Đăng nhập

Farmstay, du lịch nông nghiệp và kiến trúc nương tựa thiên nhiên

Farmstay, du lịch nông nghiệp và kiến trúc nương tựa thiên nhiên

Đây là bài chia sẻ của tôi trong Hội thảo chuyên đề “Không Gian Sống Xanh – Không Gian Tương Lai” vào ngày 5/12/2019. Tôi đã tổng hợp những thông tin và kiến thức đã chia sẻ lại thành một bài viết hoàn chỉnh để các bạn có thể tiện theo dõi.

1. Farmstay dưới góc nhìn cá nhân

Farmstay theo định nghĩa trên thế giới là một không gian, chỗ ở cho khách đến với nông trại.

Du lịch nông nghiệp (Agritourism) theo định nghĩa của Oxford là một kỳ nghỉ, chuyến du lịch mà du khách đến vùng nông thôn, ở lại trang trại của người dân địa phương.

Với góc nhìn của tôi, loại hình farmstay là 1 trang trại, sau 1 khoảng thời gian canh tác và tạo ra sản phẩm, chủ trang trại có thể tạo ra những không gian nghỉ ngơi, thư giãn từ những ngôi nhà được cải tạo ngay tại trang trại hay xây mới. Du khách có thể ở lại qua đêm hay đơn giản chỉ là đến trải nghiệm như 1 buổi picnic…

farmstay sinh thai

Còn du lịch nông nghiệp trong suy nghĩ của tôi là việc khách hàng đến và ở lại trang trại để trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, hoạt động làm nông trên chính nơi đó. Chủ nhân của farmstay sẽ nhận được một khoản tiền từ việc cung cấp nơi ở, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách.
Theo tôi, một dịch vụ du lịch nông nghiệp hoàn hảo là một farmstay tạo ra trải nghiệm của khách hàng xuất phát từ chính tình yêu, sự am tường và thấu hiểu đối với thiên nhiên, cây trồng của người chủ trang trại.

Du khách không chỉ cảm nhận sự yêu mến, chào đón khi đến với trang trại mà còn thấy được cả sự biết ơn của chủ trang trại đối với những cây trồng đã mang lại những giá trị cho cuộc sống hiện tại của họ. Chính những yếu tố này đã tạo ra một trải nghiệm xuyên suốt, riêng biệt và độc đáo của chính trang trại đó cho du khách.

2. Quan niệm của tôi trong thiết kế kiến trúc du lịch nông nghiệp

a. Triết lý thiết kế kiến trúc: Kiến trúc thuận tự nhiên

Quan điểm của tôi về việc thiết kế kiến trúc, đặc biệt là những công trình như farmstay, là kiến trúc phải thuận tự nhiên, nghĩa là nơi đó cây cối, đất đá, sông suối như thế nào thì phải để nguyên như thế, không thay đổi. Việc của thiết kế là tận dụng những thành phần đã có sẵn đó, sau đó nương tựa, cải tạo rồi đặt công trình kiến trúc vào nơi đó, sao cho hài hòa (theo hướng thuận tự nhiên) nhất có thể. Công trình kiến trúc còn phải là một phần của tự nhiên, tham gia vào trong hệ sinh thái của trang trại nơi đây chứ không phải là một thành phần ngoại lai.

farmstay sinh thai2

Bên cạnh đó, các phương pháp thi công xây dựng phải là những phương pháp không tác động hoặc tác động rất ít vào cây cối, đất đai và hệ sinh vật trong lòng đất. Nghĩa là hạn chế đào xới, san lấp địa hình tự nhiên (đối với các trang trại có địa hình dốc) hay chặt bỏ cây cối, đục đẽo đá (đối với các trang trại có địa hình núi đá),… đang hiện hữu tại trang trại, gây tổn hại đến cảnh quan tự nhiên và hệ vi sinh vật lòng đất.

