nhiên, dự định này của Đức Cha Cuenot Thể không thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó có thể kể đến những lý do chính như là về đường sá, khí hậu, nhân sự, nhất là bệnh dịch đã làm cản trở việc thiết lập một chủng viện trên vùng Tây Nguyên này. Những ý định đó được xem như là tiền đề cho thế hệ sau tiếp tục dự định mà Đức Cha Cuenot đã ấp ủ nhằm đáp ứng nhu cầu cho công cuộc truyền giáo trên vùng rừng núi Tây Nguyên và các vùng lân cận. Người kế nghiệp những ý định của Đức Cha Cuenot Thể đó chính là Đức Cha Jannin vị Giám Mục đại diện tông tòa tiên khởi của Giáo Phận Kontum.

3. Đức Cha Jannin người sáng lập Chủng Viện Thừa Sai Kontum.

Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum

3.1 Đôi nét về tiểu sử  Đức Cha Jannin.

  • Cha Martial Jannin (Phước) sinh ngày 07.01.1867, tại BesanÇon Doubs, nước Pháp.
  •  Ngày 08.09.1886: Vào Chủng viện  Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, học hết triết và thần học.
  • Ngày 28.09.1890: Thụ phong Linh mục.
  • Ngày 30.11.1890: Sang Việt Nam, và 01.01.1891: Đến Qui Nhơn (Gp. Đông Đàng Trong).
  • Năm 1892: Lên vùng truyền giáo Kon Tum, ở thời gian ngắn tại Kon Jơdreh.
  • Năm 1892-1898: Đảm nhận địa sở Kon Mơnei.
  • Năm 1898: Phụ trách phía Đông vùng truyền giáo Kon Tum: Kon Kơtu (có Cha Bober phụ tá), Kon Mahar, Kon Sơlăng-Plei Tơuer.
  • Năm 1906: Được bổ nhiệm thành lập Trường Cuénot và điều hành đến 1925.
  • Năm 1924: Bề trên Miền Truyền Giáo Kon Tum.
  •  Ngày 23.01.1933: Ngài được bổ nhiệm Giám Mục Đại Diện Tông Toà tiên khởi Gp Kon Tum. Lễ phong chức Giám mục ngày 23.06.1933 tại Nhà thờ Chính toà Kon Tum.
  •  Ngày 16.07.1940: Qua đời tại Trường Cuénot (TGM lúc bấy giờ), thọ 73 tuổi.  An táng tại Kontum

Đức Cha Martia Jannin là vị Giám Mục tiên khởi của giáo phận Kontum mới được thành lập với sắc chỉ tòa thánh  ký ngày 11.1.1932. Khi thụ phong giám mục Ngài đã 66 tuổi, nhưng Ngài đã có tới 42 năm làm việc tại vùng truyền giáo người Bahnar, vì vậy Ngài rất am hiểu vùng đất và con người nơi đây về phong thổ, tập quán đặc biệt là hoàn cảnh và công việc truyền giáo tại vùng Tây Nguyên này.

Có thể nói Đức Cha Jannin là một con người xuất Chúng về mặt tài năng và ý chí, Ngài để ý đến mọi khía cạnh, vạch mọi hướng đi và hành động khó tưởng tượng nổi trong cách lãnh đạo và dẫn dắt đoàn chiên. Ngài là một mục tử thánh thiện, là giáo sư, nhà văn( trong những sách Ngài viết bằng tiếng Bahnar, có quyển viết về vũ trụ, thế giới), Ngài tài giỏi nghệ thuật trang trí( bàn thờ tiểu chủng viện thừa sai Kontum được điêu khắc tuyệt hảo là tác phẩm của Ngài), là kỷ sư cơ khí ( độ được chiếc xe Ford thời danh và bảo đảm chạy thông suốt tới Quy nhơn và quay về an toàn), là kỷ sư điện( Ngài làm nhà máy thủy điện cung cấp cho các cơ sở tôn giáo và phát minh cách đưa nước thủy lợi về thị xã Kontum), nhất là  kiến trúc sư lỗi lạc, là đốc công khôn khéo cần mẫn( xây dựng trường Cuenot và chủng viện thứa sai Kontum thời danh đến ngày nay).