Lấy ví dụ một farmstay tôi đã xây dựng là Hana Land Farmstay, đây là một farmstay tọa lạc trên một sườn núi dốc tại Đà Lạt, với địa hình dốc, có độ chênh rất lớn. Tôi đã chọn phương án xây dựng những công trình với phong cách nhà dài Ê đê, nhà các dân tộc thiểu số nằm men theo sườn dốc tự nhiên mà không san phẳng hay tác động gì đến địa hình vốn có. Về mặt thảm thực vật, cây cối hoàn toàn được giữ nguyên, không chặt bỏ một cây nào, chỉ di dời một số cây. Những con đường cũng được thiết kế theo triết lý này. Mọi con đường trong farmstay đều bám vào địa hình, uốn cong theo những triền dốc mà không dùng biện pháp san phẳng. Tôi đã có một bài viết về Hana Land Farmstay, các bạn có thể tìm đọc để hiểu rõ hơn.

b. Vật liệu xây dựng tự nhiên

Về vật liệu sử dụng cho xây dựng, ưu tiên chọn những vật liệu tự nhiên, hạn chế sử dụng những vật liệu nhân tạo, đặc biệt là những vật liệu hóa học gây hại đến hệ sinh vật trong tự nhiên. Cảnh quan, công trình khi được xây dựng nên phải phù hợp và hài hòa với cảnh sắc của cây cối, núi rừng,… xung quanh: Màu sắc của công trình phải là màu sắc của cảnh quan, màu sắc tự nhiên của chính những vật liệu xây dựng nên nó, và chỉ xử lý chống lại tác động của thời tiết. Đối với những vùng có khí hậu quá khắc nghiệt, hoặc trường hợp bắt buộc phải sử dụng vật liệu nhân tạo như sắt, gỗ công nghiệp thì màu sắc của những vật liệu đó phải có hài hòa với cảnh quan xung quanh, không tạo cảm giác lạc lõng, không tương thích.

Tôi chỉ sử dụng những vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, lá dừa,… và tốt nhất là những vật liệu được khai thác từ ngay chính khu vực xây dựng farmstay hoặc địa phương gần đó. Và hạn chế sử dụng xi măng hoặc những vật liệu gây hóa học có tác động không tốt đến môi trường.

Có lẽ các bạn sẽ khá ngạc nhiên với việc tôi không sử dụng xi măng – một vật liệu rất thông dụng và gần như không thể thiếu trong xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, xi măng có rất nhiều tác hại đến môi trường: đầu tiên, việc sản xuất xi măng gây ra ô nhiễm rất lớn cho hệ sinh thái của trái đất. Bên cạnh đó, những phản ứng hóa học lúc xi măng đông kết tạo ra rất nhiều nhiệt và chất độc – cụ thể là kiềm – làm chết hệ vi sinh vật trong lòng đất. Và với một nơi mà yếu tố đất và vi sinh vật đóng vai trò chủ chốt như trang trại, thì việc đánh đổi đó quá đắt.

c. Quy hoạch có định hướng

Với tôi, một quy hoạch tốt về farmstay nói riêng và kiến trúc nói chung phải đảm bảo hoạt động thuận tiện đối với mọi hoạt động trong đó đồng thời tính toán, định hướng phát triển trong tương lai.

Thực tế, hướng đi luôn là một bài toán đau đầu cho cả chủ đầu tư và kiến trúc sư. Một nhà tư vấn tốt thì việc làm rõ với chủ đầu tư về hướng đi cho farmstay thông qua các câu hỏi: Lý do xây dựng farmstay này là gì? Farmstay này có thể phát triển đến mức nào? Sử dụng vốn đầu tư như thế nào là hợp lý? Thời gian hoàn vốn là bao nhiêu? Nên đầu tư hết một lượt hay đầu tư theo từng giai đoạn?…

Chỉ sau khi trả lời được hết tất cả những câu hỏi trên và tìm ra nhu cầu của chủ farmstay, tôi mới tiến hành đặt những nét bút đầu tiên trên bản quy hoạch. Thông thường, để quy hoạch hết một trang trại rộng lớn cần một khoảng đầu tư không nhỏ, chính vì thế, giải pháp quy hoạch mà tôi thường sử dụng là chia nhiều giai đoạn đầu tư. Trong giai đoạn đầu, với nguồn vốn không lớn lắm, chủ đầu tư có thể xây dựng những hạng mục quan trọng cho việc farmstay vận hành ổn định như nguồn nước, phân khu, giao thông, chỗ ở,… Sau một thời gian hoạt động ổn định và chuẩn bị được vốn, ta có thể tiếp tục bắt đầu giai đoạn tiếp theo đã được lên kế hoạch từ trước như mở rộng nơi ở để đón thêm khách, cải tạo, mở rộng đường đi, xây dựng thêm cảnh quan,… Điều quan trọng là quy hoạch tổng thể từ đầu phải tính toán định hướng phát triển cho farmstay cho ít là 3-5 năm, lâu hơn thì 20 – 30 năm thậm chí là 50 năm. Đó mới là một quy hoạch có định hướng và một quy hoạch có định hướng tốt và phù hợp với điều kiện thực tế sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ farm!

d. Nâng cao tương tác con người

Bên cạnh yêu cầu về quy hoạch có định hướng, tính toán cho sự phát triển tương lai, giá trị quy hoạch mà tôi hướng đến là việc nâng cao tương tác con người hoạt động, sinh sống trong đó. Một quy hoạch farmstay hoàn hảo phải là quy hoạch tạo sự kết nối giữa những con người với nhau, tạo nên mối tương tác tự nhiên. Một khi sự tương tác của con người với con người – con người với thiên nhiên được diễn ra liên tục, farmstay sẽ trở nên có sức sống hơn, thú vị hơn và nhiều màu sắc hơn. Chính sức sống ấy sẽ tạo ra điểm thú vị, độc đáo cho farmstay!

Để tạo nên sự tương tác ấy, quy hoạch tổng thể phải được thiết kế sao cho mọi hoạt động, hoặc ít nhất là những hoạt động chính, được kết nối với nhau thông qua một trọng tâm là nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà ăn – nơi mọi người thường tập trung đông đúc nhất. Lấy nhà ăn hoặc nhà cộng đồng làm trung tâm, sau đó bố trí các hạng mục khác như nhà ở, vườn rau, nhà hàng,… xung quanh đó. Giao thông kết nối giữa những kiến trúc trung tâm và vệ tinh, cũng như giữa các kiến trúc vệ tinh với nhau phải rõ ràng, nhanh chóng nhất, tạo nên sự liên hệ kịp thời và liên tục cho người sử dụng.

Bên cạnh hình thức quy hoạch hướng tâm, một hình thức quy hoạch khác cũng mang đến hiệu quả tương tác tương tự là quy hoạch thành cụm. Các kiến trúc được phân thành những cụm khác nhau dựa trên mục đích sử dụng: cụm kiến trúc ở, cụm kiến trúc ăn,… Những cụm này có những kiến trúc sát nhau mà không nằm rải rác khắp trang trại và được liên kết với những cụm khác bằng hệ thống giao thông rõ ràng, liên tục, đảm bảo sự tương tác liên tục giữa các cụm với nhau. Ngoài ra, các cụm cũng được đặt ở vị trí sao cho giao thông liên hệ giữa các cụm chồng chéo lên nhau theo mục đích được tính trước, giúp tăng sự tương tác của con người thông qua việc đi lại cắt ngang như thế.