3.2  Lý do Đức Cha xây dựng Chủng Viện Thừa Sai.

Tình hình giáo phận và sự cần thiết xây dựng Chủng Viện Thừa Sai:

Khi Ngài được bổ nhiệm làm giám mục đại diện tông tòa tiên khởi Giáo Phận Kotum, Ngài đã có nhiều ưu tư trăn trở nhất là đội ngữ linh mục thiếu hụt như hiện nay. Qua thống kê năm 1933 về nhân sự cũng như về các cơ sở, đặc biệt là về niềm tin phần nào được bám rễ sâu trong lòng các tín hữu kinh cũng như dân tộc. Ngài nhận thấy rằng: một địa phận non trẻ mới được thành lập sự cần thiết là thiết lập một cơ sở đào tạo linh mục tương lai để phục vụ cho công cuộc truyền giáo của giáo phận, hơn nữa vùng truyền giáo Tây Nguyên có những nét đặc thù riêng và những khác biệt so với các vùng truyền giáo khác kể cả giáo phận mẹ Quy Nhơn.

Hiện tại vùng truyền giáo Tây Nguyên chỉ có trường Cuenot đào tạo các chú Yao Phu phục vụ cho công cuộc truyền giáo của giáo phận, nhưng cũng không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu cấp thiết của một giáo phận truyền giáo. Ngài nghĩ rằng: điều cần lúc này là phải có các linh mục thừa sai đảm nhận trách nhiệm truyền giáo và coi sóc đoàn chiên đang thiếu chủ chăn. Vậy linh mục thừa sai trong hoàn cảnh mới này lấy đâu ra số linh mục cần thiết phục vụ cho việc truyền giáo của giáo phận, và Đức Cha đã nghĩ tới  phải thiết lập một chủng viện đào tạo các linh mục thừa sai phục vụ cho cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên rộng lớn này.

Hơn nữa, giáo dân ngày một gia tăng, nhu cầu trở lại đạo ngày một đông nhưng các linh mục chỉ là con số khiêm tốn, trong đó phần lớn các linh mục đã lớn tuổi và bệnh tật già nua. Theo như báo cáo của giáo phận gửi cho Hội Thừa Sai Paris năm 1934 như sau: giáo dân: 20.934; rửa  tội cho người lớn 933; rửa tội cho các em bên lương 100.

Số linh mục: 14 bản xứ và 14 thừa sai; trong đó số linh mục qua đời 3; 1 linh mục đã hơn 78 tuổi; 7 linh mục đã mừng lễ bạc.

Đó là lý do phải cấp bách xây dựng một chủng viện phần nào đáp ứng công cuộc truyền giáo tại giáo phận mới Kontum. Nhưng muốn thiết lập chủng viện nhất thiết phải có ơn gọi để đào tạo, dựa vào tình hình giáo phận hiện này việc đáp ứng đủ ơn gọi hướng đến chức linh mục là điều khó, chính vì vậy, Đức Cha đã nhắm đến việc thành lập Hội Thừa Sai Việt Nam là tiền thân của Hội Thừa Sai Paris may ra mới đáp ứng đủ ơn gọi đào tạo linh mục phục vụ cho công cuộc truyền giáo tại nơi đây.

Ý tưởng này của Đức Cha đã được sự đồng ý của cha bền trên tổng quyền Hội Thừa Sai, cũng như Đức Cha Dreyer khâm sứ tòa thánh tại Đông Dương, đặc biệt là sự khích lệ của Đức Thánh Cha Piô XI gửi cho Thánh Bộ Truyền Giáo, qua tông thư Đức Thánh Cha tỏ ra rất hài lòng với dự án của Đức Cha Jannin, và Ngài rất khích lệ về điều đó trong tông thư có đoạn viết như sau: Đức Thánh Cha Piô XI, nhờ ơn Chúa, hiện trị Giáo Hội, sung sướng nhận được tin đức cha đang lo lập một Hội Thừa Sai Việt Nam theo khuôn mẫu Hội Thừa Sai Paris. Dự định này rất am hợp, vì không một ai thích hợp hơn để rao giảng đạo cho các cư dân còn lạc hậu trong vùng Đông Dương hơn là người Việt Nam đã quen phong thổ, đã từng chịu khổ trong cuộc sống. Trong các thế kỷ qua họ đã được thử thách lòng sốt sáng và đức tin vững vàng[…]. Nhận được sự  khích lệ của tòa thánh nên Đức Cha Jannin bắt đầu lên kế hoạch thực hiện dự án mà Ngài đã ấp ủ từ lâu.

4.  Đức cha JANNIN với việc thực hiện công trình xây dựng Chủng Viện Thừa Sai và đào tạo linh mục.