3. Vận hành farmstay hoạt động ổn định

a. Quản trị nguồn nước

Farmstay cơ bản là một trang trại nên yếu tố đầu tiên để trang trại này phát triển ổn định và vượt qua những đợt hạn hán chính là nguồn nước. Hầu như mọi hoạt động trong trang trại đều sử dụng nước, từ hoạt động tưới tiêu, làm mát đến các hoạt động tắm rửa, sinh hoạt của con người và động vật. Chính vì thế nên việc quản trị nguồn nước cho farmstay là một điều rất quan trọng quyết định đến việc hoạt động ổn định của toàn trang trại. Với khí hậu đặc biệt 2 mùa mưa và khô như Việt Nam, bạn nên tìm 2 nguồn nước để có thể cung cấp hỗ trợ lẫn nhau phòng khi 1 nguồn bị khô cạn: 1 nguồn nước để dùng hàng ngày, một nguồn tự nhiên chảy về bể chứa lớn. Nếu bạn nhận thấy lượng nước không đủ hãy chuẩn bị nhiều hơn 1 hồ chứa thông nhau ở những độ cao, vị trí riêng biệt.

Theo đánh giá của tôi, quản trị nguồn nước trong farmstay là quản trị 3 nguồn nước chính sau đây: nước mặt, nước ngầm và nước mưa.

Nước ngầm: Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích dưới bề mặt trái đất, có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người. Nước ngầm là nguồn nước quan trọng và trong một số trường hợp, chúng là nguồn cung cấp nước chính cho farmstay của bạn. Để quản trị nguồn nước ngầm một cách hiệu quả, hãy luôn luôn để ý xem mạch nước ngầm đang chảy như thế nào, ở đâu và luôn để ý mức độ dồi dào của nguồn nước để có những biện pháp xử lý kịp thời khi nguồn nước đột ngột bị cạn. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý không xây dựng những công trình có thể chặn ngang hoặc ngắt mạch nước ngầm. Một con đường được mở bằng cách xẻ đồi có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy và nguồn nước ngầm.

Nước mặt: Nước mặt là nước trong sông, hồ hoặc nước ngọt trong vùng đất ngập nước. Bên cạnh nước ngầm, nước mặt cũng là một nguồn nước quan trọng cho farmstay của bạn. Nếu trong khu vực farmstay của bạn có nguồn nước mặt, bạn có thể lấy trực tiếp nguồn nước mặt cho việc tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bạn cần chú ý quản trị nước mặt vào những tháng mùa lũ để phòng tránh rủi ro khi nước dâng cao sẽ phá hủy công trình, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Nước mưa: Với khí hậu nhiệt đới gió mùa với 2 mùa khô và mưa đặc trưng của Việt Nam, việc quản trị nguồn nước mưa là hết sức cần thiết. Bạn cần phải tính toán được nước sẽ thoát như thế nào khi mưa to và kéo dài để tránh được tình trạng ngập úng, tính toán trữ nước mưa ở đâu để sử dụng cho những hoạt động trong trang trại,… Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và đặc điểm từng vùng sẽ có định hướng và giải pháp riêng để quản trị.

b. Quản trị hệ thống năng lượng.

Trong hình dung của tôi, một farmstay hoàn hảo phải tự tạo nên một vòng tuần hoàn năng lượng và vật chất, một hệ sinh thái tự vận hành. Điều đó có nghĩa là farmstay phải được thiết kế để tự vận hành mà không cần sự hỗ trợ về tài chính nào khác từ bên ngoài. Các nông sản từ farmstay sẽ được sử dụng phục vụ chính các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, hoặc được trao đổi, buôn bán để đổi lấy những vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Các phế phẩm hữu cơ từ các sản phẩm trong trang trại như vỏ các loại cây ăn quả sẽ được sử dụng làm phân hữu cơ thông qua các biện pháp như ủ phân, vòng tròn chuối,… hoặc được dùng để nuôi ruồi lính đen hay trùng quế, tạo ra nguồn thức ăn dùng cho chăn nuôi,…

Trong hệ sinh thái ấy, farmstay cũng phải tự giải quyết vấn đề năng lượng để không quá phụ thuộc vào hệ thống điện, năng lượng bên ngoài. Đầu tiên là hệ thống năng lượng tự cấp như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước. Năng lượng mặt trời trong thời điểm hiện tại là một thứ không quá phức tạp và có thể được lắp đặt một cách đơn giản, dễ dàng đem lại nguồn năng lượng tự cấp sạch và ổn định cho farmstay. Ngoài ra, những farmstay nằm ở nơi có sông suối tự nhiên đủ lớn hoặc là điểm hút gió có thể đặt những máy phát điện chạy bằng sức nước, gió để cung cấp thêm nguồn năng lượng để vận hành các hoạt động trong trang trại.

Bên cạnh nguồn năng lượng lấy từ tự nhiên, trọng lực cũng là một yếu tố có thể tận dụng để tiết kiệm năng lượng cho nông trại. Với những nơi có địa hình chênh lệch độ cao lớn, chúng ta có thể đặt những hồ chứa nước tại những nơi cao hơn khu vực nhà ở từ 15 đến 30 mét để tận dụng trọng lực thay thế cho máy bơm nước. Việc để nước tự động chảy xuống nhờ trọng lực sẽ giúp trang trại tiết kiệm được một lượng năng lượng lớn sử dụng cho việc bơm nước.

c. Quản lý môi trường sinh thái

Môi trường sinh thái được định nghĩa là một mạng lưới chỉnh thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau giữa đất, nước, không khí và các cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Hiểu một cách đơn giản, đó là sự liên quan với nhau của tất cả các thành phần trong farmstay của bạn: đất, nước, cây trồng, không khí,… tạo nên một sự cân bằng và ổn định. Và khi có hoạt động sản xuất của con người tác động, sự cân bằng này có thể mất đi gây ảnh hưởng xấu đến cả trang trại.

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp về sự can thiệp của con người vì mục đích riêng gây tác động xấu đến hệ sinh thái. Như tại châu u vào năm 1900, những cá thể thỏ được đem đến đây 40 năm trước đã bùng nổ theo cấp số nhân, góp phần làm xói mòn nghiêm trọng các loại đất đai trên khắp lục địa do chúng liên tục đào hang làm tổ. Hay loài nho Kudzu có nguồn gốc từ Nhật Bản đã phát triển với tốc độ không thể kiểm soát được tại Mỹ, chiếm hết nguồn đất đai của các loài thực vật bản địa. Và còn rất nhiều trường hợp tương tự trên thế giới về sự mất cân bằng sinh thái mà bạn có thể tìm đọc dễ dàng trên Internet.

Vì thế, nếu bạn đang có ý định mang một sinh vật ngoài địa phương đến và nuôi trồng tại trang trại của mình, thì hãy xem xét cẩn thận và quản lý chặt chẽ về sự sinh trưởng của chúng để tránh những hậu quả đáng tiếc về mất cân bằng sinh thái trong tương lai.

d. Quản lý chất thải

Chất thải trong trang trại không chỉ giới hạn về phân của các động vật, con người mà còn cả là lá cây rụng, vỏ trái cây,… và các sản phẩm không sử dụng được khác từ các hoạt động trong trang trại. Chất thải nếu không được xử lý đúng cách sẽ là nơi sinh trưởng cho các động vật gây hại, mang mầm bệnh cho những

động vật, cây trồng và con người trong trang trại. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp còn gây mất cân bằng hệ sinh thái. Chính vì thế, bạn phải cần cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề xử lý chất thải trong farmstay của mình.

Để có thể quản lý được chất thải, bạn cần phải biết được những hoạt động trong trang trại của mình tạo ra chất thải gì, và chất thải đó sẽ gây ra hệ quả xấu gì cho những sinh vật cùng môi trường xung quanh nếu không được xử lý kỹ lưỡng. Tiếp theo, bạn cần lên kế hoạch kiểm soát và xử lý chúng. Theo quan điểm của tôi, bạn nên chọn những phương pháp quản lý chất thải thuận tự nhiên như vòng tròn chuối, ủ chất thải để làm phân bón, khí biogas,…

Để lại một bình luận