Được sự khích lệ từ tòa thánh cũng như các cha bề trên, nên Đức cha JANNIN đã bắt tay vào việc thiết kế và thi công ngôi Trường Truyền giáo. Chính ngài vừa là kiến trúc sư vừa là đốc công của toà nhà. Trước tiên vị trí được chọn nằm trên một ngọn đồi, đối diện và cách Trường Cuénot 600m về hướng bắc. Đó là một toà nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chít, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt, người Pháp gọi là “Bois de fer” (= gỗ sắt), gồm 2 tầng lầu và 1 tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xây xi măng cao 2 mét. Theo thiết kế, chính giữa là Nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Từ năm 1933, tiến hành thi công dãy nhà cánh trái (phía đông) và nhà nguyện được dựng lên trước. Chẳng may, khi khung nhà mới được dựng lên, thì một cơn lốc mạnh đã làm cho sụp đổ hoàn toàn. Thế là phải làm lại từ đầu. Với sự kiên nhẫn và quyết tâm của cả thầy lẫn thợ, cuối cùng cánh trái và nhà nguyện cũng hoàn thành, sẵn sàng để khai giảng vào năm 1935. Dãy nhà bên phải nhà nguyện tiếp tục được thi công, và công việc xây dựng dãy nhà này đã hoàn thành cách an toàn vào năm 1937.

Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum
Hình Chủng Viện Thừa Sai cánh phía đông.

Năm 1935, lớp tuyển sinh đầu tiên gồm 80 em người Kinh, hầu hết từ các nơi ở miền xuôi lên. Cha HUTINET (Nhì), mới từ Pháp sang, đặc trách giai đoạn đầu của Trường Truyền giáo, được gọi là Trường Thử (Probatorium). Thời gian ở đây, các em theo học các lớp tiểu học trong 3 năm. Sau đó, khi cánh phải của ngôi nhà hoàn tất (1937), thì nơi này được dùng làm Tiểu Chủng viện. Năm 1938, Tiểu Chủng viện, với Cha J.B. DÉCROUILLE (Tôn) làm giám đốc, mở cửa đón tiếp 25 em còn lại của lớp đầu tiên từ Trường Thử chuyển qua. Sau 5 năm ở Tiểu Chủng viện học tiếng Latinh và các môn khoa học tự nhiên, các chủng sinh sẽ được gởi đi học Triết và Thần học tại một trong những Đại Chủng viện của các Hạt Tông toà khác. Năm 1939, Kontum gởi 3 thầy lưu học tại Địa phận Quy Nhơn, 2 thầy ở Xuân Bích Hà Nội, và 3 thầy ở Pinăng (Mã Lai).

Ngày 16-7-1940, Đức cha JANNIN qua đời. Hai năm sau, kế nhiệm ngài là Đức cha Gioan Lievin SION, được tấn phong ngày 22-4-1942. Đức cha SION rất đạo đức và giàu kinh nghiệm trong vấn đề đào tạo các ơn gọi. Trước đây, ngài đã lập nên Dòng Thánh Giuse cho Quy Nhơn, và sau này còn lập một Dòng Nữ cho Kontum là Dòng Ảnh Phép Lạ. Ngài rất quan tâm đến vấn đề đào tạo trong chủng viện và còn đích thân tham gia vào việc dạy dỗ nữa.

Năm 1945, khi Thế chiến II vẫn còn chưa kết thúc, sau khi tấn công Đông Dương, quân Nhật tiến lên vùng Kontum. Họ bắt tất cả các thừa sai ngoại quốc, trong đó có Đức cha SION, tạm giam tại Tiểu Chủng viện vài ngày, rồi sau đó đem đi quản thúc tại Dòng Phanxicô Nha Trang, trên một ngọn đồi ven bờ biển Đông. Trong thời kỳ này, Cha Phêrô DƯƠNG NGỌC ĐÁNG phụ trách chủng viện và sau đó cho giải tán chủng sinh về với gia đình. Các chủng sinh, bị phân tán và cách ly, không thể về tựu trường vào tháng 8-1946 như dự trù được, ngoại trừ số chủng sinh thuộc Kontum và Pleiku. Tuy Thế chiến II đã kết thúc, nhưng tình hình chính trị tại Việt Nam rất phức tạp. Những người bị kẹt ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… dần dần tìm cách vượt qua hiểm nguy, quy tụ về Kontum và trình diện các Đấng Bề trên vào những năm 1947-1948. Lúc bấy giờ, Cha Bề trên J.B. DÉCROUILLE (Tôn) lo ổn định số chủng sinh cũ. Đích thân Đức cha SION lo lắng chỉ dẫn từng đại chủng sinh một về các môn thần học cần thiết, như giáo luật và luân lý. Năm 1949, trước khi về Pháp chữa bệnh, Đức Cha đã phong chức linh mục cho 2 Thầy J.B. TRẦN KHÁNH LÊ và Anrê PHAN THANH VĂN thuộc lớp đầu tiên xuất thân từ Trường Truyền giáo, hay nói cách khác là từ Chủng viện Thừa sai Kontum. Các thầy còn lại lần lượt được gửi đi hoàn tất chương trình triết và thần học tại Đại Chủng viện Sài Gòn.

Ngày 19-8-1951, Đức cha SION qua đời tại Pháp. Một tân Giám mục trẻ hoạt bát, nhân bản và nhiệt thành với việc truyền giáo lên kế nhiệm, đó là Đức cha Phaolô Lêô SEITZ (Kim). Ngài được tấn phong giám mục tại Hà Nội ngày 3-10-1952. Trước khi về nhiệm sở mới là Địa phận Kontum, Đức Cha trao việc quản trị và giáo dục “Gia đình Têrêxa” của ngài, ở Thái Hà ấp, Đống Đa, Hà Nội, cho Hội Dòng Don Bosco đảm nhiệm hướng dẫn. Lo lắng đào tạo linh mục cho tương lai, Đức Cha luôn muốn tuyển chọn một số thanh thiếu niên thuộc “Gia đình Têrêxa” vào Chủng viện Thừa sai Kontum, nên ngài xin các linh mục Dòng Don Bosco tuyển lựa một số học sinh có khả năng và ý hướng “đi tu”, và lo liệu cho các học sinh này vào giáo phận ngài đang đảm nhiệm. Đã có 2 đợt vào Kontum:

Đợt I: Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ (7/5/1954), khoảng 30 em thuộc gia đình Têrêxa được gửi vào Kontum với ý hướng theo ơn gọi linh mục.

Đợt II: Sau Hiệp định Genève (20/7/1954), khoảng 25 em vào Kontum cũng với ý hướng trên.

Tại thị xã Kontum, từ năm 1951-1953, Cha Giám đốc J.B. DÉCROUILLE (Tôn) tuyển mộ lớp chủng sinh mới, với sỉ số 18 em. Ngài bắt đầu ổn định nơi ăn chốn ở, nhưng thiếu hụt mọi thứ và việc học hành cũng chưa được như lòng mong ước. Số chủng sinh này và các chủng sinh thuộc “Gia đình Têrêxa” vừa đến được gởi vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn tu học. Vả lại, số chủng sinh vẫn còn ít, nên đầu năm 1955, Giám mục gửi thư đến các địa phận xin ơn gọi chủng sinh và đặt Linh mục THOMANN (Mẫn) làm Giám đốc Chủng viện Thừa sai Kontum, Linh mục Phêrô TRẦN THANH CHUNG làm quản lý kiêm dạy học. Ban giáo sư còn có các thầy KHẮC, thầy TRÍ…

Niên khoá 1955-1956, số chủng sinh là 70, nhưng rất đa dạng, gồm cả 3 miền: Nam, Bắc, Trung. Chẳng những học lực khác nhau, tâm lý khác nhau vì chênh lệch về tuổi tác, mà thời gian tựu trường cũng không đồng nhất, cứ lai rai trong suốt cả năm. Do đó, niên học này chủ yếu là thời gian xếp đặt, ổn định nơi ăn chốn ở và phân loại chia lớp cũng như bổ túc giáo sư cho thời gian sắp tới.

Tòa Giám Mục Kon Tum - Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum
Hình các Cha Bề trên Chủng Viện Thừa Sai.

5. Phát triển

Niên khoá 1956-1957: Đức Giám mục thay thế Bề trên chủng viện. Cuối niên khoá, ngài đặt Cha Alexis PHẠM VĂN LỘC làm Bề trên Chủng viện thay Cha THOMANN. Các sư huynh Lasan phụ trách dạy một số môn học tại chủng viện cho chủng sinh. Những niên khoá sau, các chủng sinh những lớp nhỏ ra học tại Trường Lasan Kim Phước được xây dựng bên cạnh chủng viện, nay là “Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm Kontum”. Tuy nhiên, còn thiếu giáo sư cho các lớp cấp ba và cần ổn định lâu dài hơn, nên số chủng sinh dần dần được gửi tu học tại các Chủng viện Piô XII của Hà Nội (tại Sài Gòn), Chủng viện Vinh (tại Thủ Đức), Chủng viện Dòng Phanxicô (Thủ Đức), hay Chủng viện Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn).

Song song với chương trình Việt, ngài quyết định đào tạo tại chỗ một thế hệ chủng sinh có nền học vấn chắc chắn và có phẩm chất hơn: ngài cho áp dụng chương trình Pháp. Hầu hết các chủng sinh được tuyển chọn theo chương trình Pháp từ đó. Năm 1966, Giám Mục đã thành lập một chi nhánh Chủng viện Thừa sai Kontum tại thành phố Đà Lạt và đặt Linh mục Phaolô LÊ QUANG TRINH làm giám đốc kiêm quản lý, cùng với một số linh mục thừa sai Pháp làm giáo sư. Chi nhánh này gồm 4 lớp lớn, từ lớp đệ tứ đến lớp đệ nhất (chương trình Pháp), các chủng sinh đi học tại Trường Collège d’Adran của các Sư huynh Dòng Lasan. Chủng viện và nhà trường hợp tác với nhau về vấn đề giáo dục. (Qua năm sau, Chủng viện Nha Trang cũng cùng tham gia vào chương trình này). Cũng ngay trong năm 1966 đó, Cha LÊ QUANG TRINH đột ngột qua đời vì tai nạn xe hơi. Lập tức, Đức Cha cho Linh mục Phêrô TRẦN THANH CHUNG lên thay thế và điều hành chủng viện cho đến năm 1974. Kế nghiệp Cha Chung là Linh mục Giuse BÙI ĐỨC VƯỢNG làm giám đốc và Linh mục Phêrô NGUYỄN VĂN ĐÔNG làm quản lý. Vì thời cuộc, chi nhánh tại Đà Lạt này chỉ tồn tại cho đến năm 1975 mà thôi.

Trở lại Chủng viện tại Kontum, năm 1969, Cha Alexis LỘC thôi làm giám đốc để đi tu nghiệp bên Pháp. Linh mục Giuse ĐOÀN ĐỨC THIỆP lên thay. Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, vì chiến tranh, Đức cha SEITZ (Kim) cho di tản chủng viện lên Đà Lạt, vì mượn được ngôi nhà Học viện của Dòng Chúa Cứu Thế đang để không. Tại đây, Cha THIỆP tiếp tục điều hành các lớp nhỏ (các lớp đệ nhất cấp chương trình Pháp) và cũng đóng cửa vì biến cố 1975. Sau biến cố tháng 4-1975, Đức Giám Mục cho quy tụ các chủng sinh Kontum từ mọi nơi về Chủng viện tại Kontum để tiếp tục học các môn học triết và thần học. Linh mục Giuse BÙI ĐỨC VƯỢNG được đặt làm bề trên và Linh mục NGUYỄN VĂN ĐÔNG làm quản lý, đồng thời một số linh mục có khả năng gấp rút dạy những môn cần thiết cho đời sống linh mục sau này. Nửa năm sau, Chủng viện bị giải thể, toà nhà “Chủng viện Thừa sai Kontum” bị đóng cửa. Tuy nhiên, ơn gọi linh mục thừa sai vẫn còn được duy trì nơi này nơi khác dưới nhiều dạng khác nhau.

Hình các giám mục giáo phận qua các thời đại:

 

6. Lời Kết

Ngày nay chủng viện vẫn hiên ngang còn đó như lời mời gọi, như một chứng tích của bao nhiêu công sức, bao nhiêu tình yêu của các vị thừa sai, các bề trên… hãy còn vang vọng nơi những con người đã đón nhận công ơn của các Ngài và cũng là một lời thúc dục cho hậu thế chu toàn trách nhiệm đối với tiền đồ của Giáo phận mà các vị thừa sai đã đánh đổi cả cuộc đời để gầy dựng nên cho chúng ta ngày hôm nay.

Trải qua bao nhiêu thế hệ,toà nhà “Chủng Viện” vẫn luôn là một biểu tượng có sức hun đúc tinh thần truyền giáo cho các linh mục thừa sai, dù rằng các Thừa Sai gặp biết bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn, nhưng tinh thần vẫn luôn vững vàng, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và Mẹ Maria. Vì vậy những bước chân Thừa Sai vẫn rảo khắc các buôn làng đem Lời Chúa đến cho những người khao khát muốn lắng nghe muốn đón nhận Tin Mừng.

Hơn bao giờ hết tinh thần Thừa Sai vẫn còn được tiếp nối với các thế hệ trẻ với sự hăng say và lòng nhiệt huyết tiếp nối truyền thống những bước chân người Thừa Sai đi trước đã gieo rắc, và giờ đây thế hệ trẻ có nhiệm vụ chăm sóc cho hạt giống Tin Mừng được nẩy nở và sinh thêm nhiều hạt khác cho Giáo Phận và cho Giáo Hội Chúa.

Tài liệu tham khảo:

  1. 75 Thành lập Chủng Viện Thừa Sai Kontum.
  2. Tài liệu do Cha Nguyễn Hoàng Sơn cung cấp.

Trả lời